Ứng phó với biến đổi khí hậu: Xây công trình đa mục tiêu

TRẦN HỮU 01/12/2015 08:43

Hội thảo tổng kết các mô hình thí điểm thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Quảng Nam do Đại sứ quán Đan Mạch, Bộ Tài nguyên - môi trường và UBND tỉnh tổ chức cuối tuần qua, lại cảnh báo những mối đe dọa, tác động tiêu cực của thời tiết cực đoan, đồng thời đề xuất những giải pháp mang tính cấp bách lẫn lâu dài.

Nhiều năm nay, các chương trình biến đổi khí hậu đã giúp cho xã Tam Giang (Núi Thành) phục hồi và trồng mới hàng chục héc ta rừng ngập mặn dọc bờ sông Trường Giang. Ảnh: TRẦN HỮU
Nhiều năm nay, các chương trình biến đổi khí hậu đã giúp cho xã Tam Giang (Núi Thành) phục hồi và trồng mới hàng chục héc ta rừng ngập mặn dọc bờ sông Trường Giang. Ảnh: TRẦN HỮU

Tiếp tục cảnh báo

Theo Cục Khí tượng thủy văn và BĐKH (Bộ Tài nguyên - môi trường), khu vực miền Trung, trong đó có Quảng Nam đang đối diện với tình trạng lũ lụt, hạn hán nhiều hơn. Biểu hiện thường thấy là mùa khô thì thiếu nước ngọt, mùa mưa thì ngập lụt, nước biển dâng cao khiến nước mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền. Trên phạm vi cả nước, trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ có xu hướng tăng, lượng mưa giảm trung bình 50 - 400mm và những hiện tượng thời tiết “dị thường” xuất hiện nhiều hơn. Số ngày nắng nóng bất thường trên 350C kéo dài, số ngày lạnh giảm nhưng lại xuất hiện những đợt rét đột ngột. Nền sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng trọt và nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề nhất do BĐKH gây ra.

Tại Quảng Nam, BĐKH làm gia tăng các loại hình thời tiết cực đoan. Các loại thiên tai xuất hiện thường là bão lũ, dông sét, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, áp thấp nhiệt đới. Sức tàn phá khủng khiếp nhất luôn là bão lũ. Sau bão là hiện tượng lũ quét xảy ra bất ngờ, gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản. Lưu vực Vu Gia – Thu Bồn qua các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An mỗi năm bị sạt lở hàng chục ki lô mét bờ sông, bờ biển. Gần đây thường thì bắt đầu từ tháng 5, nắng nóng cục bộ kéo dài; nạn xâm nhập mặn xảy ra khi hạn hán còn làm cho các sông Vĩnh Điện, Thu Bồn, Tam Kỳ nhiễm mặn nặng. Tuy nhiên, vào mùa mưa thì bão lũ xuất hiện với tần suất và cường độ ngày càng tăng. Ông Võ Như Toàn – Trưởng phòng Nước, khí tượng thủy văn và BĐKH (Sở Tài nguyên - môi trường) cho biết, BĐKH gây ra trên địa bàn tỉnh chủ yếu là lũ, bão có cường độ mạnh, xói lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, xâm nhập mặn, nhiệt độ tăng, mưa thất thường. Đáng lo hơn, ngoài yếu tố thiên tai, sự phát triển ồ ạt các dự án kinh tế, nhà máy thủy điện ở phía thượng nguồn còn là tác nhân làm gia tăng sự “trái nết” của thiên tai.  

Nhân rộng dự án bền vững

Tính đến nay, từ các nguồn vốn khác nhau, phần lớn do Chính phủ Đan Mạch tài trợ, Quảng Nam đã đầu tư 25 công trình liên quan đến BĐKH với kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng. Các công trình xây dựng kiên cố chủ yếu tập trung vào khu vực trực tiếp bị tổn thương như vùng ven biển bị sạt lở, vùng “rốn” lũ... Điển hình mô hình nhà đa năng y tế kết hợp với phòng chống bão lụt; công trình thủy lợi kết hợp với giao thông nông thôn; trồng rừng ngập mặn... Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, Quảng Nam không ngừng nâng cao nhận thức cho các ngành chức năng, cán bộ cũng như người dân về ứng phó với BĐKH. Theo đó, xây dựng các mô hình thí điểm tại nhiều địa phương như thị xã Điện Bàn, TP.Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình... Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn, các mô hình thí điểm thích ứng với BĐKH được triển khai đem lại hiệu quả rõ rệt, nhất là các hợp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư. Các dự án được đầu tư đều sâu sát thực tế, có tính hữu dụng cao, bền vững; không có sự xung đột giữa các nhóm hưởng lợi, có cơ sở khoa học thực tiễn, đảm bảo hài hòa các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ...

Thực tế, các dự án BĐKH đã triển khai tại các địa phương đều hướng đến đa mục tiêu nên không bao giờ “lỗi thời”. Các mô hình khi lựa chọn triển khai đã đánh giá, cân nhắc rất kỹ càng. Mặt khác, công trình có sự tham gia, giám sát của cộng đồng địa phương, sau đầu tư đã bàn giao cho chính quyền duy tu, bảo dưỡng mô hình. Ông Trương Đức Trí - Phó cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn - BĐKH cho biết, Trung ương đang xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về BĐKH ở Việt Nam; phê duyệt dự án ưu tiên đầu tư về BĐKH giai đoạn 2016 - 2020. Quảng Nam cần tiếp tục cập nhật kịch bản BĐKH, nước biển dâng; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chiến lược, chương trình, quy hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực có xét đến yếu tố BĐKH; tăng cường đầu tư cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và giám sát BĐKH. “Cần đẩy mạnh các nghiên cứu về công nghệ, thiết bị mới thân thiện với khí hậu; tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên nước...” - ông Trí nói.
Tại hội thảo, các chuyên gia môi trường cũng đề xuất, những công trình xây dựng kiên cố trước khi đầu tư phải nghiên cứu khảo sát địa chất địa hình, đánh giá tác động môi trường hệ sinh thái trước và sau khi thực hiện dự án.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU