Xây dựng xã hội bình đẳng giới: Nâng cao chất lượng cán bộ nữ
Sự quan tâm của các cơ quan, ban ngành từ tỉnh đến cơ sở trong việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ đã góp phần thúc đẩy công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh.
Tại Quảng Nam, trong những năm qua, công tác phụ nữ và cán bộ nữ luôn được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo sâu sát, chất lượng, và đã cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động… Có thể kể đến Chương trình hành động số 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tăng cường công tác phụ nữ đến năm 2020. Hay trong Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về “Công tác cán bộ giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến 2020”, hoặc Hướng dẫn số 04 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về “Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2010 - 2020”. UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 1577 về bình đẳng giới tỉnh Quảng Nam đến năm 2015, đồng thời ban hành Quyết định số 37 quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, trong đó quy định mức hỗ trợ cho cán bộ nữ người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ nuôi con nhỏ.
Hội LHPN tỉnh tuyên dương phụ nữ điển hình 5 năm 2010 - 2015. Ảnh: VINH ANH |
Thực hiện chủ trương của tỉnh, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ nữ được TP.Tam Kỳ hết sức chú trọng. Qua đó, giúp cho đội ngũ cán bộ nữ của thành phố ngày càng được nâng cao về cơ cấu, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn. Hầu hết cán bộ nữ khi được giao nhiệm vụ công tác đều vững vàng về chính trị, giữ vững phẩm chất đạo đức, đồng thời sắp xếp hài hòa giữa công việc gia đình và xã hội, đảm bảo vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa xây dựng gia đình hạnh phúc. Theo kết quả đánh giá hàng năm, kể từ năm 2010 đến nay, 100% cán bộ nữ của TP.Tam Kỳ được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Giai đoạn 2011 - 2014, TP.Tam Kỳ cử 28 cán bộ nữ đi học đại học, cao đẳng, thạc sĩ, chiếm 30% số cán bộ được đưa đi đào tạo; ngoài ra cử 4 cán bộ nữ đi đào tạo, bồi dưỡng cao cấp lý luận chính trị và một người đi thi nâng ngạch chuyên viên chính…
Mục tiêu tổng quát của chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020: “Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”. Trong khi đó, chỉ tiêu đầu tiên là phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020 từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016 - 2020 hơn 35%. |
Theo bà Trương Thị Lộc - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, để góp phần nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào bộ máy lãnh đạo các cấp, Đảng đoàn, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội chủ động, tích cực tham mưu đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền trong việc giới thiệu nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bố trí bổ nhiệm, luân chuyển. Nhờ đó, những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm sát sao đến công tác cán bộ nữ, đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp ngày càng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Qua thực tiễn cho thấy đội ngũ cán bộ nữ được bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý có nhiều tiến bộ trong điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tận tâm, tận lực với công việc, có ý thức khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Theo báo cáo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, kết quả đại hội Đảng ở cấp cơ sở, cơ cấu cán bộ nữ tham gia cấp ủy khóa mới (2015 - 2020) của Quảng Nam chiếm 20%, vượt 5% so với Trung ương quy định, tăng 3% so với nhiệm kỳ trước. Ở cấp trên cơ sở, tham gia cấp ủy khóa mới (2015 - 2020) có tổng số 871 người, trong đó cán bộ nữ chiếm hơn 13%. Tất cả huyện, thị xã, thành phố đều có cán bộ nữ tham gia ban chấp hành khóa mới đạt tỷ lệ 10 - 15%.
Từ năm 2010 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều đề án, cơ chế chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nói chung và chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ nói riêng. Thông qua đó, cán bộ, công chức, viên chức nữ ngày càng được nâng cao chất lượng về mặt chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và các kỹ năng giúp cán bộ nữ tự tin, chủ động phấn đấu vươn lên “giỏi việc nước, đảm việc nhà” góp phần vào sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh. Theo báo cáo Sở Nội vụ, tính riêng giai đoạn 2010 - 2013, toàn tỉnh có gần 400 cán bộ, công chức, viên chức nữ được cử đi học các lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước chương trình chuyên viên, chuyên viên chính; 765 lượt cán bộ, công chức, viên chức nữ đi học chuyên môn, nghiệp vụ (trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học…); 9.653 lượt cán bộ, công chức, viên chức đi học các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ lãnh đạo quản lý… Thực hiện Chương trình cấp vùng về thúc đẩy bình đẳng giới trong tham chính, giai đoạn 2011 - 2014, Sở Nội vụ đã triển khai các khóa bồi dưỡng, tập huấn cho hơn 650 nữ cán bộ cấp huyện, cấp xã và nữ cán bộ thuộc Dự án 600 của Chính phủ và Đề án 500 của tỉnh. Các nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với thực tế, sát với từng đối tượng, giúp cho cán bộ, công chức, viên chức nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
ANH ĐÔNG