Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng: Tương tác từ đầu nguồn xuống biển

Thực hiện chuyên đề: HỮU PHÚC 29/11/2015 09:29

Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, vùng bờ biển Quảng Nam - Đà Nẵng có sự tương tác lẫn nhau, nhưng do cách tiếp cận biệt lập, làm cho mâu thuẫn lợi ích giữa các ngành và địa phương càng trở nên gay gắt, “thực thể sống” tài nguyên thiên nhiên bị chia cắt vỡ vụn do phương pháp quản trị thiếu thông minh và cách tiếp cận khoa học. Cuộc đối thoại bàn tròn cấp cao với chủ đề “Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam - Đà Nẵng: Một cách tiếp cận từ đầu nguồn xuống biển” vừa diễn ra cuối tuần qua, không chỉ nhận diện rào cản đối với phát triển bền vững lưu vực sông và vùng bờ biển mà thu hút nhiều ý kiến đóng góp sắc sảo của các nhà khoa học chuyên ngành, đề xuất khuyến nghị chính sách quản trị tài nguyên liên ngành, liên vùng.

SÔNG, BIỂN LO CHUNG

Mất rừng, khai thác vàng, cát sỏi trái phép, mật độ xây dựng dày đặc các nhà máy thủy điện… trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn tác động xấu đến môi trường sinh thái và sinh kế cộng đồng không chỉ ở lưu vực sông mà còn ảnh hưởng xuống vùng bờ biển.

Chặn dòng và nhiễm mặn

Trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, hiện có 4 nhà máy thủy điện lớn đưa vào vận hành gồm Đắc Mi 4, Sông Tranh 2, A Vương và Sông Kôn 2 với tổng công suất đạt 637MW, điện lượng năm 1,7 tỷ kwh. Theo Trung tâm Môi trường quốc tế - ICEM Úc đánh giá về phát triển thủy điện trên lưu vực sông này rằng, tổng thể thủy điện sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế của tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng và gây hậu quả nghiêm trọng cho các hệ thống tự nhiên, cho đời sống và phúc lợi của một số dân tộc thiểu số. Còn theo TS. Đào Trọng Tứ, Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu thuộc Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam, thủy điện đã làm ít nhất 30% các dòng sông bị chặn và biến thành hồ với dòng chảy thay đổi bất thường phá hủy hệ sinh thái của thượng lưu sông, giảm phần lớn lượng phù sa đưa xuống hạ lưu. Hệ lụy nữa là tăng nguy cơ xói lở bờ biển, nghẽn bùn ở cửa sông, cửa biển. Thiệt hại là nhiễm mặn nguồn nước mặt ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Điển hình nhiễm mặn trên sông Vĩnh Điện gần đây lên mức cảnh báo, ảnh hưởng đến các trạm bơm phục vụ nước tưới cho hơn 2.150ha cây nông nghiệp của huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn và TP.Hội An. Có năm vào vụ hè thu do thiếu nước vì nhiễm mặn nên khu tưới trạm bơm Tứ Câu phải bỏ sản xuất. Các trạm bơm ở thượng nguồn sông Vĩnh Điện bất đắc dĩ dừng vận hành.

Biển Cửa Đại tiếp tục sạt lở nặng. (Ảnh chụp ngày 25.11.2015) Ảnh: M.HẢI
Biển Cửa Đại tiếp tục sạt lở nặng. (Ảnh chụp ngày 25.11.2015) Ảnh: M.HẢI

Tốc độ phát triển ồ ạt các nhà máy công nghiệp trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, cùng với đó là diện tích đất canh tác mở rộng... tiêu tốn một lượng nước lớn. Do phá rừng ở khu vực thượng nguồn, suy giảm đa dạng sinh học nên mùa lũ nước về nhanh hơn, thay đổi chế độ thủy văn. Mâu thuẫn trong phân bổ và sử dụng nguồn nước giữa thủy điện và các ngành dùng nước khác như sản xuất trồng trọt, nước cho sinh hoạt, môi trường kéo dài dai dẳng. Cũng chính vì xung đột quyền lợi liên quan đến chuyện khai thác, sử dụng nước nên mới có chuyện TP.Đà Nẵng kiện Bộ Tài nguyên môi trường như đã từng xảy ra 2 năm trước đây.

Hạ nguồn gánh hậu quả

Theo khảo sát của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, lấy mốc thời gian so sánh là từ khi Nhà máy thủy điện A Vương vận hành năm 2008, kết quả cho thấy trong 6 năm trở lại đây có thay đổi lớn về 2 mùa mưa và khô. Đáng chú ý nhất là tình trạng khô hạn và lũ lụt xảy ra không theo quy luật như trước. Những biến động lũ lụt cũng trở nên khó lường hơn. Tình trạng lũ kép và lũ dâng bất thường xuất hiện đột ngột. Vì chặn dòng chảy của sông, can thiệp thô bạo của con người phía thượng nguồn cùng với diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đe dọa đến vùng ven bờ biển Quảng Nam - Đà Nẵng. Biểu hiện dễ nhìn thấy nhất là vùng ven biển gia tăng lũ bùn đá và ngập lụt, ô nhiễm từ nguồn đất liền xả ra. Kiểm kê tải lượng thải từ đất liền ra vùng biển ven bờ Quảng Nam - Đà Nẵng của Tổng cục Biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên môi trường) cho thấy, tổng lượng ô nhiễm hàng năm khoảng 92,6 nghìn tấn COD, 22,4 nghìn tấn BOD, hơn 428 nghìn tấn tổng chất rắn lơ lửng, gần 83 tấn hóa chất bảo vệ thực vật và khoảng 430 tấn kim loại nặng các loại. Kết quả kiểm kê xác nhận, vùng ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng là nơi tiếp nhận nhiều chất gây ô nhiễm từ nguồn đất liền nhất (sau tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh, trước Hải Phòng và Quảng Ninh) và vịnh Hàn (TP.Đà Nẵng) là một trong những “điểm nóng” ô nhiễm.

Công trình xây dựng trong các khu resort ở bờ biển Cửa Đại bị hư hại do sóng biển tấn công.
Công trình xây dựng trong các khu resort ở bờ biển Cửa Đại bị hư hại do sóng biển tấn công.

Mấy năm nay, Hội An như “trượt” dần xuống biển. Hơn 8km bờ biển Cửa Đại - nơi gặp gỡ cửa sông Thu Bồn bị lở nặng, gây thiệt hại nặng tài sản của doanh nghiệp, người dân lẫn đầu tư của Nhà nước. Bên kia xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) ngược lại bị bồi phải nạo vét tốn kém. Chính con người đã góp phần “cường hóa” các tác động vào tự nhiên trong khi lại không cân nhắc, tính toán và lồng ghép vào các quy hoạch phát triển vùng cửa sông ven biển xung quanh. Khai thác, sử dụng bất hợp lý nguồn tài nguyên ở chính vùng bờ biển đã làm mất dần các hệ sinh thái rừng ngập mặn, các thảm thực vật ven sông Thu Bồn, thảm cỏ biển, rạn san hô. Hiện tượng cát bay, cát lấp... đang thành mối đe dọa cho các địa phương ven biển. Các chuyên gia môi trường cảnh báo, các cửa sông, bờ biển trong tỉnh đã, đang “trượt” sâu xuống đại dương.

THỂ CHẾ NÀO ĐỂ QUẢN TRỊ TÀI NGUYÊN HIỆU QUẢ?

Hội thảo đối thoại bàn tròn cấp cao về quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển Đà Nẵng - Quảng Nam, đã đề xuất thống nhất các khung thể chế, cơ chế quản trị tài nguyên.

Từ năm 2009, Ngân hàng Phát triển châu Á và Mạng lưới tổ chức lưu vực sông châu Á đã giúp Quảng Nam xây dựng lộ trình đầu tư. Tháng 10.2013, Chương trình Sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã chọn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam - Đà Nẵng là nơi áp dụng thử cách tiếp cận “từ đầu nguồn xuống biển”. Hội thảo lần này nhằm tìm ra tiếng nói chung, bàn mô hình thể chế và cơ chế quản lý tổng hợp. Ông Bùi Văn Tiếng - nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng mạnh dạn đề xuất, đúc kết kinh nghiệm quản lý từ Ủy ban lưu vực sông Mê Kông, hay sông Đồng Nai, cần thiết phải thành lập một cơ quan thuộc Chính phủ, chứ không phải thuộc Bộ Tài nguyên môi trường. Căn cứ để có đề xuất này là lưu vực sông có nhiều ngành, bộ quản lý khác nhau. Chẳng hạn thủy điện thuộc Bộ Công Thương quản lý nên một mình Bộ Tài nguyên môi trường không thể quyết định được. Còn TS. Đào Trọng Tứ đề xuất khung thể chế và cơ chế quản lý tổng hợp bằng việc thành lập Ủy ban lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Ủy ban có chức năng thẩm định các quy hoạch lưu vực sông; lập kế hoạch phòng chống ô nhiễm môi trường; kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước, duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông; các dự án chuyển nước giữa các vùng; Điều hòa, phối hợp hoạt động của các bộ, ngành, địa phương, các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổ chức, cá nhân thực hiện quy hoạch, kế hoạch dự án về tài nguyên nước trong lưu vực trên; Đề xuất mức thuế sử dụng tài nguyên nước. Đồng thời “Ủy ban này sẽ giám sát việc thực hiện quy hoạch lưu vực sông, kiến nghị chính quyền 2 địa phương và Bộ Tài nguyên môi trường các biện pháp quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả. Ngoài ra, còn có vai trò kiến nghị phương án giải quyết tranh chấp về sử dụng nguồn nước” - TS. Tứ nói.

Sạt lở bờ biển Cửa Đại.
Sạt lở bờ biển Cửa Đại.

Những năm qua, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế thông qua Sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai phối hợp với UBND tỉnh áp dụng một số giải pháp theo cách tiếp cận dựa vào hệ sinh thái để tăng cường sức chống chịu của vùng ven biển nhằm giải quyết các thách thức về môi trường do can thiệp thô bạo của con người trong phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu. Một số hoạt động đang thực hiện như phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, xây dựng không gian xanh – công viên ven biển tại TP.Hội An, xử lý nước thải bằng công nghệ sạch và trồng rừng ngập mặn tại xã Cẩm Thanh.

* Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển: Việc thiếu hụt lượng bùn cát lớn do thủy điện ngăn dòng trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn không đủ cung cấp cho khu vực biển Cửa Đại nên mức độ sạt lở bờ biển càng trầm trọng hơn nhưng địa phương vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Đối thoại bàn tròn cấp cao lần này sẽ rất bổ ích để giúp tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng quản lý tốt nhất tài nguyên sông, biển và giải quyết xung đột quyền lợi sử dụng nguồn nước.

* Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn:  Hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển tỉnh Quảng Nam, TP.Đà Nẵng có tầm chiến lược đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của cả hai địa phương. Quản lý liên vùng sẽ góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh của các địa phương ảnh hưởng lẫn nhau trong các lĩnh vực giảm thiểu ô nhiễm, quản lý chất thải, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo tính lành lặn của các hệ sinh thái, quản lý việc khai thác và sử dụng tài nguyên bền vững.

* Ông Jake Brunner, Phó Giám đốc Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế khu vực Đông Nam Á: Hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn là một trong những hệ thống sông lớn của miền Trung và cả nước. Với đặc điểm sông có độ dài ngắn, độ dốc lớn nên những gì xảy ra ở đầu nguồn đều tác động nhanh chóng đến khu vực vùng hạ du, làm thay đổi về môi trường sinh thái, địa chất và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Do đó đặt ra vấn đề cần quản lý tổng hợp, toàn diện và cần bắt đầu từ nguồn.

* PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi - Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam: Vấn đề quản lý tổng hợp không gian để tích hợp các chiến lược và kế hoạch phát triển từ đất liền ra biển đã áp dụng ở nước ngoài từ 10 năm qua, đặc biệt ở Thụy Điển, Hoa Kỳ và gần đây Trung Quốc, nhưng cách tiếp cận này vẫn còn mới trong nước. Cho nên, cần hoạch định chính sách và ra quyết định quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và bờ biển Quảng Nam - Đà Nẵng theo hướng “từ đầu nguồn xuống biển”.

LIÊN NGÀNH, LIÊN VÙNG

Để cứu tài nguyên sông biển, quản lý tổng hợp không gian từ đầu nguồn xuống biển, phải tăng cường phối hợp liên ngành, liên vùng và giải quyết triệt để mâu thuẫn lợi ích.

Nạn sa tặc ảnh hưởng đến nguồn nước sông Vu Gia - Thu Bồn.  Trong ảnh: Khai thác cát trái phép tại sông Thu Bồn, đoạn qua xã Điện Phong (Điện Bàn).
Nạn sa tặc ảnh hưởng đến nguồn nước sông Vu Gia - Thu Bồn. Trong ảnh: Khai thác cát trái phép tại sông Thu Bồn, đoạn qua xã Điện Phong (Điện Bàn).

Không chia cắt thượng nguồn và hạ nguồn

Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, vùng bờ biển và biển có quan hệ tương tác với nhau. Tuy nhiên, các hệ thống này lâu nay quản lý một cách biệt lập do hệ thống quản lý tài nguyên nước cũng như các tài nguyên liên quan trên lưu vực này tiếp cận theo địa giới hành chính. Cơ chế quản lý hành chính đối với các nguồn tài nguyên thuộc TP.Đà Nẵng và Quảng Nam rập khuôn theo cơ chế quản lý cấp Trung ương. Ví như Sở Tài nguyên - môi trường chịu trách nhiệm quản lý tài nguyên nước, khoáng sản và đất đai; Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm quản lý công trình thủy lợi phục vụ nông nghiệp; Sở Công Thương quản lý phát triển các công trình thủy điện thuộc thẩm quyền của tỉnh. Vì cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước theo hướng đơn ngành, nên thường chỉ chú ý đến lợi ích của ngành mình mà không chú ý đến lợi ích của ngành khác. Từ năm 2008, Chính phủ đã có nghị định quy định thành lập Ủy ban lưu vực sông cho những sông liên tỉnh. Năm 2009, sông Vu Gia - Thu Bồn cũng thành lập ra ủy ban này nhưng hoạt động không hiệu quả vì nhiều nguyên nhân như chức năng chưa rõ ràng, chồng chéo với vai trò của cơ quan quản lý nhà nước; nguồn nhân lực và tài chính hạn chế. Sau khi Luật Tài nguyên nước năm 2012 ra đời, Ban Quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn không còn hoạt động.

TS. Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch danh dự Hiệp hội khoa học Tư duy hệ thống TP. Hải Phòng cho rằng, cần cách tiếp cận tích hợp trong quản lý lưu vực sông với vùng bờ biển, phải đưa tư duy hệ thống vào quá trình quản lý của các cấp lãnh đạo. Nghĩa là phải có giải pháp xử lý tổng thể, lồng ghép, liên ngành, liên vùng, liên địa phương nhằm xử lý tận gốc rễ vấn đề chứ không xử lý triệu chứng và tình huống trước mắt như hiện nay. Gấp rút thành lập một Ủy ban lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển có đủ quyền lực để quản lý quy hoạch, giám sát và kiểm soát phát triển lưu vực Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng, giải quyết các tranh chấp trong sử dụng nước giữa các ngành dùng nước. Tại hội thảo, có ý kiến đề xuất các ngành, chính quyền 2 địa phương phải ngồi lại với nhau để thỏa hiệp, ví dụ như cùng đề xuất giảm thuế tài nguyên cho thủy điện để họ trả nước về mức cơ bản. Nhờ đó mới đảm bảo sử dụng công bằng, hợp lý không gây hại và bảo vệ hệ sinh thái. Tổ chức định kỳ đối thoại bàn tròn “mở” giữa 4 nhà (nhà quản lý, khoa hoc, doanh nghiệp, người dân) giữa hai địa phương; ký cam kết phối hợp thực hiện bắt buộc đối với lưu vực sông và vùng bờ biển. Mở rộng không gian quy hoạch vượt ra khỏi phạm vi lưu vực sông hay vùng bờ biển thông qua tích hợp quy hoạch sử dụng đất. TS. Chu Mạnh Trinh (Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) nói, địa phương nào cũng làm quy hoạch sử dụng đất lâu rồi, vấn đề ở chỗ có quy hoạch môi trường riêng biệt không. Tuy nhiên, không đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Văn Thành cho rằng, trong các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng, ngành đều có đánh giá tác động môi trường. Yếu tố bảo vệ môi trường luôn được lồng ghép trong các quy hoạch. Nguyên tắc nhất quán trong quản trị tài nguyên nước ở lưu vực sông phải được quản lý thống nhất, không chia cắt giữa các cấp hành chính, giữa hạ nguồn và thượng nguồn.

Đề xuất giải pháp

Ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị, cần ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn trong mùa lũ và mùa hạn, với cơ chế điều phối liên tỉnh có sự tham gia của chủ đầu tư các công trình thủy điện để đưa ra các quyết định kịp thời và hợp lý cho việc chống lũ và phân bổ nước hợp lý cho từng đối tượng sử dụng nước mùa khô. Các đô thị Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ... thông qua quy hoạch cần tính toán tác động lũ, mực nước dâng, xây dựng các phương án thích ứng với lũ. Các ngành chức năng phải có câu trả lời chắc chắn rằng, khu vực nào được/ không được/ hạn chế xây dựng. Kiểm kê, khoanh vùng, xử lý và ban hành cơ chế kiểm soát các nguồn thải từ đất liền trước khi đổ ra sông và biển. Ông Đào Trọng Tứ, Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu thuộc Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam đề xuất giải pháp, là nghiêm cấm hoạt động hút cát ở vùng cửa sông, cửa biển làm thay đổi điều kiện động lực học gây xói lở bờ và sa bồi luồng lạch, kết hợp điều chỉnh quy hoạch chi tiết các vùng xảy ra sự cố như Cửa Đại.

Vận chuyển gỗ lậu bằng ruột xe bơm căng trên sông Vu Gia.
Vận chuyển gỗ lậu bằng ruột xe bơm căng trên sông Vu Gia.

Ông Võ Như Toàn - Trưởng phòng Nước, khí tượng thủy văn, biển và hải đảo thuộc Sở Tài nguyên môi trường cho rằng, phải nhanh chóng phục hồi diện tích rừng đã mất, đặc biệt rừng đầu nguồn có chức năng phòng hộ và rừng ngập mặn ven biển. Có chính sách chia sẻ lợi ích cụ thể để người dân an tâm bảo vệ rừng. Hạn chế sử dụng nguồn nước ngầm ở vùng ven biển, các khu công nghiệp, đồng thời có kế hoạch sử dụng hợp lý, an toàn nguồn nước. “Nhà nước cần có kinh phí để nạo vét lòng sông, cửa sông, cửa biển để thoát lũ nhanh hơn” - ông Toàn kiến nghị.

Tại đối thoại bàn tròn cấp cao, PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam, Trưởng ban điều phối MFF đưa ra cách tiếp cận “từ đầu nguồn xuống biển” trong quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Theo PGS-TS. Hồi, vùng bờ biển rất quan trọng nằm chuyển tiếp giữa lưu vực sông và biển bên ngoài, nhưng các hệ thống này lại quản lý một cách biệt lập. Hiện nay, an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn... ở mức đáng cảnh báo. Vì thế cần cách tiếp cận tích hợp để lồng ghép quản lý lưu vực sông với vùng bờ biển dựa trên mối liên kết sinh thái, thủy văn và kinh tế - xã hội đòi hỏi phải có cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng. Cạnh đó, nhanh chóng thay đổi nhận thức ở cấp cao; thời gian đến phải ban hành chính sách và ra quyết định cho các phương án phát triển lưu vực sông và vùng bờ biển. Đối thoại bàn tròn cấp cao lần này đã đưa ra các khuyến nghị, giải pháp để tiến tới quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển Quảng Nam - Đà Nẵng; thảo luận mô hình thể chế và cơ chế quản lý lưu vực sông, bờ biển...

Thực hiện chuyên đề: HỮU PHÚC

Thực hiện chuyên đề: HỮU PHÚC