Ghé thăm làng Hà Lam

LÊ BÌNH TRỊ 29/11/2015 09:13

Làng Hà Lam với những địa danh như Đồi Sim, Hà Kiều, Dốc Sỏi… đã đi vào thơ văn, thành nỗi nhớ của nhiều người con Thăng Bình xa xứ.

Cầu mới bắc qua Hà trì cửu khúc.
Cầu mới bắc qua Hà trì cửu khúc.

Dựa vào những thông tin ít ỏi từ các hiện vật và tư liệu ta có thể nghĩ làng Hà Lam có thể được thành lập vào cuối thế kỷ thứ XV và do những người di cư từ vùng Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh (trước đây là phủ Hà Ba, trấn Nghệ An) theo cuộc nam chinh của Lê Thánh Tông vào năm 1471.  Chữ Hà có thể từ chữ sen nhưng cũng có thể xuất xứ từ chữ Hà Ba.     

Hiện nay tại tiền hiền làng Hà Lam vẫn còn 2 bức hoành phi, hé lộ vài thông tin về nguồn gốc của làng: Hoan Châu phát tích, Hà thủy khai cơ (Phát tích từ Hoan Châu, sông Hà mở ra cơ nghiệp). Hồng Lĩnh Kỳ Anh lưu trạch viễn/ Lam điền khai thác tác cung tiên (Hồng Lĩnh Kỳ Anh dòng chảy mãi/ Ruộng xanh khai thác, thành kính nhớ ơn người trước).

Sách Hà Lam xã chí được Hội đồng bảo tộc tiền hiền Hà Lam biên soạn năm 2003 cho biết: “… Dựa vào gia phả tộc Võ Văn thì làng được xây dựng trong khoảng thời gian cách đây khoảng 500 năm. Ngài thỉ tổ là Võ Văn Khâm tước Dinh Bửu hầu, từ phủ Hà Ba, trấn Nghệ An với sứ mệnh thiêng liêng di dân mở cõi. Trên đường khảo sát để tìm nơi định cư đã đến Hà Lam. Nơi đây có cây cối um tùm ruộng đất hoang vu chưa có xã hiệu nên cùng bạn bè quy dân lập ấp. Thấy cảnh đẹp, có nước chảy, có hoa sen bèn lấy câu “Lam điền chủng ngọc, Hà Ba hương viễn” mà đặt nên xã hiệu Hà Lam”.

Còn theo gia phả tộc Nguyễn Đức thì ngài thỉ tổ là Lương Xuyên hầu thấy trên đất có khe sen chảy xuống, dưới có đồng ruộng mạ xanh như chàm, nên đặt tên là Hà Lam.

Có một điều làm nhiều người thắc mắc chưa lý giải được đó là làng được thành lập sớm như vậy nhưng sách cũ lại không nhắc đến tên làng. Sách Ô châu cận lục (Dương Văn An, 1553) đã đành, sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn mới viết năm 1776, trong danh sách các làng xã (nhiêu phu, thôn, ấp, thuộc, phường, châu, vi tử) ở tất cả phủ huyện đều không thấy tên xã Hà Lam. Rất may trong mục nói về hình thế núi sông, thành lũy, trị sở, đường sá, bến đò, nhà trạm của 2 xứ Thuận Quảng mới có lần duy nhất nhắc đến xã Hà Lam: “…các xã Hương Lý, Hương Lộc, xã Hương Tuyền, quán Cát, quán Liễu đến xã Hà Lam mất một ngày; từ Hà Lam đi qua quán Cây Mít, xã Ba Tư, quán Trường An, xã Cẩm Lũ, quán Kế Xuyên, quán Trà Long, quán Lò Thổi, quán Lối, quán Tháp đến chợ Chiên Đàn hết một ngày…” (Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học, Hà Nội, năm 1964, trang 121).

Đến thời nhà Nguyễn làng Hà Lam mới được xác định cụ thể. Theo Địa bạ triều Nguyễn soạn năm Gia Long thứ 12 (1812), Hà Lam là một trong 29 làng của tổng Phú Mỹ Trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa (năm 1842 đổi lại là Thăng Bình). Sau Cách mạng Tháng Tám cả huyện Thăng Bình từ 165 xã gộp lại thành 58 xã, Hà Lam thuộc xã Thăng Hòa. Năm 1948, từ 58 xã lại hợp thành 19 xã, Hà Lam lại thuộc xã Thăng Châu. Năm 1950, huyện Thăng Bình lại lại hợp xã lần thứ 3, từ 19 xã hợp lại chỉ còn 11 xã, làng lại thuộc xã Thăng Điền.

Sau năm 1954, dưới chính quyền Việt Nam Cộng hòa, huyện đổi lại thành quận, làng Hà Lam thuộc xã Bình Nguyên. Sau khi đất nước thống nhất, từ 1981, làng Hà Lam được tách khỏi xã Bình Nguyên để thành lập thị trấn Hà Lam, làm trung tâm hành chánh của huyện Thăng Bình. Từ rất lâu làng Hà Lam được chọn làm lỵ sở của phủ Thăng Hoa và của huyện Lễ Dương. Sách Đại Nam Nhất thống chí cho biết: “Lỵ sở phủ Thăng Hoa đặt tại làng Hà Lam, có chu vi 51 trượng, rào bằng tre, dựng năm Minh Mạng thứ 2 (1821).

Hà Lam là làng văn vật hàng đầu của huyện Lễ Dương và phủ Thăng Hoa ngày trước. Dưới thời Tự Đức, làng được nhà vua ban tấm biển vàng có 4 chữ “Thiện tục khả phong” (việc thiện đáng khen), do những đóng góp của làng vào việc giúp đỡ, cứu tế cho các làng chung quanh và các vùng khác mỗi khi xảy ra thiên tai địch họa. Từ năm 1836 dưới thời Tự Đức, làng đã xây dựng một Văn thánh đồ sộ làm nơi thờ các vị khoa bảng và đào tạo nho sinh cho huyện. Ngày nay Văn thánh không còn nhưng vẫn còn giữ được 9 tấm bia khắc tên 33 trung, đại khoa (tiến sĩ, phó bảng và cử nhân) và 127 tú tài, sinh đồ của cả huyện. Bên cạnh các vị khoa bảng, có bia còn khắc tên các danh nhân, các vị hảo nghĩa, các tiết phụ  của huyện. Đây là những hiện vật quan trọng ghi dấu ấn văn hóa của một vùng đất, mà ít các huyện khác còn giữ được.

Hà Lam cũng là ngôi làng khoa bảng hàng đầu của huyện với 1 phó bảng, 5 cử nhân và 14 tú tài, chiếm 20% số khoa bảng của toàn huyện thời phong kiến. Gia đình họ Nguyễn của làng cũng là một gia đình khoa bảng hàng đầu của Quảng Nam với 1 phó bảng (Nguyễn Thuật), 3 cử nhân (Nguyễn Tạo, Nguyễn Duật, Nguyễn Chức) và 3 tú tài (Nguyễn Đạo, Nguyễn Suyền, Nguyễn Kinh).

Năm Mậu Thân 1908, Lý trưởng làng Hà Lam là Nguyễn Cảnh (Hương Cảnh) đã cùng Nguyễn Cò (Hương Quần) lý trưởng làng Đồng Thới dẫn đầu đoàn biểu tình vây phủ Thăng Bình đòi xin giảm sưu thuế, buộc Tri phủ Lê Bá Đằng phải bỏ trốn. Vì việc này ông bị kết tội “khích biến lương dân” và đày ra Côn Đảo cùng lượt với Huỳnh Thúc Kháng, Tiểu La Nguyễn Thành…

Đặc biệt ở làng Hà Lam có “cửu khúc hà trì” một công trình thủy lợi do dân làng xây dựng để đưa nước từ sông Ly Ly về tưới cho cánh đồng làng. Lúc đầu chỉ là một khe nhỏ gọi là Hà khê. Sau nhiều lần nạo vét trở thành ao lớn gọi là Hà trì. Đoạn chính của Hà trì được chia làm 9 đoạn uốn lượn như rồng nên gọi là cửu khúc hà trì. Trên đoạn nằm giữa ấp Trung và ấp Thị vào năm Canh Dần 1890 có xây dựng một cây cầu lấy tên là Hà Kiều. Hiện nay tại đây còn tấm bia dựng năm Canh Tý, 1900, có thủ bút của phó bảng Nguyễn Thuật, một trong những danh sĩ hàng đầu của đất Quảng; và những cây sưa do Nguyễn Thuật trồng đã trên 100 năm tuổi.      

Làng Hà Lam cũng là nơi có nhiều di tích văn hóa lịch sử. Mộ cụ Hà Đình, nhà thờ tộc Nguyễn Đức là những Di tích lịch sử cấp tỉnh, ngoài ra còn có nhà bà Nguyễn Thị Hướng -  “Phiếu mẫu” đất Hà Lam, đền Tiên Nông (đàn cầu mưa phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày trước), Nghĩa trủng (Nơi chôn những người chết đói sau cuộc khởi nghĩa Cần vương), tiền hiền làng Hà Lam, Văn thánh huyện Lễ Dương…

LÊ BÌNH TRỊ

LÊ BÌNH TRỊ