Hài hòa của tương phản trong lòng phố Hội

KHIẾU THỊ HOÀI 28/11/2015 12:34

Sự hài hòa của người và cảnh, của những điều cũ và mới, của ồn ào và tĩnh lặng, của đóng và mở… trong “chân dung” Hội An. Đó là phác thảo người xem có thể nhìn thấy ngay khi bước vào không gian của triển lãm tranh “Hài hòa và tương phản”.

Các họa sĩ tại triển lãm tranh.  Ảnh: Khiếu Thị Hoài
Các họa sĩ tại triển lãm tranh. Ảnh: Khiếu Thị Hoài

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương, người giám tuyển của triển lãm tranh “Hài hòa và tương phản” chia sẻ, ông đến Hội An nhiều lần và thấy mảnh đất này thật kỳ lạ. Trong một thành phố rất nhỏ, vừa có văn hóa của người Minh Hương, người Nhật, người Pháp thể hiện qua kiến trúc nhà thờ, chùa chiền, đình miếu, các nhà thờ tộc họ nằm rất gần nhau. Nhiều đặc trưng văn hóa, nhiều công trình tôn giáo và tín ngưỡng thậm chí chỉ cách nhau một đường ngang, một ngõ nhỏ trong thành phố xinh xắn này đã cho các hoạ sĩ những gợi ý về mặt tạo hình hài hòa. Không chỉ gợi những cảm hứng về hình, thành phố nhỏ này có một bảng màu phong phú, đủ đẹp và hấp dẫn các nghệ sĩ từ những đầu hồi ghi xám màu thời gian, những mảng tường màu vàng thổ, những mái ngói rêu xanh và những giàn hoa giấy màu sắc sặc sỡ, ánh đèn lồng lung linh. Với họa sĩ Lê Thiết Cương, Hội An - nơi hài hòa của những vẻ đẹp tương phản thực sự trở thành điểm hẹn cho mọi cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ.

Triển lãm “Hài hòa và tương phản” diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật xứ Đàng Trong (số 9 Nguyễn Thái Học, Hội An) bắt đầu từ ngày 22.11 với sự tham gia của 10 họa sĩ đến từ Hà Nội và Hội An: Trịnh Tú, Lê Thiết Cương, Tào Linh, Doãn Hoàng Lâm, Nguyễn Quốc Thắng, Nguyễn Như Đức, Phạm Trần Quân, Phạm Minh Đức, Nguyễn Thanh Hải, Lâm Đức Mạnh trưng bày khoảng 20 tác phẩm trên các chất liệu quen thuộc là sơn dầu, phấn màu, bột màu và acrylic.

Trong 10 họa sĩ của triển lãm “Hài hòa và tương phản”, rất nhiều người đã từng đến Hội An từ mấy chục năm trước, từng vẽ Hội An nhiều lần như họa sĩ Trịnh Tú, Lê Thiết Cương, Tào Linh. Họa sĩ Trịnh Tú với bức Góc phố chia sẻ: “Tôi vẽ bức Góc phố bằng hồi ức. Tôi… thuộc lòng Hội An. Năm 1990 tôi đã vào và ở lại mấy tháng để vẽ thành phố này. Ngày đó, Hội An như đang chìm trong giấc ngủ trưa, vắng lặng. Tôi vẽ và bày tranh tại Hội An và Đà Nẵng. Đến bây giờ, với bức vẽ mới này, vẫn là tinh thần của Hội An thủa đó”.

Nhiều họa sĩ trẻ lần đầu tiên vẽ Hội An trong cảm nhận chung về sự hài hòa của những điều tương phản như họa sĩ Phạm Minh Đức. Bức tranh Nắng Hội An của Phạm Minh Đức vẽ bằng chất liệu acrylic trên vải bố. Đây là bức đầu tiên anh vẽ Hội An. Anh nói: “Tôi thể hiện cái nắng tràn qua những khu nhà cổ vàng ruộm, để lại sắc tím lạnh trong bóng bị che khuất tạo ra hai gam màu chủ đạo trên toàn bộ tác phẩm. Đó chính là màu sắc trong ý nghĩ của riêng tôi khi đi trong khu phố cổ thời khắc cuối hè sang thu. Lững thững dạo bộ trên những con đường hẹp song song những khu nhà cổ mái rất thấp tràn ngập nắng, không chỉ có nắng Hội An; những ô cửa, mái ngói, mảng tường nhuộm màu thời gian nhất là hai con mắt cửa rất đặc trưng mà chỉ có ở Hội An đã níu tôi lại ngồi rất lâu ở đó”. Cách đây vài tháng, khi lần đầu tiên đến Hội An với những bức tranh vẽ chợ Hải Phòng trong triển lãm “Bột màu báo cũ” tại Làng Lụa, họa sĩ Phạm Minh Đức có dịp lang thang trong lòng phố cổ và ấn tượng với những mảng màu, những hình khối đối lập tại đô thị cổ này. Anh nhớ nắng vàng trên những góc phố cũ, tường cổ, đặc biệt nhớ con mắt cửa ở mỗi ngôi nhà và anh đã vẽ cả ba bức Nắng Hội An, Góc phố rêu xanh, Ký ức Hội An hoàn toàn trong trí tưởng tượng. Đó là những hình, những màu đã khắc sâu trong trí nhớ của anh về Hội An tới nỗi anh đặt tên cho bức vẽ mắt cửa Hội An là “Ký ức Hội An” mà mãi sau này khi bức tranh đã hoàn thành anh mới biết rằng mắt cửa trong mỗi ngôi nhà ở Hội An là điều đặc trưng trong kiến trúc của thành phố này.

Tác phẩm “Lụt” của Nguyễn Như Đức.
Tác phẩm “Lụt” của Nguyễn Như Đức.

Họa sĩ trẻ Nguyễn Như Đức với ba bức Lụt, Mưa Hội An và Hoàng hôn trên sông Hoài thể hiện cuộc sống của người Hội An trong những hoàn cảnh đặc biệt. Anh nói, trước đây tôi chỉ chụp ảnh Hội An chứ ít khi vẽ. Sau khi chuyển hẳn về sống ở Hội An, trở thành cư dân của thành phố này, dần dần tôi nhận ra sự hài hòa về màu sắc qua những tương phản mạnh của những sắc độ sáng tối. Tôi đặc biệt thích mưa ở Hội An, sau cơn mưa, dường như sự hài hòa của sắc độ tương phản càng rõ rệt hơn. Khi đó có thể thấy sự phản chiếu của ánh đèn lồng, bóng người đi ngay dưới làn nước mưa đọng lại trên mặt đường trong phố.

Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ, việc ông tham gia với vai trò cố vấn nghệ thuật độc lập trong các hoạt động tại Trung tâm Nghệ thuật xứ Đàng Trong là cách để ông thể hiện tình yêu của mình với Hội An. Ông khẳng định, với vai trò này của mình, tất cả sự kiện triển lãm nghệ thuật tại đây đều phải có người giám tuyển, tất cả sản phẩm thủ công mỹ nghệ được bày bán phải có chất lượng mỹ thuật cao nhất trong thị trường Việt Nam. Ông mong muốn Trung tâm Nghệ thuật xứ Đàng Trong thực sự trở thành một trung tâm văn hóa của đô thị cổ, mang lại dấu ấn khác biệt, giúp cho Hội An vừa giữ được linh hồn của phố đồng thời phát huy và làm mới phố cổ để hội nhập.

KHIẾU THỊ HOÀI

KHIẾU THỊ HOÀI