Trẻ em: Đối tượng dễ bị tổn thương do BĐKH
Hiện cuộc sống của gần 700 triệu trẻ trên thế giới đang đe dọa do hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu gây ra, theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF).
Nhiều bàn tròn nghị sự từ khu vực đến quốc tế vẫn còn tranh cãi về định mức của nhiều nước nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhất là hội nghị quốc tế vào đầu tuần tới mang tính lịch sử đối với tương lai của trái đất, gần 700 triệu trẻ em đang gánh chịu tổn thương do BĐKH. Thống kê mới nhất của UNICEF cho biết, trong khi khoảng 530 triệu trẻ em châu Á sống tại các khu vực thường xuyên xảy ra lụt lội, thì khoảng 160 triệu trẻ em châu Phi đang bị đe doạn bởi hạn hán. Đáng nói, hơn một nửa trong số các em bị tổn thương do BĐKH sống tại các quốc gia mà có hơn một nửa dân số thuộc diện nghèo với mức thu nhập chưa quá 3 USD mỗi ngày.
Nhiều trẻ em lặn lội đi lấy nước ở nơi xa. (Ảnh: adb.exposure) |
Dù trên thực tế, trẻ em không phải là đối tượng chính hay rất ít gây ra các hành động khiến môi trường bị xuống cấp trầm trọng nhưng các em lại là đối tượng dễ bị tổn thương nhất từ BĐKH toàn cầu. Do đó, con số đau lòng trên khiến cho người lớn - đối tượng chính gây BĐKH toàn cầu (theo khuyến cáo của Liên hiệp quốc) phải suy ngẫm và hành động khẩn cấp để cứu lấy thế hệ tương lai. Thế giới hiện đang phải chứng kiến hiện tượng BĐKH gây ra các đợt hạn hán, lụt lội, nóng bức hay các điều kiện thời tiết cực đoan khác với tần suất nhiều hơn, khắc nghiệt hơn. Nhiều trẻ em bị thiệt mạng hay bị thương tật trong các trận cuồng nộ của thiên tai. Ngoài ra, thời tiết cực đoan trên là nguyên nhân làm bộc phát và lây lan nhanh chóng các căn bệnh truyền nhiễm nặng nề như tiêu chảy, sốt rét, thiếu thuốc men, hay bị suy dinh dưỡng do thiếu lương thực. Hiện nhiều nước trên thế giới đang oằn mình gánh chịu sự tàn khốc do hiện tượng El-nino gây ra như lũ lụt, hạn hán, bão và lốc xoáy. Chỉ riêng tại khu vực Đông Phi và Nam Phi khiến khoảng 11 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào tình trạng đói nghèo, bệnh tật và thiếu nước.
Giám đốc điều hành UNICEF Anthony Lake nói, những đứa trẻ nghèo, ở những vùng sâu xa thường không được tiếp cận với nguồn nước sạch và nhu cầu vệ sinh hợp lý thì khi xảy ra thiên tai, những đứa trẻ đó càng dễ bị lây nhiễm bệnh và sức khỏe rất khó mà hồi phục. “Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ quy tụ về Paris - Pháp vào đầu tuần tới nhằm giải quyết các tranh cãi, bảo vệ môi trường sống ngăn chặn tình trạng nhiệt độ trái đất. Nếu như hội nghị lần này không mang lại kết quả như mong muốn thì chúng ta không những nợ trái đất mà còn nợ trẻ em” - ông Anthony Lake khuyến cáo.
Theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc trong tháng 11 này, nguyên nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu 90% là do con người gây ra, 10% là do tự nhiên. Những tác động từ biến đổi khí hậu đã khiến nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ 20 tăng 0,55°C và dự báo sẽ tiếp tục tăng 2-5°C trong thế kỷ 21 kèm theo hậu quả rất nặng nề cho con người và môi trường. Trong nỗ lực ngăn chặn diễn biến khí hậu toàn cầu, Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đối khí hậu (COP 21) sẽ bắt đầu sớm hơn kế hoạch một ngày nhằm tận dụng thời gian hoàn tất các cuộc đàm phán.
QUỐC HƯNG