Ông Sáu từ thiện
Ông Mai Văn Sáu, 63 tuổi, ở tổ 25, thôn An Lạc xã Duy Thành (huyện Duy Xuyên), được “đóng đinh” với cái tên “ông Sáu từ thiện”.
Sau khi con cái đã yên bề gia thất, ông Sáu dành nhiều thời gian cho công tác từ thiện, đến nay được 7 năm. Hàng trăm mảnh đời khó khăn được ông giúp đỡ. Điều đặc biệt, ông không chỉ làm từ thiện trong xã Duy Thành, mà còn ở nhiều xã khác trong huyện cũng như các địa phương khác trong tỉnh và thậm chí là các tỉnh khác như Quảng Ngãi, Đắc Lắc. Ông quan niệm, làm từ thiện thì không phân biệt “xã mình” hay “xã họ”, miễn là họ nghèo khó, cần giúp đỡ. Ngoài ra, ông Sáu đặc biệt quan tâm đến những học sinh nghèo, mồ côi nhưng học giỏi. Các trường ở Duy Thành hay các xã khác như Duy Sơn, Duy Hải, Duy Vinh… mỗi năm ông đều dành tặng những suất học bổng.
Bà Văn Thị Hồng Hoa - Hiệu trưởng Trường Mầm non Duy Thành cho biết, trong mỗi dịp khen thưởng của nhà trường, ông Sáu đều dành 30 - 70 suất quà cho học sinh nghèo vượt khó. “Thậm chí, năm ngoái ông Sáu còn nuôi ăn và cấp chi phí đi học trong 1 năm cho một học sinh, nay em này đã lên cấp tiểu học. Đây là trường hợp mồ côi và rất nghèo khó” - bà Hoa biết thêm. Cũng trong năm 2014, ông Sáu đã tài trợ tiền ăn học, sửa nhà cho 2 anh em Nguyễn Văn Đình ở xã Duy Thành, giúp Đình có thêm động lực để thi đậu vào Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Được biết, gia đình Đình rất khó khăn, cha mất sớm, mẹ mang nhiều bệnh tật, sống bằng nghề dệt chiếu.
Ông Sáu chăm sóc đàn gà để làm từ thiện. Ảnh: XUÂN KHÁNH |
Đó chỉ là 2 trong nhiều học sinh nghèo được ông cưu mang. Ở Duy Thành, người ta còn biết đến ông Sáu hay giúp đỡ người nghèo làm nhà ở. Ông Sáu không đủ để hỗ trợ người nghèo làm hoàn toàn căn nhà, ông giúp họ thêm xi măng, tôn, thép…, để ngôi nhà được “đàng hoàng” hơn, vững chãi hơn. Chẳng hạn như bà Trần Thị Hạnh ở xã Duy Thành, chồng mất gần chục năm, bà một mình đi làm nuôi 3 đứa con bằng nghề phun thuốc trừ sâu thuê. Lâu ngày bị ngấm thuốc, khiến bà ốm nhom và bệnh tật triền miên. Căn nhà tềnh toàng của 4 mẹ con bà thường xuyên bị ngập, được Nhà nước cho tiền, nhưng nhờ ông Sáu hỗ trợ thêm để nâng nền, xây gác thì gia đình bà mới yên tâm sống trong mùa mưa lũ.
Trong một lần đi làm ở Đắc Lắc, xe chẳng may bị thủng lốp, dù đêm khuya và người lạ nhưng chủ nhà vẫn giúp đỡ ông tá túc qua đêm. Sáng hôm sau, chủ nhà sai con trai đánh xe bò chở xe máy của ông Sáu đi mười mấy cây số để vá. Cảm kích trước tấm lòng đó, 4 năm nay, vào ngày 20.11 âm lịch, ông Sáu đều dành hàng trăm suất quà giúp người già neo đơn, nghèo khó ở địa phương này. |
Hay như trường hợp của gia đình ông Phạm Phố cùng thôn An Lạc với ông Sáu. Cả gia đình 3 thế hệ của ông Phố có đến 8 người suy yếu thị lực nặng, bao gồm ông Phố, 4 người con và 3 đứa cháu nội. Do thị lực yếu nên họ phải bươn chải đủ thứ nghề để sống qua ngày. Ông Sáu và hàng xóm có lúc phải xách bao đi xin gạo giùm cho cả nhà ông Phố. Rồi ông Sáu còn đứng ra giúp gia đình ông Phố làm nhà. “Cả nhà tôi biết ơn anh Sáu lắm. Không có ảnh thì làm gì có nhà cửa như ri” - chị Phạm Thị Cường, con gái ông Phố, cho biết.
Ông Sáu nhẩm tính, hơn 7 năm qua, ông đã chi khoảng 600 triệu đồng để làm từ thiện. Để có tiền làm việc nghĩa, ông Sáu phải làm thêm ruộng, nuôi thêm gà, trồng thêm đu đủ… “Nhà tôi có 4 sào ruộng, mỗi năm tôi làm 2 vụ nuôi gia đình, còn vụ thứ 3 để dành tiền làm từ thiện. Còn gà tôi nuôi 120 con, trong đó 100 con là của gia đình, 20 con còn lại là để lấy tiền giúp người khác…” - ông Sáu cho biết. Ngoài ra, ông Sáu còn tiết kiệm nhiều khoản khác, nhất là cắt khoản “nhậu nhẹt”. Ông tính, trước đây mỗi ngày ông tiêu khoảng 90 nghìn đồng cho ăn sáng, cà phê, thuốc lá, nhậu. Nay ông giảm hẳn. Mỗi ngày, ông thức giấc khoảng 3, 4 giờ sáng để làm việc, nhằm có thêm thu nhập để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Một điều đặc biệt nữa là, tuy làm từ thiện nhưng ông Sáu không đi xin của ai, toàn bộ kinh phí do ông tự chủ động. Song, ông cũng mừng là có những người từng được ông giúp đỡ, hay trước đây làm chung với ông, nay có điều kiện đã tự nguyện hỗ trợ kinh phí cho ông Sáu. Về lý do làm từ thiện, ông Sáu tâm sự, là do ông ám ảnh mãi cái cảnh cực khổ của mình năm xưa. Khi ấy ông lấy vợ, rồi sinh con, cả gia đình mấy người mà chỉ có một cái giường tre nhỏ xíu, ọp ẹp. Cái ăn, cái mặc luôn thiếu trước hụt sau. Ông làm từ thiện với một mong mỏi được giúp người nghèo bớt khổ. Riêng học sinh nghèo, ông coi đó là việc làm vì mai sau của lớp trẻ.
Hiện ông Sáu đang trồng thêm đu đủ và ươm hoa tết. Ông dự định dành toàn bộ số tiền thu được để tặng cho người nghèo dịp tết năm nay. “Ở Duy Thành, ông Sáu được biết đến như một tấm gương thương yêu người khác. Nhiều người nghèo, nhất là học sinh nghèo xem ông Sáu như là vị cứu tinh của đời mình. Đã có những mảng đời, nhờ hành động nghĩa hiệp của ông Sáu, họ có thêm động lực để vươn lên trên cuộc sống” - ông Trần Thanh Thư, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Thành cho biết.
XUÂN KHÁNH