Vụ phá rừng phòng hộ Sông Tranh: Vẫn còn khuất tất

HỮU PHÚC 25/11/2015 09:01

Vụ phá rừng phòng hộ Sông Tranh thuộc lâm phận xã Trà Bui và Trà Giác (Bắc Trà My) đã được khởi tố. Tuy nhiên, khi trở lại “điểm nóng” này vào giữa tháng 11, phóng viên phát hiện tình trạng xâm hại tài nguyên còn khủng khiếp hơn những gì thể hiện trong báo cáo.

Xét thấy tính chất vụ xâm hại rừng phức tạp, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Sông Tranh đã quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” xảy ra tại xã Trà Bui và xã Trà Giác thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh. Quyết định khởi tố căn cứ hồ sơ vi phạm về khai thác gỗ trái phép xảy ra tại tiểu khu 742 thuộc thôn 2 xã Trà Bui và tiểu khu 822 nằm trên địa phận thôn 1 xã Trà Bui và thôn 1 xã Trà Giác. Hiện hồ sơ vụ án đã chuyển cho Viện KSND và Công an huyện Bắc Trà My điều tra, xác định đối tượng liên quan để khởi tố bị can theo quy định của pháp luật.

Chưa lập biên bản nhiều bãi gỗ lậu

Có một nguồn tin cho rằng chủ rừng (Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh) không dám đưa lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo ngành nông nghiệp vào khu vực phá rừng “nhạy cảm” vì sợ trách nhiệm liên đới. giữa tháng 11, một số người dân địa phương rành đường đi nước bước đã đưa nhóm phóng viên vào khu vực tàn sát rừng mà theo họ còn “kinh thiên động địa” hơn. Theo con suối Thùng Phuy – xã Trà Bui, chúng tôi lọt vào một vạt rừng lạ hoắc. Địa điểm này chủ rừng cũng chưa một lần đưa lãnh đạo tỉnh đến kiểm tra, thị sát.

Gỗ cưa thành phách tại rừng phòng hộ Sông Tranh đoạn qua xã Trà Bui mà các cơ quan chức năng chưa phát hiện hoặc lập biên bản.  (Ảnh chụp vào ngày 17.11.2015)
Gỗ cưa thành phách tại rừng phòng hộ Sông Tranh đoạn qua xã Trà Bui mà các cơ quan chức năng chưa phát hiện hoặc lập biên bản. (Ảnh chụp vào ngày 17.11.2015)

Trong các cuộc họp trước đây, nhiều báo cáo kiểm kê lượng gỗ khai thác trái phép. Số gỗ đó được kiểm lâm đóng dấu thứ tự. Tuy nhiên, từng phách gỗ xẻ nằm rải rác trong rừng ở khu vực mà chúng tôi tiếp cận không hề thấy đóng dấu. Anh T., một người dẫn đường quả quyết: “Do đột nhập bất ngờ nên họ chưa đưa gỗ ra khỏi rừng. Khu vực này cán bộ quản lý, bảo vệ rừng đã biết nhưng không hiểu sao họ không lập biên bản”. Tôi thắc mắc hỏi vì sao khẳng định cán bộ quản lý, bảo vệ rừng biết mà không lập biên bản, T. lý giải: “Hàng chục cây gỗ như thế này bị đốn hạ, người dân biết hết chẳng lẽ chủ rừng không biết? Tiếng máy cưa nổ vang gần sát trạm bảo vệ của chủ rừng sao họ không biết chứ?”.

Gỗ cưa đúng quy cách thành phẩm chất đống không thấy đóng dấu thứ tự của cán bộ bảo vệ rừng hoặc kiểm lâm, chứng tỏ khu vực này chưa được các ngành chức năng lập biên bản. Quan sát một vạt rừng ước rộng bằng cái sân vận động, có đến hơn 10 cây chò đường kính từ hơn 1m bị đốn hạ. Gỗ cưa thành phách theo quy cách ước hơn 20m3. T. tiết lộ thêm, vị trí này trước đây là khu rừng cổ thụ nguyên sinh nhưng 2 tháng gần đây lâm tặc triệt hạ sạch. Lạ lùng hơn, từ phía suối Thùng Phuy trở ra Trạm Quản lý bảo vệ rừng còn nguyên dấu bánh xe ô tô vừa lưu thông. Bìa rừng, dọc 2 bên rừng còn nhiều rác thải sinh hoạt, vỏ chai nước vứt bừa bãi (?).

Khuất tất

Ở Trà Bui, không phải ngẫu nhiên mà chính quyền và kiểm lâm phải tốn công sức thống kê về số lượng trâu hiện có, vì con vật này chỉ chủ yếu sử dụng vào mục đích kéo gỗ. Nhiều người dân tiết lộ, có cán bộ bảo vệ rừng còn “góp vốn” mua trâu làm sức kéo. Nhà ông V. gần với vị trí phá rừng nên hiểu tường tận. Ông V. quả quyết: “Một cán bộ bảo vệ rừng chung với bà Th. mua 3 con trâu kéo ở dưới Trà Dương để khai thác gỗ. Mới đây, họ đã bán 1 con, giờ còn lại 2 con. Việc làm của cán bộ này ở đây ai cũng biết”.

Ông Hồ Văn Quang, người dân xã Trà Bui cho biết: “Phá rừng Sông Tranh kéo dài, rõ như ban ngày. Cán bộ, lâm tặc cấu kết với nhau phá rừng như vậy nhưng không có ai bị xử lý, còn tôi trước đây cưa vài khối gỗ về làm nhà lại bị bắt bỏ tù. Dân tôi đề nghị cơ quan chức năng làm rõ sự thật trắng đen vụ này”.

Theo thu thập của phóng viên, rừng phòng hộ Sông Tranh thuộc lâm phận xã Trà Bui có hơn 10 điểm phá rừng. Nóng nhất nằm ở tiểu khu 742 (thuộc thôn 2), tiểu khu 738 (thôn 5), tiểu khu 736 (thôn 6). Một số  khu vực khi phát hiện gỗ lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm nhưng do không vận chuyển ra khỏi rừng nên đã bị lâm tặc lén lút vận chuyển, đem tiêu thụ. Điển hình như tại tiểu khu 736, có 17 phách chò được phát hiện nhưng đã bị mất; tiểu khu 742 có 20 phách gỗ xoan đào thì chỉ còn lại 1 phách.

Dư luận đang xầm xì rằng, những vụ phá rừng ở rừng phòng hộ Sông Tranh bị lập biên bản xử lý cũng chỉ là cách đối phó, giọt nước tràn ly. Điều đó lý giải vì sao cán bộ Trạm Quản lý bảo vệ rừng ở Trà Bui “ém nhẹm” thông tin không báo cáo lên cấp trên mà tự giải quyết các vụ phá rừng vì sợ liên lụy, quy trách nhiệm. Và còn có nguyên nhân nào khác nữa hay không thì chỉ có các cơ quan chức năng huyện Bắc Trà My mới đủ thẩm quyền trả lời. Cán bộ bảo vệ rừng có “thông đồng” với lâm tặc phá rừng hay không rồi sẽ được các ngành chức năng làm sáng tỏ, nhưng để gỗ lọt ngang qua rào chắn của trạm là không thể chấp nhận được. Và nữa, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Bởi lẽ, nhiều vụ đã lập biên bản, bàn giao cho đơn vị cấp dưới là Trạm Quản lý bảo vệ rừng Trà Bui quản lý. Đơn vị này lại để mất gỗ nhưng lãnh đạo chủ rừng không có hình thức xử lý triệt để từ đầu.

HỮU PHÚC

HỮU PHÚC