Tranh chấp đất rừng ở xã Duy Sơn: Cần giải quyết dứt điểm
Khu vực rừng đầu nguồn xã Duy Sơn (Duy Xuyên) lại tiếp tục bị tàn phá, tranh chấp đất dẫn đến khiếu nại kéo dài có nguyên do từ thiếu sâu sát, quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương.
Từ năm 2004, thông qua nguồn vốn vay của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (còn gọi dự án JBIC) khu vực rừng đầu nguồn Duy Sơn triển khai trồng hơn 600ha. Tại các khu vực Đá An, Đồng Lớn thuộc rừng đầu nguồn xã Duy Sơn trồng xen kẽ giữa cây sao đen và keo. Trước đây, theo thiết kế, người dân trồng 2 hàng cây keo thì phải xen vào 1 hàng sao đen. Khi khai thác, người trồng chỉ được hưởng phần cây keo, tuyệt đối giữ lại rừng sao đen làm “lá chắn” phòng hộ. Thế nhưng, tại Đồng Lớn, rừng sao đen đã bị san bằng, thay vào đó là sự xâm lấn trồng keo với mật độ dày đặc của người dân. Những năm trước đây, để đoạt được mục đích lấn đất trồng rừng mà đối tượng đã dùng lửa thiêu rụi, phá hoại theo kiểu tận diệt. Nhiều trường hợp lén lút đốt rừng, nhưng cũng có nhóm hộ liều lĩnh ngang nhiên hủy hoại luôn cả rừng dự án JBIC. Vì “nhầm lẫn” giữa đất trồng rừng dự án và đất người dân từ khai phá, cùng với sự quản lý yếu kém của địa phương dẫn đến tranh chấp đất rừng dai dẳng nơi đây. Gần đây nhất, năm 2014, ông Nguyễn Công Cường (trú xã Duy Sơn) phát dọn 5.000m2 rừng có cây keo lá tràm và sao đen đã bị trâu bò dẫm nát tại khu vực bàu Bà Năng để trồng hơn 2.000 cây keo lai. Tuy nhiên, ngày 17.8.2015, các hộ Nguyễn Văn Thọ, Phạm Ân, Ngô Phi Ba, Lưu Chi, Lê Hai, Lê Hội (cùng trú xã Duy Sơn) đến chặt phá số cây keo lai do ông Cường trồng. Tài sản cây trồng bị phá hoại, gia đình ông Cường làm đơn khiếu nại gửi chính quyền xã Duy Sơn hơn 2 tháng nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Tình trạng đốt phá rừng khu vực đầu nguồn xã Duy Sơn để trồng cây tái diễn nhiều năm nay. Ảnh: T.HỮU |
Theo giải thích của lãnh đạo chính quyền xã Duy Sơn, việc một số hộ dân chặt phá hàng nghìn cây keo của ông Cường trồng tại khu vực bàu Bà Năng là do diện tích rừng này được UBND huyện Duy Xuyên giao cho nhóm hộ trên quản lý, khai thác. Từ năm 2011 đến nay, ông Cường thường xuyên có hành vi phát, lấn chiếm rừng phòng hộ tại địa phương để trồng keo lai, làm trang trại. Rừng khu vực bàu Bà Năng là rừng phòng hộ đầu nguồn được Nhà nước trồng hỗn giao cây keo lá tràm và cây sao đen theo dự án JIBIC do Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản tài trợ. Để bảo vệ, phát triển rừng theo hướng bền vững, ngày 15.12.2011, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Duy Xuyên ký hợp đồng giao khu vực rừng tại bàu Bà Năng (12,4ha) cho nhóm hộ do ông Nguyễn Văn Thọ làm nhóm trưởng tổ chức quản lý. Nhưng do sự buông lỏng quản lý nên ông Cường đã phá một số diện tích để trồng mới cây keo lai. Vì rừng được giao bị lấn chiếm trồng keo, ngày 17.8.2015, nhóm hộ của ông Thọ đã chặt phá gần 2.000 cây keo lai của ông Cường để trồng lại cây mới. Cho nên, ông Cường đã làm đơn khiếu nại lên UBND xã Duy Sơn giải quyết. Tại cuộc họp giải quyết gần đây vào tháng 10, ông Cường cho rằng mình không có hành vi chặt phá, lấn chiếm trái phép rừng phòng hộ đầu nguồn và không đồng ý trả lại đất. Chính vì chính quyền không giải quyết dứt điểm tranh chấp đất rừng nên khiếu nại, khiếu kiện kéo dài. Qua tìm hiểu, chúng tôi biết nhiều trường hợp người dân lấn chiếm đất rừng của dự án sau đó xâm canh trái phép, nhiều năm chính quyền xã, huyện gần như... đứng ngoài cuộc.
Theo UBND huyện Duy Xuyên, rừng đầu nguồn xã Duy Sơn trước đây có nhiều dự án phủ xanh đất trống đồi trọc. Tại khu vực Đồng Lớn, chủ rừng gồm Cơ quan Quân sự huyện Duy Xuyên, Văn phòng UBND huyện, Văn phòng Huyện ủy Duy Xuyên và người dân địa phương. Thời gian gần đây, số lượng đơn thư, khiếu nại liên quan đến tranh chấp đất rừng tăng. Chính quyền địa phương buông lỏng công tác quản lý nên nơi đây đã trở thành “điểm nóng” lấn chiếm đất rừng dai dẳng. Người dân có nhu cầu về đất trồng rừng, trong khi nhiều cán bộ huyện, xã có đất rừng được giao lại không canh tác thường xuyên, quản lý không chặt. Hậu quả là, người dân lợi dụng lấn chiếm. Mặt khác, dự án trồng rừng kém hiệu quả đã dẫn đến hệ lụy đốt, phá rừng suốt thời gian dài.
TRẦN HỮU