Nâng cao năng lực giám sát cộng đồng

NGUYỄN DƯƠNG (Ghi) 23/11/2015 09:56

Quảng Nam đang chuyển mình, hướng đến công nghiệp hóa. Các công trình lớn, quan trọng đang được tiến hành xây dựng, kéo theo đó là những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Ngành thanh tra đã và đang giữ một vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vướng mắc này. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Thanh tra, Báo Quảng Nam tổng hợp những ý kiến góp ý xây dựng để ngành thanh tra ngày một phát triển.

Thời gian qua ngành Thanh tra tỉnh đã góp phần tích cực vào việc kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng. Trong ảnh: Thanh tra huyện Duy Xuyên tiếp xúc với người dân để nắm bắt tình hình.
Thời gian qua ngành Thanh tra tỉnh đã góp phần tích cực vào việc kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng. Trong ảnh: Thanh tra huyện Duy Xuyên tiếp xúc với người dân để nắm bắt tình hình.

Phó cục trưởng Cục Thanh tra Chính phủ Phùng Xuân Kiên: Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo

Để đảm bảo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được công khai, minh bạch và hợp tình hợp lý thì công tác tiếp dân, xử lý đơn thư phải được chú trọng, nâng cao hơn nữa. Thể chế về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo hiện nay đã được hoàn thiện với nhiều văn bản được ban hành như Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo… và nhiều thông tư hướng dẫn nghiệp vụ. Chính vì vậy, cần phải đổi mới công tác tiếp dân cũng như xử lý đơn thư. Phải thành lập ban tiếp dân từ trung ương đến địa phương để lắng nghe tất cả những ý kiến, thắc mắc của người dân, từ đó có cách giải quyết hợp lý. Bên cạnh đó, cần tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng phức tạp và quan tâm, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vụ việc mới phát sinh, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội.

Ngành thanh tra cần làm tốt công tác quản lý nhà nước để tham mưu triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng. Để đấu tranh với tội phạm tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp thì cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Nếu đơn lẻ thì không thể chiến đấu với tội phạm tham nhũng được, bởi khi đó rất khó để vạch rõ ngọn nguồn của hành vi phạm tội…

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu: Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành thanh tra trong sạch, liêm khiết

Thời gian qua, công tác thanh tra đã chú trọng những lĩnh vực trọng điểm, có nhiều bức xúc như xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, cổ phần hóa doanh nghiệp, chấp hành pháp luật thuế… Qua đó đã phát hiện, kiến nghị xử lý kịp thời, đúng pháp luật các vi phạm, thu hồi tiền và tài sản về cho ngân sách nhà nước. Công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng đã gắn chặt với công tác phòng chống tham nhũng. Các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng qua thanh tra giải quyết được phát hiện và xử lý kiên quyết. Hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra ngày càng được nâng cao, các kết luận của thanh tra nhận được sự đồng thuận cao, góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội.

Tuy nhiên, với một khối lượng lớn công việc và liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống thì việc đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra có đủ năng lực, phẩm chất chính trị vững vàng là rất cần thiết. Ngoài năng lực nghiệp vụ, người thanh tra còn phải có đạo đức, kinh nghiệm để tùy theo tình huống xử lý sao cho phù hợp. Để xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới”, trong thời gian đến Thanh Tra tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, đoàn thể vững mạnh; đẩy mạnh các phong trào yêu nước, từ đó phát hiện, biểu dương khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân xuất sắc. Những gương điển hình tiên tiến cần được nhân rộng gắn với kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy, đổi mới phương pháp, cách thức hoạt động sao cho hiệu quả cao, giải quyết dứt điểm những thắc mắc của người dân.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đoàn Văn Viên: Tăng cường phối hợp giữa kiểm tra với thanh tra

Xuất phát từ vai trò, vị trí của công tác kiểm tra, thanh tra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 990-QĐ/TU kèm theo quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với Thanh tra tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng… tập trung vào các nội dung như: thông báo, trao đổi thông tin về công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Thời gian qua, việc thực hiện công tác phối hợp hai bên đã đạt được những kết quả tích cực. Từ kết quả thanh tra trên các lĩnh vực đã giúp cho Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy có thông tin để kiểm tra, xem xét, xử lý hoặc chỉ đạo, đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý tổ chức đảng và cán bộ đảng viên sai phạm kịp thời, xử lý đồng bộ giữa kỷ luật đảng và chính quyền. Đồng thời, từ kết quả kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra đã phát hiện những trường hợp sai phạm, Thanh tra tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định thanh tra và xử lý kỷ luật về nhà nước được kịp thời.

Những năm qua, Ủy ban Kiểm tra đã xem xét, giải quyết nhiều đơn tố cáo, khiếu nại tiếp nhận từ Thanh tra tỉnh, đã phối hợp xem xét trách nhiệm liên quan đến cán bộ đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm như liên quan đến tài chính, quản lý đất đai, phá rừng, giao đất, giao rừng… Sự phối hợp này đã giúp cho các cấp ủy đảng và hai ngành thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh. Chính vì vậy, để đạt được hiệu quả cao, sự phối hợp này là hết sức cần thiết nhằm giáo dục, ngăn ngừa, hạn chế tổ chức đảng và đảng viên vi phạm.

Chánh Thanh tra tỉnh Đặng Phong: Nâng cao năng lực thanh tra cộng đồng

Với số lượng công việc, lĩnh vực rộng, trong khi đó đội ngũ cán bộ của ngành lại chưa đủ để đảm bảo làm tốt công tác thanh tra thì việc nâng cao năng lực thanh tra của cộng đồng là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, Thanh tra tỉnh đã xây dựng đề án “Tăng cường năng lực giám sát của ban giám sát đầu tư cộng đồng” để thực hiện điều này. Đề án này đã đoạt giải cao tại hai cuộc thi tìm kiếm ý tưởng về phòng chống tham nhũng nằm trong chương trình sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tổ chức vào năm 2011 và 2013.

Đề án hướng đến các giải pháp đồng bộ để tăng cường năng lực giám sát của các ban giám sát đầu tư cộng đồng, trong đó chú trọng đến các giải pháp nhằm cung cấp thông tin, tư vấn, hỗ trợ nghiệp vụ, kỹ năng giám sát, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn… Từ những người giám sát không chuyên, chưa có nghiệp vụ sẽ được Thanh tra tỉnh tập huấn kỹ năng cần thiết, từ đó tạo lập được kênh thông tin cho Thanh tra tỉnh trong việc giám sát các công trình trọng điểm. Thực chất, họ chính là những người trực tiếp sử dụng những công trình đầu tư xây dựng cơ bản đó, nên họ sẽ vì quyền lợi thiết thân để có tinh thần trách nhiệm cao hơn.

Một thực tế hiện nay là các nhà đầu tư, thi công công trình sợ những “thanh tra” không chuyên này hơn là sợ những cơ quan có chức năng hẳn hoi. Bởi không phải khi nào cũng có thể nắm rõ được những sai phạm nhỏ lẻ từ cơ sở. Từ những thông tin ban đầu có dấu hiệu phạm tội, Thanh tra tỉnh mới có thể vào cuộc để làm sáng tỏ. Chính vì vậy, trong thời gian đến, Thanh tra tỉnh sẽ nâng cao trách nhiệm, năng lực của giám sát cộng đồng, góp phần thúc đẩy trong công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng hiện nay.

NGUYỄN DƯƠNG (Ghi)

NGUYỄN DƯƠNG (Ghi)