Sử đá về giáo dục khoa cử ở Quảng Nam
Quảng Nam là vùng đất khoa bảng. Ngày xưa, sĩ tử đỗ đạt được ghi danh trên bảng vàng bia đá; ngày nay, bia đá lại là những trang sử chân xác mà độc bản để nghiên cứu về nền giáo dục khoa cử xưa của đất nước nói chung và của xứ Quảng nói riêng.
Đình Cẩm Phô, nơi lưu lại ít nhiều dấu tích sự học của kẻ sĩ xưa. Ảnh: Minh Hải |
Việc học hành và thi cử của sĩ tử Quảng Nam được vua Lê Thánh Tông dụ cho Tham chính Phạm Bá Tông (dưới quyền Phạm Nhữ Tăng) chăm lo từ năm Hồng Đức 19 - 1488, đánh dấu sự khởi đầu con đường khoa cử của Quảng Nam. Sau đó các chúa Nguyễn bước đầu tổ chức các hoạt động giáo dục và thi cử tại đây, mở khoa thi Nhiêu học và Hoa văn đầu tiên cho hai xứ Thuận Quảng vào năm 1632 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Đến triều Nguyễn, Quảng Nam liền kề đất kinh kỳ Phú Xuân, sĩ tử Quảng Nam có điều kiện tham gia các kỳ thi do nhà Nguyễn tổ chức tại Huế, khiến cho tầng lớp trí thức đất Quảng ngày một phát triển, khoa bảng Quảng Nam ngày một đông đúc. Quảng Nam trở thành một trong những vùng “đất học” của cả nước, được vua Thành Thái khen ngợi là đất “Ngũ phụng tề phi”.
Gắn với sự nghiệp bút nghiên, khoa hoạn, dưới thời phong kiến, các làng xã, các địa phương có người học hành, khoa cử, đỗ đạt đều thường thành lập những hội Tư văn, xây dựng văn miếu, văn từ, văn chỉ. Dưới thời Nguyễn, ngoài văn miếu trung ương, mỗi tỉnh có một văn miếu cấp tỉnh (đạo) và các di tích nho học khác ở hàng huyện. Đây là những di tích có công năng thờ tự nho học ở làng xã, là nơi để những người có học tham gia sinh hoạt chữ nghĩa thánh hiền, đồng thời để phát huy truyền thống khoa bảng và tiếp nối truyền thống hiếu học.
Quảng Nam cũng có nhiều di tích liên quan đến giáo dục, khoa cử của địa phương. Theo Dương Văn Út, Quảng Nam đến thế kỷ XIX có 5 khu văn miếu lớn: Cẩm Phô miếu (TP.Hội An, đầu thế kỷ XIX), Văn miếu Chiên Đàn hay Khổng miếu (TP.Tam Kỳ, năm 1840), Văn miếu Hàng huyện (huyện Duy Xuyên, năm 1850 - 1860), Văn miếu Hà Lam (huyện Thăng Bình, năm 1856) và Cồn Văn miếu (huyện Đại Lộc, cuối thế kỷ XIX) và 3 văn miếu khác là Văn từ phủ Điện Bàn, Văn miếu Hội An, Văn chỉ Minh Hương.
Trong những di tích về nho học ấy vẫn còn lưu lại ít nhất 15 văn bia ký thuật truyền thống khoa bảng của Quảng Nam xưa. Không chỉ những văn bia thuần túy về giáo dục khoa cử mới nhắc đến việc học hành khoa hoạn của Quảng Nam mà còn có nhiều văn bia thuộc các công năng khác (bia đình, bia chùa, bia miếu, bia mộ…) cũng nói lên vùng đất học lâu đời của Quảng Nam, như văn bia Mộ chí Lê công - Tiền hiền xã Cẩm Phô, văn bia ở văn thánh xã Minh Hương.
Quảng Nam luôn quan tâm đến khuyến học. Kế nữa là việc quan tâm đến xây dựng các công trình kiến trúc để xiển dương việc học. Không chỉ có quan niệm về ý nghĩa của việc xây dựng văn miếu, sĩ nhân ở Quảng Nam còn tự thức được truyền thống tôn sư trọng đạo: “người xưa, khi đã nhập học thì rất mực tôn kính tiên sư, lễ đã là như vậy”.
Văn bia giáo dục khoa cử Quảng Nam còn tiềm ẩn những triết lý thực tế đời thường nhưng lại vô cùng sâu sắc: “Biết rằng xưa nay, các bậc khoa hoạn nổi tiếng, nhân vật trứ danh được mọi người truyền nhau xưng tụng, bia đá bất tất phải ghi chép điều đó làm gì! Nhưng sự việc ấy nếu để lâu năm thì truyền tụng theo thời gian sẽ mất đi tính chân thật, khiến hậu thế khi chiêm ngưỡng, muốn tận mắt xem thấy công lao của họ, tường tận về ngôi thứ đỗ đạt khoa danh của tiền nhân, chẳng phải than thở vì thiếu căn cứ làm bằng, do vậy các bia đá này dựng lên đâu phải là chuyện vô bổ vậy. Sau này người theo đường khoa hoạn kế nhau đỗ đạt, nhân vật tài danh xuất hiện ngày một đông, huân danh sự nghiệp lừng lẫy ấy tất nhiên đáng được lưu truyền, thì mô phỏng việc làm này để khắc tiếp vào bia. Như thế từ nay về sau, bậc quân tử ai dám xem thường” (Nguyễn Bằng - Nguyễn Văn Hà dịch).
Quảng Nam xưa cũng đã thành lập Hội Minh Văn bao gồm những người nho sĩ có học thức, chức vị, được thể hiện trong 2 văn bia ở đình tiền hiền Minh Hương do Đặng Huy Trứ soạn vào năm Tự Đức thứ 28 (1875).
Văn bia Quảng Nam còn cung cấp nhiều thông tin về đội ngũ học sĩ, khoa bảng của Quảng Nam qua danh sách những người tham gia hội; những người tham gia tổ chức và góp công đức xây dựng, trùng tu văn miếu; những người góp công đức hoặc tham gia soạn lập văn bia ở các di tích lịch sử - văn hóa khác. Văn bia Trùng tu văn chỉ bi ký khắc tên 80 vị từ học sinh đến tiến sĩ. Văn bia Kiến học từ bi liệt kê tính danh những vị viên quan, khoa bảng, chức tước trong hội đã cúng đất và tiền theo thứ tự ghi trong văn bia là: 3 vị tiến sĩ (Nguyễn Tường Phổ, Phạm Phú Thứ, vị khuyết danh); 4 vị phó bảng (Phạm Hữu Nghi, Nguyễn Tường Vĩnh, Nguyễn Duy Tự, Hoàng Diệu); 2 vị võ tiến sĩ; 36 vị cử nhân. Văn bia Văn từ có ghi tên các vị: Phạm Liệu, Phạm Tuấn, Phan Trân, Ngô Chuân, Trương Đồng Hiệp, Phạm Huy, Hoàng Luyện, Ngô Lương Hàn, Trà Quý Trừng, Ông Thọ Bình, Phan Quỳ, Trần Quy, Nguyễn Thúc Đạm, Lương Thúc Kỳ. Riêng 7 bia của văn thánh huyện Lễ Dương (hiện là huyện Thăng Bình) có ghi tên 164 người đỗ đạt các học vị trong 183 lượt người được ghi danh trên bia.
Bên cạnh những tên tuổi của kẻ sĩ Quảng Nam trong danh sách “hội viên” của các Hội Tư văn hay công đức trên bia, văn bia Quảng Nam còn nhắc đến kẻ sĩ, quan chức địa phương qua họ tên, quan hàm của những người là tác giả văn bia, như cử nhân bổ thụ Bàn Xuyên huyện Tri huyện Kim Giang Tỉnh Trai Hoàng thị, Tăng Kim Luyện, Mẫn Trai Ngô Đình Dần, tú tài Hồ Thăng Doanh, Quảng Nam Tuần phiên Hải pha Trần Văn Thống, Binh bộ Lang trung Nguyễn Công Ban, Trương Chính Hộc, Hải phòng Phó sứ Đặng Văn, phó bảng Nguyễn Tử Tu, Phạm Như Xương, Tú tài Nguyễn Tải, Quảng Xuyên tú tài Võ Tử Văn Phù - Cổ Trai tú tài Lê Hi Cao, hoặc được nhắc tên trong văn bia như Trương Hoài Đỉnh, Trương Chí Thi.
Những tính danh của kẻ sĩ trong văn bia văn thánh ở Quảng Nam nói riêng và văn bia Quảng Nam nói chung còn là tư liệu để xây dựng bộ từ điển nhân vật khoa cử hoặc trí thức của Quảng Nam (ví dụ có những tính danh tra không thấy trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Các nhà khoa bảng Việt Nam, Quảng Nam - đất nước và nhân vật…)
NGUYỄN DỊ CỔ