Thí nghiệm thành công "Mặt trăng 2015"
Sự kiện một phi hành đoàn Nga toàn nữ giới vừa tham gia thành công chuyến mô phỏng “Mặt trăng 2015” thu hút sự chú ý của giới khoa học quốc tế.
Đoàn gồm toàn bộ 6 nữ khoa học tham gia “Mặt trăng 2015”. |
Đây là cuộc mô phỏng đầu tiên trên thế giới để tiến tới một đoàn phi hành gia toàn nữ giới sẽ bay vào vũ trụ. Sau gần mười ngày tham gia kể từ cuối tháng 10 vừa qua, cả đoàn phi hành đã bước ra an toàn và khỏe mạnh từ con tàu vũ trụ mô phỏng tại Viện các vấn đề y sinh ở thủ đô Moscow (Nga), trong sự chào đón nồng nhiệt của giới khoa học và truyền thông. Tuy là mô phỏng nhưng nó bao gồm tất cả chi tiết của một chuyến bay thật sự. Thành công này đem lại hy vọng cho ngành khoa học thế giới về “tương lai của những vì sao không chỉ thuộc về hoàn toàn nam giới như từ trước đến nay mà còn cho cả nữ giới”, như lời kết luận của Sergei Ponomareve - Giám đốc khoa học phụ trách cuộc thí nghiệm “Mặt trăng 2015”.
Cả đoàn phi hành vừa có cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông tại Nga về chuyến du hành đầy thú vị này. Inna Novinova - một trong 6 nữ phi hành đoàn mơ ước sẽ trở thành nhà du hành vũ trụ sau cuộc mô phỏng rất thành công trên. Cô nói: “Dĩ nhiên là tôi rất muốn có được một chuyến đi vào vũ trụ. Đó là một sự trải nghiệm vô giá cả về phương pháp và cô lập trong không gian toàn phụ nữ”. Khi được hỏi liệu các nữ phi hành có thể tồn tại trên con tàu vũ trụ mà không có nam giới, tất cả thành viên tham gia “Mặt trăng 2015” đều khẳng định hoàn toàn có thể được. Anna Kussmaul - một thành viên khác cho biết lúc đó cô lại nghĩ đến gia đình rất nhiều. “Tất cả thành viên không được phép sử dụng điện thoại và con đường liên lạc duy nhất là từ đoàn chỉ huy của trung tâm, nơi kiểm soát tất cả hoạt động và đối thoại của mỗi thành viên phi hành đoàn”.
Đoàn phi hành này là các nhà khoa học tình nguyện Nga, có độ tuổi từ 22 đến 34. Vì vậy, họ đã có cơ hội tiến hành nhiều thí nghiệm khoa học trong không gian để kiểm tra các tác động về mặt sinh học và tâm lý trong môi trường vũ trụ đối với phụ nữ. “Chúng tôi biết những phi hành gia đôi khi phải chờ đợi một thời gian dài để trở lại không gian. Chúng tôi cũng cần có thêm thời gian để hoàn thành công việc và thấy thoải mái trong toàn bộ thời gian khi ở đó”, Elena Luchitskaya - chỉ huy trưởng của “chuyến bay” nói. Còn với nhà nghiên cứu 27 tuổi Daryia Kosarova, cuộc du hành tuy mô phỏng nhưng cũng thỏa ước mơ của cô từ khi còn bé. Cô nói: “Tôi luôn mơ ước về không gian và con tàu vũ trụ. Tôi nghĩ sau thí nghiệm mô phỏng thành công này, Nga cần phát triển thêm phụ nữ vào ngành công nghiệp không gian”.
Ông Sergei Ponomareve cho biết, từ những gì trung tâm ông quan sát được có thể khẳng định, nếu có thêm thời gian huấn luyện, đoàn nữ phi hành có thể đi lên Mặt trăng, Trạm không gian quốc tế, sao hỏa và nhiều hành tinh khác. Thí nghiệm “Mặt trăng 2015” cũng là một phần trong nỗ lực của Nga để củng cố vị trí đứng đầu trong vũ trụ, đồng thời đạt được sự bình đẳng về giới tính trong lĩnh vực này.
KIM OANH