Thay lời tri ân

TƯỜNG VY 20/11/2015 09:05

Dẫu rằng đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng chưa bao giờ các thầy, các cô vơi đi ngọn lửa yêu nghề. Trong mỗi người vẫn vẹn nguyên tấm lòng yêu trẻ, nặng lòng với sự nghiệp giáo dục để ươm mầm cho những ước mơ.

Nhà giáo “hai giỏi”

Nhiều nữ nhà giáo không chỉ “giỏi việc trường” mà còn “đảm việc nhà”, được vinh danh nhà giáo “hai giỏi”.

1. Cô giáo Vương Thị Kim Quang trở thành tấm gương sáng cho đồng nghiệp ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh noi theo về tinh thần học tập không ngừng. Tuổi đã gần 50 - cái tuổi mà nhiều người đã nghĩ đến việc dừng lại, nhất là dạy học ở bậc THPT, thế nhưng cô vẫn quyết tâm theo học và nhận được tấm bằng thạc sĩ. “Trách nhiệm của nhà giáo là không ngừng học tập để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ những kiến thức thu nhận được về phương pháp nghiên cứu khoa học, tôi đã viết gần 10 đề tài sáng kiến kinh nghiệm, trong đó 4 đề tài được Sở GD-ĐT công nhận. Tôi cũng tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi và giúp các em giành được một số kết quả như 3 giải Ba quốc gia lớp 10, 11 môn Văn; 3 giải Nhất, 2 giải Nhì, 4 giải Ba hội thi Thuyết trình văn học cấp tỉnh; giải Ba quốc gia cuộc thi Em yêu lịch sử Việt Nam” - cô Quang chia sẻ lý do học thạc sĩ của mình. Với thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy, nhà giáo Vương Thị Kim Quang nhiều năm liền được tặng danh hiệu giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, được Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh tặng bằng khen. Đặc biệt, cô từng được mời đại diện cho ngành GD-ĐT tham gia giao lưu nữ trí thức tiêu biểu toàn tỉnh.

Cô giáo Vương Thị Kim Quang (giữa) chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp tại hội nghị điển hình tiên tiến phong trào thi đua “giỏi việc trường, đảm việc nhà” giai đoạn 2010 - 2015. Ảnh: T.VY
Cô giáo Vương Thị Kim Quang (giữa) chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp tại hội nghị điển hình tiên tiến phong trào thi đua “giỏi việc trường, đảm việc nhà” giai đoạn 2010 - 2015. Ảnh: T.VY

Tự nhận mình là người rất thích hoạt động mà cô nói vui là “tham gia bất cứ cuộc thi nào trừ thi… sắc đẹp”, cô Quang cho biết đã tham gia gần 20 cuộc thi do ngành hoặc địa phương tổ chức, từ thi Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thi Tìm hiểu về tổ chức xây dựng Đảng, về Công đoàn, Gia đình hạnh phúc, Kiến thức pháp luật, Phòng chống bạo lực gia đình đến thi Tiếng hát đảng viên, giao lưu nữ nhà giáo sáng tạo, thi đấu cầu lông… Và, ở cuộc thi nào cô cũng giành được giải thưởng. Không chỉ giỏi việc trường, cô Quang còn đảm việc nhà, mà theo cô “không có nghĩa là tự mình làm mọi việc, mà phải biết tổ chức, sắp xếp các phần việc một cách khoa học, động viên chồng con cùng chia sẻ việc gia đình”.
2.Tổng kết phong trào thi đua “giỏi việc trường, đảm việc nhà” giai đoạn 2010 - 2015, nhiều nhà giáo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Sở GD-ĐT và Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh vinh danh. Chẳng hạn, cô giáo Lê Thị Diệu Thạnh - giáo viên Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn) được xem là một trong những nữ nhà giáo sáng tạo tiêu biểu của ngành. Từ năm 1999 đến nay, cô Thạnh đã có 8 đề tài sáng kiến kinh nghiệm và tất cả đều được đánh giá cao. Đáng chú ý, đề tài “Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh qua việc tổ chức một số hoạt động ở lớp chủ nhiệm” được Sở GD-ĐT xếp loại B và được báo cáo điển hình tại giao lưu nữ nhà giáo sáng tạo năm 2015. Ở trường là cô giáo gương mẫu của học trò, thân thiện với đồng nghiệp; còn trong gia đình, cô Thạnh tự nhận mình là người “luôn cố gắng làm tốt thiên chức của người phụ nữ”. Tương tự, là gương cô giáo Arất Mai Tình - giáo viên Trường THPT Tây Giang. Với vai trò Chủ tịch Công đoàn nhà trường, cô đã tích cực tham mưu với ban giám hiệu chăm lo tốt đời sống của cán bộ, giáo viên và học sinh, từ chế độ, chính sách đến nơi ăn, chốn ở. “Tôi đã có nhiều cố gắng cùng với công đoàn và nhà trường khắc phục khó khăn. Nhờ đó, từng bước giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên an tâm công tác” - cô Tình chia sẻ.

So với đồng nghiệp nam, rõ ràng nữ nhà giáo có phần thua thiệt trong việc học tập nâng cao trình độ, tham gia công tác xã hội do điều kiện gia đình, con cái. Dù vậy, các nữ nhà giáo luôn ý thức đầu tư nghiên cứu, học tập để trở thành giáo viên giỏi, cán bộ quản lý tốt. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 7 nhà giáo được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú thì có đến 5 nữ nhà giáo được vinh danh, gồm Phan Thị Thảo - nguyên giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Tam Kỳ), Hà Thị Thu Sương - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập (Tam Kỳ), Lê Thị Lý - giáo viên Trường Tiểu học số 3 Nam Phước (Duy Xuyên), Nguyễn Thị Thanh - giáo viên Trường THPT Tiểu La (Thăng Bình), Trần Thị Bán - nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca (Hội An).

TƯỜNG VY

Gian nan cắm bản

Đã nghe nhiều về những nỗi nhọc nhằn của giáo viên cắm bản huyện miền núi cao Nam Trà My, nhưng có lẽ khi vào nóc Tak Ngo (xã Trà Linh, Nam Trà My) chúng tôi mới thấu hết được cuộc sống khó khăn của giáo viên nơi đây. Từ Trường Mẫu giáo và tiểu học Ngọc Linh, chúng tôi phải mất gần 4 tiếng đồng hồ đi bộ vượt rừng núi mới đến được điểm trường thôn Tak Ngo. Hình ảnh đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến điểm trường là lớp học mẫu giáo tuềnh toàng dựng trên nền đất, xung quanh che bằng ván. Phòng học dành cho học sinh lớp 1 cũng được dựng bằng gỗ, vách ván nhưng chắc chắn hơn.

Thầy giáo Lê Hồng Thứ chăm chút từng nét chữ cho học trò. Ảnh: T.ĐẠI
Thầy giáo Lê Hồng Thứ chăm chút từng nét chữ cho học trò. Ảnh: T.ĐẠI

Vào thăm lớp mẫu giáo của cô Trần Nữ Diễm Hằng, nhìn những  cô bé, cậu bé dân tộc Xê Đăng tuổi lên 3 lên 5, chỉ vài đôi chân có dép, thấy thương chi lạ. Thấy người lạ các em ngơ ngác nhìn, nép vào nhau, có trẻ khóc òa lên chạy về phía cô giáo. Trò chuyện với chúng tôi, cô Hằng chia sẻ, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm mầm non Trường Đại học Quảng Nam, cô xin tình nguyện vào điểm trường Tak Ngo công tác. Buổi đầu đến điểm trường, cô đi bộ vượt gần 20km đường đèo núi. Khi đến nơi, nhìn thấy cơ sở vật chất của điểm trường mà rớt nước mắt, chỉ muốn quay về. Nhưng nghĩ lại mình còn trẻ mà không chịu nổi và nếu ai cũng muốn dạy học ở những điểm trường thuận lợi thì lấy ai nuôi dạy các cháu ở đây? Nên cô tự nhủ lòng ở lại. Lớp mẫu giáo hiện có 22 cháu là con em dân bản ở 2 nóc Tak Ngo và Măng Rẽ. Trẻ em ở đây từ nhỏ đã phải chịu nhiều thiếu thốn, thiệt thòi, điều đó càng thôi thúc bản thân cô nỗ lực hơn nữa trong công tác chăm sóc, giảng dạy nhằm bù đắp lại một phần nào đó.

Cùng dạy học ở điểm trường này còn có thầy Lê Hồng Thứ - giáo viên phụ trách lớp tiểu học. Thầy cho biết, hôm nay chỉ có 13 em đến lớp, vắng 2 học sinh vì ốm mấy ngày qua chưa thể trở lại trường. Ở đây, hễ nhà nào có người ốm, bà con đều phải làm lễ cúng. Lễ cúng không chỉ tổ chức khi bị ốm đau mà còn diễn ra sau khi người ốm lành bệnh. Học sinh sau khi khỏi bệnh phải được gia đình cho phép mới trở lại trường học. Chính vì những hủ tục đó mà giáo viên ở đây ngoài việc chăm lo công tác chuyên môn còn phải sống gần gũi, gắn bó mật thiết với dân, vừa thực hiện vận động đưa học sinh trở lại trường vừa tích cực tuyên truyền chống lại đói nghèo, lạc hậu. Và thầy cô giáo ở đây trở thành những tuyên truyền viên thực thụ góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới cho bà con dân bản.
Hơn 20 năm giảng dạy tại Trường Mẫu giáo và tiểu học Ngọc Linh, đến với điểm trường Tak Ngo, thầy giáo Lê Hồng Thứ tự mình dựng căn nhà ở gần ngay điểm trường. Căn nhà nhỏ đơn sơ bằng gỗ, lợp tôn, trở thành nơi lui tới học bài của lũ trẻ Xê Đăng. Nói về lý do việc tự mình dựng nhà ngay gần điểm trường, thầy Thứ tâm sự: “Để dân bản tin tưởng cho con đến trường theo học cái chữ thì trước tiên người giáo viên phải có được niềm tin, sự quý mến của bà con. Việc dựng nhà sống ngay trong nóc cũng chỉ vì muốn sống hòa nhập, gần gũi với người dân, học sinh, vừa có điều kiện tìm hiểu phong tục, nếp sống người dân, vừa tiện cho việc vận động, theo dõi tình hình học tập của học trò”.

T.ĐẠI - K.LINH

Người thầy mang hai dòng máu Lào - Việt

Trong những ngày này, khi mà người người hướng đến tri ân các nhà giáo, chúng tôi tìm về xã biên giới Ch’Ơm (huyện Tây Giang) tìm gặp người thầy mang hai dòng máu Lào - Việt.

Bố là người Lào, mẹ người đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang, từ nhỏ đã cảm nhận được sự khổ cực của đồng bào nơi biên giới xa xôi nên Bơlong Đíp luôn cố gắng học tập. Sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, nhiều trường mời về dạy, song Bơlong Đíp đều từ chối, một lòng về núi để “gieo chữ” cho trẻ em nghèo quê hương.

Thông thạo 5 thứ tiếng

Chúng tôi đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Ch’Ơm khi trời chiều đã bị che phủ bởi màn sương. Trường có 14 lớp bậc tiểu học với 172 học sinh và 8 lớp học bậc THCS với 175 học sinh, đều là đồng bào Cơ Tu. Trong đó, ngoài học sinh của xã Ch’Ơm còn có hơn 80 học sinh bậc THCS của xã Ga Ry (chưa có trường cấp II). Gặp khách miền xuôi, thầy Bơlong Đíp (SN 1982) - Hiệu phó nhà trường rất vui, nhiệt tình tiếp đón. Bên chén trà ấm, chúng tôi nghe thầy Bơlong Đíp kể về cuộc đời của mình.

Thầy Bơlong Đíp trò chuyện, chia sẻ với học sinh về sự quan trọng của việc học. Ảnh: N.THI
Thầy Bơlong Đíp trò chuyện, chia sẻ với học sinh về sự quan trọng của việc học. Ảnh: N.THI

Thầy có bố là người Lào, mẹ người Cơ Tu, sống tại thôn Atu, xã Ch’Ơm. Năm thầy lên 3 tuổi thì bố mất. Mẹ đưa sang Lào nhờ người thân bên nội chăm sóc. Đến năm 1990, Bơlong Đíp được đưa về lại Ch’Ơm để đi học. Những năm sống ở Ch’Ơm, Bơlong Đíp thường xuyên sang Lào thăm bà con, thậm chí qua cả Thái Lan bởi có người thân sống ở đó. Do có tiếp xúc từ nhỏ và thường xuyên nên ngoài tiếng Việt và Cơ Tu, Bơlong Đíp còn thông thuộc tiếng Lào, Thái. Ở trường, Bơlong Đíp cũng học rất tốt môn tiếng Anh. Vậy là người con có 2 dòng máu Lào - Việt này thông thạo cả 5 thứ tiếng từ rất sớm. Giai đoạn 2003 - 2008, Bơlong Đíp theo học Sư phạm Sinh - Trường Đại học Sư phạm Huế. Trong thời gian này, Bơlong Đíp đăng ký học luôn ngành lâm nghiệp của Trường Đại học Nông lâm Huế. “Hiểu được hoàn cảnh nên mình rất cố gắng học và đã giành được nhiều học bổng. Mình tâm niệm rằng phải học thật giỏi để một ngày mang cái chữ, kiến thức về dạy lại cho các em ở vùng cao” - thầy Bơlong Đíp tâm sự.

Một kỷ niệm rất đáng nhớ với thầy Bơlong Đíp trong thời gian học tập tại Huế là một lần ra khu Đại Nội học bài, gặp nhóm du khách thấy giống người Lào nên tiến lại, dùng tiếng Lào trao đổi. Bất ngờ một người trong nhóm dùng tiếng Thái nói chuyện. Vậy là thầy dùng tiếng Thái để trò chuyện. Nhận thấy vốn tiếng Thái của thầy tốt hơn cả hướng dẫn viên của đoàn nên đoàn người Thái kia đã mời Bơlong Đíp làm thông dịch viên cho họ khi tham quan tại Huế.

Hết lòng vì quê hương

Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, được nhiều trường dưới xuôi mời về dạy, song Bơlong Đíp suy nghĩ: “Quê hương Ch’Ơm còn nghèo, từng là điểm trắng giáo dục, nhiều hủ tục vẫn còn tồn tại nên cần mình về góp sức xây dựng quê hương”. Vì khi ấy Ch’Ơm chưa có trường nên Bơlong Đíp đăng ký lên dạy tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng xã A Xan (Tây Giang). Thời đó đường sá đi lại khó khăn, từ trung tâm xã đến các thôn bản hầu hết chỉ có cách đi bộ, nhiều thôn xa xôi phải đi mất cả nửa ngày trời. Vì là người địa phương, thông thuộc địa hình nên một lần nữa Bơlong Đíp xung phong đi vào những điểm trường xa nhất. Sau 3 năm công tác tại trường với nhiều thành tích, thầy Bơlong Đíp được bổ nhiệm làm Hiệu phó Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng xã A Xan.

Đến năm học 2013, khi Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Ch’Ơm được thành lập, thầy Bơlong Đíp được điều động về làm hiệu phó nhà trường. Để hỗ trợ, động viên học sinh yên tâm bám lớp, thầy đã đứng ra vận động con em của xã Ch’Ơm giờ làm ăn thành đạt thành lập nên Hội Khuyến học xã Ch’Ơm. Hàng năm, hội tổ chức trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học của xã. Riêng đối với thôn Atu, thầy Bơlong Đíp còn vận động thành lập và tổ chức chương trình “Những người con của bản”. Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, thầy đều về thăm và tặng quà cho học sinh; tổ chức các buổi nói chuyện với già làng, trưởng bản, phụ huynh học sinh Atu để nâng cao nhận thức của người dân về việc học của con em họ. Đồng thời tuyên truyền xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu tồn tại nhiều đời nay của người Cơ Tu nơi miền biên viễn.

Ghi nhận những đóng góp của thầy Bơlong Đíp với ngành giáo dục địa phương, ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng GD-ĐT Tây Giang nói, thầy Bơlong Đíp là tấm gương sáng trong ngành giáo dục huyện. Đặc biệt, đã góp phần to lớn vào sự thay đổi nhận thức về học tập của đồng bào Cơ Tu nơi biên giới.

NGỌC THI

Tận tâm với nghề

Thầy giáo Huỳnh Ngọc Dũng sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo thôn Thuận An, xã Tam Anh Bắc (Núi Thành). Thầy đến với nghề giáo, tính ra đã hơn 30 năm với biết bao khó khăn, thử thách vượt qua. Năm nay, bước vào tuổi gần 60, với cương vị Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (xã Tam Xuân 1, Núi Thành), thầy Huỳnh Ngọc Dũng vẫn tràn đầy nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục ở địa phương. Từ Trường THCS xã Tam Anh chuyển về làm Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt, thầy Dũng mang theo quyết tâm xây dựng trường vững mạnh toàn diện và đến nay kết quả đem lại đã đạt như mong muốn.

Thầy Huỳnh Ngọc Dũng. Ảnh: VĂN PHIN
Thầy Huỳnh Ngọc Dũng. Ảnh: VĂN PHIN

Những năm qua, Trường THCS Lý Thường Kiệt liên tiếp đạt nhiều thành tích xuất sắc trong dạy và học cũng như các hoạt động, phong trào thi đua khác. Thành tích nổi bật là trường luôn nằm trong tốp đầu phong trào học sinh giỏi các trường THCS của Núi Thành. Bình quân hàng năm trường có hơn 60% số học sinh đạt học lực khá giỏi; tỷ lệ tốt nghiệp THCS luôn đạt 99% trở lên. Hàng năm có 5 - 7 học sinh thi đỗ vào lớp 10 Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Tam Kỳ). Riêng năm học 2014 - 2015, Trường THCS Lý Thường Kiệt có 9 học sinh thi đỗ vào Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, chiếm 1/3 số học sinh Núi Thành đỗ vào lớp 10 trường chuyên này. Năm 2013, trường đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Năm học 2014 - 2015, Trường THCS Lý Thường Kiệt được UBND tỉnh tặng cờ dẫn đầu phong trào thi đua các trường THCS trên địa bàn tỉnh. Thành tích đó có sự đóng góp của tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường, dưới sự lãnh đạo, đầu tàu gương mẫu của thầy Hiệu trưởng Huỳnh Ngọc Dũng.

Để xây dựng Trường THCS Lý Thường Kiệt đạt vững mạnh toàn diện, trước hết thầy Huỳnh Ngọc Dũng xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong toàn đơn vị, đồng thời nghiên cứu lên kế hoạch chu đáo cho hoạt động của nhà trường. Trên cơ sở đó, thầy cùng tập thể Ban giám hiệu quản lý, điều hành đơn vị thực hiện kế hoạch đề ra. Điều quan trọng là thầy Huỳnh Ngọc Dũng có tinh thần dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm trước tập thể, nhờ vậy, bản thân ông đã lên kế hoạch và chỉ đạo hiệu quả các mặt công tác như đưa trường trở thành đơn vị đầu tiên ở bậc học THCS của huyện Núi Thành đạt chuẩn quốc gia và mới đây được UBND tiếp tục công nhận trường đạt chuẩn quốc gia thời điểm 2015 (giai đoạn 2015 - 2020). Trong quá trình lãnh đạo đơn vị, thầy Huỳnh Ngọc Dũng luôn làm tốt công tác tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo của đảng bộ và chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể xã hội ở xã, huyện trong việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.

Từ tấm lòng tận tâm và những thành quả đạt được trong sự nghiệp trồng người, Hiệu trưởng Huỳnh Ngọc Dũng nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (năm học 2007 - 2008 đến năm học 2014 - 2015). Thầy đã được Thủ tuớng Chính phủ tặng bằng khen năm 2008, Bộ GD-ĐT tặng bằng khen năm 2009. Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay, thầy được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng bằng khen… Không dừng lại với những thành quả đạt được, thầy giáo Huỳnh Ngọc Dũng - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt đang tiếp tục tận tâm với sự nghiệp trồng người, xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh, góp phần giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho quê hương.

VĂN PHIN

TƯỜNG VY