Không công nhận liệt sĩ đối với kiểm lâm Trần Văn Quý: Gia đình tiếp tục khiếu nại
Vụ việc Bộ LĐ-TB&XH không công nhận liệt sĩ đối với kiểm lâm viên Trần Văn Quý tử nạn khi làm nhiệm vụ đã khiến gia đình ông Quý không bằng lòng, tiếp tục gửi đơn khiếu nại.
Không công nhận liệt sĩ
Ngày 15.5.2011, trong khi trục vớt gỗ do lâm tặc cất giấu dưới sông Vu Gia thuộc khu vực Mò O (xã Đại Sơn, Đại Lộc), ông Trần Văn Quý là cán bộ thuộc Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2 (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam) bất ngờ bị dòng nước cuốn trôi dẫn đến tử vong. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình ông Quý đã được các cơ quan chức năng của tỉnh hướng dẫn lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận ông Trần Văn Quý là liệt sĩ. Công văn số 829/LĐTBXH-NCC ngày 5.8.2011 của Sở LĐ-TB&XH gửi Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) đề nghị cho ý kiến việc xác nhận liệt sĩ đối với Trần Văn Quý. Ngày 13.9.2011, Cục Người có công có Văn bản số 811/NCC trả lời: “Căn cứ quy định tại Điều 3 Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26.5.2006 của Chính phủ, trường hợp chết của Trần Văn Quý chưa thuộc diện xem xét xác nhận liệt sĩ”. Ngày 4.10.2013, UBND tỉnh có Công văn số 3862/UBND-VX gửi Bộ LĐ-TB&XH đề nghị công nhận liệt sĩ đối với Trần Văn Quý. Ngày 4.6.2015, Bộ LĐ-TB&XH có công văn (số 2110/LĐTBXH-NCC) phản hồi với nội dung: “Ông Quý trong khi xuống sông tham gia trục vớt gỗ trái phép đang cất giấu dưới lòng sông, không mặc áo phao, lội (bơi) được khoảng 4 - 5m bị sụp vào hố nước sâu có vòng xoáy nên bị nước cuốn trôi chết. Đây là công tác giải quyết sự vụ của nhân viên kiểm lâm khi được giao, tai nạn dẫn đến chết người là yếu tố bất ngờ không thể biết trước. Do đó không thể coi trường hợp nêu trên là hành động dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc xả thân để cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân. Vì vậy, ông Trần Văn Quý không đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ theo quy định hiện hành”.
Ông Trần Văn Dũng với đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng xem xét công nhận liệt sĩ cho con ông. Ảnh: T.H |
Cần xem xét lại
Không đồng tình với công văn trả lời của Bộ LĐ-TB&XH, ông Trần Đức Dũng - cha ông Quý, tiếp tục gửi đơn cầu cứu các ngành chức năng Trung ương và tỉnh. Ông Dũng nói: “Con tôi đã gan dạ hy sinh khi làm nhiệm vụ nhưng lại không được công nhận liệt sĩ với lý do thiếu thuyết phục. Tôi khẩn cầu Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH xem xét lại toàn bộ vụ việc, giải quyết thỏa đáng cho con tôi”. Trao đổi với chúng tôi, nhiều luật sư cho rằng, qua nghiên cứu công văn nêu trên của Bộ LĐ-TB&XH, có nhiều nội dung chưa phù hợp với điểm e khoản 1 Điều 17 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9.4.2013 của Chính phủ quy định điều kiện xác nhận liệt sĩ. Bởi vì, điểm e khoản 1 Điều 17 quy định: “Dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và của nhân dân” là một trong các điều kiện để được xem xét xác nhận công nhận liệt sĩ. Theo từ điển Tiếng Việt, “dũng cảm” là một tính từ chỉ sự gan dạ, không sợ gian khổ nguy hiểm, có dũng khí dám đương đầu với sức chống đối, với sự nguy hiểm để làm những việc nên làm”. Đối chiếu với trường hợp của ông Trần Văn Quý thì việc làm đó được xem là hành động dũng cảm để cứu tài sản của Nhà nước. Nếu không có người trục vớt kịp thời số gỗ nêu trên thì sẽ bị dòng nước cuốn trôi ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước.
Công văn số 3862/UBND-VX ngày 4.9.2013 của UBND tỉnh khẳng định: “Việc ông Trần Văn Quý không quản ngại nguy hiểm, hy sinh tính mạng trong lúc trục vớt gỗ đang chìm sâu dưới lòng sông phục vụ cho công tác điều tra, xử lý đối tượng khai thác rừng trái phép là một hành động dũng cảm, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quốc gia”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn khẳng định, hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép ở miền núi rất phức tạp, hành động của Trần Văn Quý được xem là dũng cảm, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia. Thiết nghĩ, Bộ LĐ-TB&XH cần xem xét công nhận liệt sĩ cho Trần Văn Quý để động viên cán bộ, viên chức sẵn sàng tuyên chiến với các hành vi, tội phạm xâm hại rừng.
TRẦN HỮU