Doanh nghiệp Nhật hướng vào Đông Nam Á
Nhiều doanh nghiệp phân phối và bán lẻ Nhật Bản đang quay sang thị trường khu vực năng động Đông Nam Á với tầng lớp trung lưu đang tăng mạnh.
Hiện nay, các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư mạnh vào các trung tâm mua sắm cũng như các cửa hàng trên khắp thị trường Đông Nam Á như tại Thái Lan, Malaysia, Việt Nam…Dù nhiều nền kinh tế của khu vực đang gặp khó khăn và sụt giảm về mức độ tiêu thụ do sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc, nhiều quốc gia Đông Nam Á vẫn được đánh giá nằm trong Top 10 của thế giới mức độ lạc quan về Chỉ số niềm tin tiêu dùng trong quý 3.2015. Do đó, nhiều nhà doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, để thắng “trái tim của người tiêu dùng khu vực”, các doanh nghiệp Nhật cố gắng nhằm tạo ra sự khác biệt từ quảng bá, chất lượng đến đa dạng sản phẩm để tạo niềm tin người tiêu dùng.
Một khu mua sắm của công ty Nhật Bản tại Thái Lan. Ảnh: placeandfood |
Tại trung tâm mua sắm Aeon Sriracha của công ty Aeon (Nhật Bản) ở tỉnh Chonburi của Thái Lan là khu kinh doanh 3 tầng của một công ty đến từ Nhật Bản, có mặt từ tháng trước, với các loại thực phẩm tươi và qua chế biến. Một nhân viên văn phòng của tỉnh sống gần trung tâm Aeon Sriracha cho biết, anh rất thích mua sắm các loại thực phẩm Nhật với nhiều loại rau, củ rất tươi, giá cả hợp lý. Ông Masamitsu Ikuta, người Nhật Bản - Giám đốc điều hành của Aeon Sriracha nói: “Chúng tôi mở rộng kinh doanh tại Thái Lan để khai thác lợi thế và tiềm năng phát triển của khu vực, nhất là thu hút các nhà tiêu dùng trung lưu”. Ông Masamitsu Ikutad đồng thời cho biết hiện nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quay sang thị trường Đông Nam Á.
Trong khi đó, theo khảo sát của Nielsen, số người thuộc tầng lớp trung lưu tại khu vực dự kiến sẽ tăng từ con số 200 triệu người của năm 2012 lên 400 triệu người vào năm 2020. Mức tiêu thụ tại khu vực đặc biệt nằm trong trung hạn và dài hạn. Aeon hiện đã mở 18 khu liên hợp thương mại lớn, ngoài Thái Lan còn có tại Malaysia, Việt Nam và sắp tới sẽ là thị trường Indonesia. Nhiều công ty Nhật Bản cũng kịp thời có mặt tại thị trường khu vực như Mitsui Fudosan, Tokyo Broadcasting System Holdings, Family Mart, Takashimaya… Đặc biệt, việc ra đời Cộng đồng kinh tế khu vực Đông Nam Á (AEC) càng thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như nhiều quốc gia khác vào thị trường khu vực.
Theo hãng tin Reuters, năm 2015 là năm chứng kiến các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm nhiều tới khu vực Đông Nam Á, thay vì chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc như trước đây. Các chuyên gia kinh tế Nhật Bản đều cho rằng, Đông Nam Á là thị trường phù hợp nhất đối với Nhật Bản bởi quan hệ chính trị giữa hai bên tốt đẹp hơn và tiềm năng phát triển. Các công ty xứ sở mặt trời mọc tiếp tục đầu tư mạnh vào thị trường khu vực cũng nhằm bù đắp cho tình hình tăng trưởng ảm đạm trong nước Nhật. Theo tin từ Bloomberg, kinh tế Nhật giảm 0,8% trong quý 3.2015 so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 0,7% trong quý 2. Với hai quý suy giảm liên tiếp, kinh tế Nhật đáp ứng định nghĩa của một cuộc suy thoái mà một trong những nguyên nhân chính là vì nhu cầu nội địa yếu, khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quay sang thị trường tiềm năng như khu vực Đông Nam Á.
NAM VIỆT