Tang ma văn minh - Kỳ 1: Chuyển biến nhận thức
(QNO) - Để người dân hiểu và thực hiện theo chủ trương tang ma văn minh không dễ, nhưng với sự đồng lòng từ nhiều phía từng bước thay đổi nhận thức, loại bỏ dần các thủ tục không phù hợp.
Kỳ 1: Thay đổi nhận thức
Đã 15 năm qua, người dân ở xã Quế Phú (huyện Quế Sơn) chăm lo hậu sự cho hàng xóm rất có tổ chức, khoa học và thật sự tiết kiệm. Trong khi đó, người dân Hội An, mà điển hình là phường Sơn Phong đã nói không với việc rải vàng mả trên đường đưa tang.
Những điểm sáng
Những ngày cuối tháng 4, bà Phạm Thị Tập ở thôn Trà Đình 1 qua đời vì căn bệnh nhiễm trùng đường máu. Hàng xóm của bà nhanh chóng có mặt lo nhang khói, cờ phướn. Vì thế, khi con cái cháu bà ở xa trở về chịu tang, thì việc hậu sự dường như đã tươm tất. Ở Quế Phú, hàng xóm là những người đảm trách chính và hầu như toàn bộ công việc hậu sự. Chưa hết, những đám tang ở đây rất gọn gàng và tiết kiệm. Chỉ có một vài bữa ăn nhẹ dành cho những người đóng vai trò chính đến lo hậu sự và họ tự nấu nướng cũng như đóng góp tiền bạc.
Chiếc chậu trước nghĩa trang liệt sĩ Hội An để các đám ma dừng lại đốt vàng mã thay vì rải ra đường. Ảnh: XUÂN KHÁNH |
Ông Nguyễn Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Phú, cho biết xã phải mất 15 năm để gây dựng được “quỹ đạo” này. Hiện cả 12 thôn ở xã Quế Phú đều có 12 chi hội trợ tang, do trưởng thôn đứng đầu, chịu trách nhiệm quán xuyến xuyên suốt đám tang cho người quá cố. Theo lời ông Hoa, tùy vào thân thế, giới tính người mất, mà đám tang của họ sẽ được hàng xóm tổ chức sao cho phù hợp. Nếu người mất là nam công dân bình thường, thì việc chôn cất sẽ do Chi hội Nông dân thôn lo; nếu là nữ thì do Chi hội Phụ nữ thôn đảm trách. Riêng việc đào huyệt, nếu người ở tổ, thôn, hay khu dân cư này mất thì tổ, thôn hay khu dân cư khác đảm nhận; công việc này diễn ra theo thể thức xoay vòng. Ngoài lo hậu sự cho hàng xóm, xã Quế Phú còn “nói không” với việc rải vàng mã trên đường đưa tang.
Sơn Phong là phường đi đầu, là điển hình trong “nói không” với vàng mã trên đường đưa tang. Ông Đinh Tư - Phó Chủ tịch UBND phường Sơn Phong cho biết, năm 2011, phường ra thông báo kêu gọi nhân dân không đốt vàng mã, xả rác ở nơi công cộng. Kết hợp với đó là cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nhằm hướng đến nếp sống văn minh toàn diện. “Khó khăn lúc ấy là thay đổi nhận thức của người dân, bởi việc rải vàng mã như đã ăn sâu vào tiềm thức họ. Thành ra, đám ma đi qua, là vàng mã nằm la liệt trên đường, vừa mất mỹ quan vừa ô nhiễm môi trường, đôi lúc còn gây nguy hiểm cho người đi đường. Bên cạnh phân tích những mặt “xấu” và không cần thiết, cán bộ xã thôn, đảng viên chính là những người đi đầu, gương mẫu thực hiện không rải vàng mã, vật phẩm trên đường đưa tang khi gia đình có người thân qua đời” - ông Tư cho biết.
Ông Nguyễn Nam, 83 tuổi, thành thật: “Lúc đầu cán bộ vận động không rải vàng mã trên đường tôi không đồng tình nhưng nhờ sự giải thích rõ nên thực hiện theo. Suy cho cùng, chủ yếu là ở tấm lòng, chứ hình thức quá mà lòng trống trơn thì cũng chằng có đạo nghĩa gì”. Ở phường Sơn Phong, Phong Thiện là khối phố thực hiện tốt nhất việc “nói không” với vàng mã, vật phẩm trên đường đi. Đây cũng là khối phố 14 năm liền đạt danh hiệu khối phố văn hóa.
Thay đổi từ gốc
Giữa tháng 3.2015, TP.Hội An mở cuộc tọa đàm chỉ dành bàn chuyện… ma chay, những người được mời là gần 200 thầy cúng, trưởng các tộc họ, giáo phái trên địa phương. Chủ trì cuộc gặp ấy là ông Nguyễn Sự lúc bấy giờ là Bí thư Thành ủy Hội An, nay là Chủ tịch HĐND TP.Hội An. Ông bảo, nói đến chuyện ma chay, cúng bái mà không mời thầy cúng, trưởng tộc họ, giáo phái thì thôi khỏi. Mấy ông này phán thế nào, là gia chủ nghe thế ấy. Nên phải nói chuyện với họ, làm được công tác tư tưởng với họ mới mong xây dựng được một đám tang “sạch” và văn minh. Ở đời, người sống lo cho người chết là đạo nghĩa. Nghĩa tử là nghĩa tận, không ai được chọn giờ sinh mà cũng chẳng ai được chọn ngày chết. Về mặt tâm linh, làm vậy mới được người chết phù hộ, nên thành ra, nhiều khi quá mê tín là vậy.
Ông Sự nói, cuộc gặp mặt hôm ấy đi đến thống nhất là để thi thể không quá 3 ngày. “Mấy ông thầy cúng nói rất hay, rằng năm tốt không bằng tháng tốt; tháng tốt không bằng ngày tốt; ngày tốt không bằng giờ tốt. Nên thay vì đợi ngày tốt, ta nên xem giờ tốt để mai táng, tránh để lâu ngày vừa ảnh hưởng đến hàng xóm, vừa cực khổ ngay chính gia chủ. Chưa hết, để thi thể lâu ngày quá, đôi lúc lại “vướng” tội bất kính. Thử hỏi, người chết mà để năm, bảy ngày có hôi không? Rồi người khiêng, người đi gần quan tài phải bịt miệng bịt mũi, đôi lúc là nhổ nước bọt… không hay chút nào” - ông Sự chia sẻ.
So với rải vàng mã, vật phẩm, việc vận động bỏ xem ngày tốt khó khăn hơn, vì nó dường như ăn sâu vào máu thịt, suy nghĩ của người dân. Nên mới gặp mặt thầy cúng, trưởng các tộc họ giáo phái để nói chuyện. Rất may, những vị này đều đồng tình và cũng muốn chung tay giải trừ những thủ tục ma chay rắc rối, phiền hà. Trong đó có chuyện kèn trống. Rằng nhà nào có người mất, thì kèn trống cũng nên vừa phải, tránh ảnh hưởng đến hàng xóm.
XUÂN KHÁNH
Kỳ cuối: Nhân rộng những điển hình