Thanh tra Sở LĐ-TB&XH: Vì quyền lợi nhân dân
Là một trong những ngành có liên quan nhiều nhất đến các công tác xã hội, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH đã và đang nỗ lực để quyền lợi của người dân luôn được đảm bảo.
Thanh tra Sở LĐ-TB&XH thường xuyên phối hợp tổ chức thanh tra - kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại các công ty, nhà máy nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Ảnh: TUỆ LÂM |
Không để sót người có công
“Quảng Nam là tỉnh có nhiều người hy sinh cho sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn sót một số trường hợp chưa được công nhận vì vài lý do. Là một ngành phụ trách những vấn đề này, chúng tôi luôn cố gắng để giúp cho người dân, đặc biệt là những người đã hy sinh vì đất nước được ghi công” - ông Nguyễn Thành Khả, Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH nói. Trong những năm qua, trung bình hàng năm Sở LĐ-TB&XH tổ chức gần 10 cuộc thanh tra về lĩnh vực chính sách người có công và chính sách xã hội. “Có vụ việc do thời gian quá lâu, giấy tờ liên quan bị thất lạc nên kéo dài nhiều năm vẫn chưa thể giải quyết. Chúng tôi luôn thực hiện theo phương châm phải làm nhanh, đúng pháp luật, hợp tình hợp lý để giải quyết chế độ cho người có công cũng như các chính sách xã hội liên quan. Với chúng tôi, đảm bảo quyền lợi của người dân là ưu tiên hàng đầu” - ông Khả nói.
Bên cạnh việc điều tra, làm rõ, tránh bỏ sót đối với người thực sự đã có cống hiến cho đất nước, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH cũng tiến hành kiểm tra và thu hồi quyết định đối với những người cố tình khai man lý lịch để được hưởng chế độ chính sách. Như trường hợp ông L.V.T. (huyện Thăng Bình), qua điều tra, xác minh ông T. đã khai man để được công nhận là người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày. “Việc xác minh, làm rõ những trường hợp khai không đúng là rất cần thiết, bởi nó gây bức xúc đối với dư luận và làm thất thoát tiền của ngân sách nhà nước. Cũng có nhiều trường hợp không phải khai man, nhưng với những điều kiện đó họ chưa thể được công nhận là người có công với cách mạng. Điều chúng tôi muốn làm nhất chính là đảm bảo tính công bằng, minh bạch. Người nào xứng đáng, người nào không, cần phải làm rõ. Đôi khi số tiền phụng dưỡng, hỗ trợ không nhiều nhưng đó lại là cả một vấn đề lớn của gia đình họ nên khi tiến hành thanh tra, kiểm tra chúng tôi luôn phải cẩn thận để không bỏ sót trường hợp nào” - ông Nguyễn Thành Khả, Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH nói. |
Mới đây, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tiếp nhận đơn của gia đình ông Đào Hiên, xã Đại Minh (Đại Lộc) đề nghị kiểm tra xác minh việc “ông Hiên trước đây đã được công nhận là liệt sĩ, nhưng đến nay lại quyết định thu hồi”. Qua kiểm tra, xác minh trường hợp này, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH đã đề nghị phục hồi công nhận liệt sĩ đối với ông Đào Hiên. Hay như trường hợp ông Đặng Văn Nhứt, xã Đại Cường (Đại Lộc) cũng đã được Thanh tra Sở LĐ-TB&XH kiểm tra, xác minh và kiến nghị phục hồi công nhận liệt sĩ…
Là một trong những địa phương có nhiều liệt sĩ nhất của tỉnh, thị xã Điện Bàn cũng là nơi có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực người có công. Ông Đặng Công Nhiên - Chánh thanh tra thị xã Điện Bàn cho rằng: “Cha ông đã đổ xương máu để dựng nước và giữ nước, do đó không thể để sót trường hợp có công nào, vì bất cứ lý do gì”. Cùng quan điểm, ông Phạm Văn Thanh - Chánh thanh tra huyện Duy Xuyên góp ý: “Đối với lĩnh vực này cần phải thận trọng để xác minh, điều tra bởi nó liên quan đến nhiều giấy tờ, nhiều giai đoạn. Lĩnh vực này không quá phức tạp nhưng lại chứa đựng ý nghĩa nhân văn. Nếu chúng ta làm không khéo thì người dân khó lòng đồng tình”.
Bảo vệ công nhân
Trên hành trình phát triển kinh tế, Quảng Nam tập trung vào mũi nhọn công nghiệp, có nhiều chính sách thu hút đầu tư vào các khu - cụm công nghiệp trên địa bàn. Từ đó, hàng chục nghìn lao động địa phương được tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định. “Tuy nhiên, ở một số công ty, các chế độ cho người lao động còn chưa được đảm bảo. Việc nợ bảo hiểm xã hội, chậm chi trả lương, tăng ca, tăng giờ làm không đúng quy định hay không thành lập tổ chức công đoàn để bảo đảm quyền lợi cho công nhân… vẫn thường xuyên xảy ra. Trong khi đó, nhiều công nhân chỉ biết làm việc, chứ chưa hiểu rõ mình được những quyền gì. Đôi khi chủ doanh nghiệp làm trái với quy định nhưng công nhân hoàn toàn không biết để bảo vệ quyền lợi cho mình. Chính vì vậy, để đảm bảo cho quyền lợi của công nhân, chúng tôi thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra các công ty, nhà máy cũng như đối thoại với công nhân và chủ doanh nghiệp giúp họ hiểu hơn quyền lợi và trách nhiệm nghĩa vụ của mỗi bên” - ông Nguyễn Thành Khả cho biết.
Chỉ tính riêng trong năm 2015, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức thanh tra việc chấp hành các quy định về pháp luật lao động và Luật Bảo hiểm xã hội tại 18 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, đã triển khai cho 200 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức đánh giá theo phiếu tự kiểm tra thực hiện pháp luật lao động. Thanh tra sở cũng đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Liên đoàn Lao động thẩm định và trình UBND tỉnh đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả cho 31 trường hợp nghỉ việc trong giai đoạn 1991 - 1994 nhưng chưa nhận chế độ nay được cộng nối thời gian tham gia bảo hiểm xã hội.
Là địa bàn có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc thu hút hàng nghìn công nhân lao động vào làm việc ở các công ty, nhà máy. Hàng năm, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH phối hợp với địa phương, các ban ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát đời sống công nhân nơi đây. “Cần phải đảm bảo cho công nhân lao động có được một môi trường làm việc tốt, thu nhập ổn định, đó cũng là góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội của địa phương” - ông Nguyễn Thành Khả nói.
TUỆ LÂM