Phòng chống tham nhũng, nhiệm vụ hàng đầu

NGUYỄN DƯƠNG (thực hiện) 18/11/2015 09:19

Với phương châm “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, 70 năm qua, nhất là từ sau ngày tái lập tỉnh, ngành Thanh tra Quảng Nam đã có những đóng góp tích cực trong công cuộc đổi mới và phát triển của tỉnh. Nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống ngành, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Đặng Phong - Chánh Thanh tra tỉnh chia sẻ:

Toàn ngành Thanh tra Quảng Nam hiện có hơn 260 công chức, lao động; trong đó, trình độ đại học và trên đại học chiếm hơn 90%, thanh tra viên hơn 70%. Thời gian qua, công tác thanh tra được phát triển rộng khắp trên mọi lĩnh vực đời sống, góp phần đảm bảo tính công bằng, văn minh của xã hội. Công tác thanh tra kinh tế - xã hội đã tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm, có nhiều bức xúc như: xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, cổ phần hóa doanh nghiệp, chấp hành pháp luật thuế… Qua thanh tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý kịp thời, đúng pháp luật các vi phạm, thu hồi tiền và tài sản cho ngân sách nhà nước. Đồng thời xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có sai phạm và chấn chỉnh công tác quản lý trên các lĩnh vực liên quan. Cùng với thanh tra kinh tế - xã hội, các tổ chức thanh tra của ngành cũng đã làm tốt chức năng giúp thủ trưởng cùng cấp trong công tác quản lý nhà nước về khiếu nại, tố cáo…

Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động thanh tra thời gian qua vẫn còn một số khó khăn nhất định. Có những trường hợp cản trở, chống đối, bất hợp tác của đối tượng thanh tra thể hiện nhiều thủ đoạn tinh vi như: không cung cấp hoặc cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin tài liệu; tẩu tán, tiêu hủy chứng cứ; cố tình dây dưa kéo dài thời gian làm việc, hoặc tạo nhiều khó khăn, cản trở hoạt động của đoàn thanh tra… Nhưng những hành vi này hầu như không bị xử lý hoặc không xử lý được vì thiếu chế tài.

* Một trong những vấn đề được quan tâm hiện nay là phòng chống tham nhũng. Ông có thể cho biết Thanh tra tỉnh đã tham gia công tác này như thế nào trong thời gian qua?

- Ông Đặng Phong: Phòng chống tham nhũng được coi là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng nhất nhằm đảm bảo tính công bằng và phát triển kinh tế - xã hội. Những năm gần đây, tình hình tham nhũng trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, tập trung chủ yếu ở một số lĩnh vực: quản lý đất đai; bồi thường, hỗ trợ; tài chính ngân hàng; đầu tư, xây dựng cơ bản; chính sách xã hội... Thanh tra tỉnh cũng đã phối hợp với các cơ quan nội chính trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng. Tuy hành vi tham nhũng còn ở mức độ ít nghiêm trọng nhưng hậu quả vẫn gây nhiều bức xúc trong xã hội. Tội phạm tham nhũng bị phát hiện, xử lý chủ yếu ở các hành vi: tham ô tài sản, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản...

* Ngành thanh tra đã nhận được sự hỗ trợ như thế nào trong phòng chống tham nhũng, thưa ông?

- Ông Đặng Phong: Công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự phối hợp của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Bên cạnh đó là sự tích cực tham gia của các ngành, các cấp, sự hưởng ứng của cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân. Sự chung tay đó đã tạo những chuyển biến rõ nét phòng chống tham nhũng nói riêng, công tác thanh tra nói chung, góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn trên địa bàn tỉnh.

Thanh tra thị xã Điện Bàn cùng Thanh tra tỉnh giám sát thi công tại công trình đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: N.DƯƠNG
Thanh tra thị xã Điện Bàn cùng Thanh tra tỉnh giám sát thi công tại công trình đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: N.DƯƠNG

Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, là người dân bây giờ rất có ý thức phòng chống tham nhũng, sẵn sàng tố cáo với cơ quan chức năng khi phát hiện sai phạm. Tin báo từ nhân dân là kênh thông tin đáng tin cậy để cơ quan chức năng tiến hành các hoạt động thanh tra phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý tham nhũng.

* Chống tham nhũng, để thực hiện được một cách triệt để không dễ dàng gì, thưa ông?

- Ông Đặng Phong: Tất nhiên. Chống tham nhũng đòi hỏi người thanh tra phải có kinh nghiệm, năng lực, kiến thức để phát hiện những sai phạm, tiến hành điều tra, đưa vụ việc ra ánh sáng. Bên cạnh đó, cán bộ thanh tra cũng phải có đạo đức nghề nghiệp đủ vững vàng để tránh được những cám dỗ về vật chất, kiên quyết đấu tranh với tội phạm. Qua phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng cho thấy tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi; phạm vi, lĩnh vực tham nhũng ngày càng rộng, mức độ tham nhũng lớn. Tình trạng tham nhũng vặt trong khu vực công vẫn còn diễn ra, biểu hiện qua việc chạy chọt, lót tay để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền. Nhất là trong những ngành, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

Hơn nữa, việc minh bạch hóa các hoạt động của các cơ quan nhà nước vẫn còn nhiều bất cập, một số lĩnh vực vẫn chưa được công khai một cách toàn diện. Công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bố trí, đề bạt cán bộ ở một số địa phương vẫn chưa đúng quy trình, còn kẽ hở cho tiêu cực nảy sinh. Một số lĩnh vực quản lý, cấp phát nguồn vốn ngân sách chưa thật sự minh bạch, cơ chế “xin - cho” vẫn còn tồn tại, nhất là việc bố trí vốn, đầu tư xây dựng các dự án công trình, giao đất cho các dự án đầu tư, khai thác tài nguyên, khoáng sản... Chưa có cơ chế rõ ràng để kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, như là một biện pháp phát hiện tài sản tham nhũng, phát hiện hành vi tham nhũng để xử lý.

* Để đảm bảo công tác trong thời gian tới, ngành Thanh tra Quảng Nam sẽ có những hướng đi cụ thể nào, thưa ông?

- Ông Đặng Phong: Để tránh những sai phạm có hệ thống, đảm bảo công tác thanh tra được minh bạch, rõ ràng, điều đầu tiên chính là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành. Phải phối hợp với nhau, kiên quyết đấu tranh với tội phạm, khi đó công tác thanh tra sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Trước mắt, tăng cường thanh tra, kiểm tra hướng vào việc phát hiện, chấn chỉnh và kịp thời xử lý các vi phạm pháp luật; tham mưu kiến nghị sửa đổi, bãi bỏ những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý và cơ chế, chính sách. Chúng tôi kiến nghị xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn chi tiết, thực hiện một cách đồng bộ phù hợp với thực tế làm cho cán bộ công chức “không dám tham nhũng”, “không thể tham nhũng”. Đẩy mạnh công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra.

Để phát huy tính dân chủ, ngành thanh tra tăng cường công tác tiếp công dân định kỳ và đột xuất. Đồng thời phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Tư pháp, Hội Luật gia và Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam thực hiện tốt công tác tiếp công dân; giám sát và nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh của công dân…

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

NGUYỄN DƯƠNG (thực hiện)

NGUYỄN DƯƠNG (thực hiện)