G-20 cam kết chống chủ nghĩa khủng bố
Trong hai ngày 15 và 16.11, Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra tại Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ tập trung về vấn đề khủng bố.
Hội nghị G-20 diễn ra trong lúc Pháp để tang tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố Paris. ảnh: gdnonline |
Hội nghị G-20 năm nay diễn ra chỉ sau hai ngày các vụ khủng bố tấn công thảm khốc tại Paris (Pháp) khiến 129 người thiệt mạng và hơn 300 người khác bị thương. Nhóm khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Trong ba ngày, kể từ 15.11, nước Pháp để quốc tang tưởng niệm nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công Paris. Tổng thống Francois Hollande hủy kế hoạch tham dự hội nghị G-20 để giải quyết những vấn đề an ninh trong nước. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G-20 nhận định, nền kinh tế toàn cầu sẽ khó mà phát triển khi chủ nghĩa khủng bố nổi dậy và đe dọa đến an ninh thế giới.
Do đó, hội nghị của G-20 lần này được xem là cơ hội để lãnh đạo các nền kinh tế lớn của thế giới quyết tâm và nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến chống khủng bố. Các chính phủ tìm kiếm sự hợp tác, kiểm soát chặt chẽ tại các biên giới để phòng ngừa, nhất là sự trà trộn của các tay súng khủng bố vào dòng người tị nạn. Liên minh châu Âu dự báo rằng trong năm tới sẽ có 3 triệu người di cư ồ ạt vào châu lục, chủ yếu là những người chạy khỏi cuộc nội chiến kéo dài tại Syria. Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ “gia tăng gấp đôi” nỗ lực chống khủng bố sau các vụ tấn công tại Pháp. Khác với những hội nghị G-20 được tổ chức những lần trước, G-20 ngoài tuyên bố chung của hội nghị còn có cả một bản tuyên bố đặc biệt về các vụ khủng bố tại Paris.
G-20 hiện chiếm hơn 85% thương mại toàn cầu nhưng sự chững lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc đang gây quan ngại cho kinh tế thế giới, đặc biệt là các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, tín hiệu khả quan cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế thế giới khi cuộc khủng hoảng tài chính của khối sử dụng đồng euro nay đã hạ nhiệt và đang hồi phục nhanh. Mặt khác, G-20 là khối các nền kinh tế có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới. Tại hội nghị lần này, G-20 thúc giục các nước thành viên thực hiện đúng cam kết về việc tăng gấp đôi tài chính vào quỹ ứng phó với diễn biến khí hậu toàn cầu để viện trợ cho các nước nghèo - những nơi đã và đang gánh chịu hậu quả rất nặng nề về người và của do tình trạng biến đối khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Ngoài ra, hội nghị năm nay diễn ra 2 tuần trước Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu tại Paris là lúc mà các nhà lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới củng cố những cam kết về một thỏa thuận cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân của tình trạng nóng ấm toàn cầu.
QUỐC HƯNG