Sức mạnh đại đoàn kết

VINH ANH 17/11/2015 09:17

Trải qua 85 năm hình thành và phát triển, MTTQ Việt Nam luôn đồng hành với đất nước, từ trong đấu tranh giành độc lập cho đến quá trình xây dựng và phát triển. Nhìn lại lịch sử và truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam, ông Võ Xuân Ca - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết:

Ngày 18.11.1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập Hội phản đế đồng minh - hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Từ đó đến nay, trải qua 85 năm cùng với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã không ngừng được củng cố, mở rộng với nhiều hình thức tổ chức và tên gọi. Từ Hội phản đế đồng minh đến Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936 - 1939), Mặt trận Việt Minh (1941) và Mặt trận Liên Việt (1946). Khi Mỹ “nhảy” vào xâm lược miền Nam Việt Nam, Đảng ta chủ trương thành lập ở mỗi miền một Mặt trận Dân tộc thống nhất nhằm mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Tháng 9.1955, ở miền Bắc, tổ chức MTTQ Việt Nam ra đời; ở miền Nam, tháng 12.1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Sau khi cả nước giành độc lập, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc (tháng 2.1977) đã hợp nhất 3 tổ chức Mặt trận ở hai miền Nam - Bắc nước ta thành một tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất lấy tên là MTTQ Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca tặng quà hộ nghèo tại làng Yều (xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc) tại ngày hội đại đoàn kết năm 2015. Ảnh: VINH ANH
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca tặng quà hộ nghèo tại làng Yều (xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc) tại ngày hội đại đoàn kết năm 2015. Ảnh: VINH ANH

- PV: Tại Quảng Nam, tổ chức Mặt trận đã hình thành, phát triển và có những đóng góp như thế nào, thưa ông?

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang: “Tổ chức nòng cốt triển khai các chương trình”

 “Mặt trận cần tiếp tục thực hiện tốt vai trò của mình, trong đó thực hiện tốt Kết luận 62 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở và trở thành tổ chức nòng cốt thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đồng thời cũng là một trong những tổ chức hết sức quan trọng để làm nòng cốt cho việc thực hiện Quyết định 217, 218 về giám sát, phản biện xã hội và xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đó là những nhiệm vụ hết sức quan trọng mà Đảng, Nhà nước đã giao cho Mặt trận từ trung ương đến địa phương, cơ sở. Đối với Quảng Nam có 2 chương trình hết sức quan trọng đó là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững. Đây là những chương trình mang tính chất cơ bản, toàn diện và có tính đột phá, phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành những tỉnh khá của cả nước như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã đề ra”.

HUỲNH BẢY (ghi)

- Ông Võ Xuân Ca: Song hành cùng lịch sử dân tộc, tại Quảng Nam sự ra đời và phát triển của Mặt trận Dân tộc thống nhất gắn liền với tiến trình lịch sử vẻ vang 85 năm thành lập và phát triển của Đảng bộ tỉnh kể từ ngày 28.3.1930. Sau khi cùng với toàn Đảng, toàn dân thực hiện thành công cuộc đấu tranh giành độc lập, trong 40 năm sau ngày giải phóng, đặc biệt là sau 18 năm tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở với những hoạt động phong phú, thiết thực. MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; tích cực hưởng ứng các cuộc vận động lớn do MTTQ Việt Nam phát động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các phong trào thi đua yêu nước của địa phương với nội dung phong phú, toàn diện, thiết thực góp phần quan trọng phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng; từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

- PV: Ông có thể nói rõ hơn về ý nghĩa của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ?

- Ông Võ Xuân Ca: Bước vào thời kỳ mới, vai trò có khác đi cho nên Mặt trận khởi xướng các phong trào, đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” 20 năm qua. Đó cũng là sự kế thừa tư tưởng của Bác Hồ. Năm 1947, trong hoàn cảnh vừa kháng chiến vừa kiến quốc, Bác Hồ đã khởi xướng phong trào xây dựng đời sống mới với trọng tâm là xây dựng đạo đức mới, lối sống mới và nếp sống mới. Chính sự khởi xướng lối sống mới đã tạo động lực cho cuộc kháng chiến kiến quốc thành công. Năm 1995, MTTQ Việt Nam đã kế thừa tư tưởng đó nên khởi xướng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Lúc đó đất nước đổi mới đã đạt được nhiều thành quả quan trọng nhưng ở chừng mực nào đó về đời sống văn hóa là chưa theo kịp đà đổi mới của đất nước, do đó sự khởi xướng này là rất kịp thời. Có thể nói 20 năm qua, cuộc vận động đã đạt nhiều kết quả, đi vào thực chất, góp phần cố kết cộng đồng, bảo tồn giá trị văn hóa, làm cho tinh thần cộng đồng ở mỗi làng xã ngày càng gắn bó.

- PV: Theo ông, trong giai đoạn mới, cán bộ Mặt trận cần làm gì để đáp ứng với những yêu cầu, nhiệm vụ?

- Ông Võ Xuân Ca: Cán bộ Mặt trận trước hết phải thực sự là người gần gũi, gắn bó với quần chúng nhân dân, không nên hành chính hóa. Nếu làm Mặt trận mà chỉ ở cơ quan không chịu đi xuống dân thì tôi nghĩ không hiệu quả. Do đó, tôi mong muốn rằng các đồng chí Chủ tịch Mặt trận cấp huyện, xã phải tăng cường tinh thần, trách nhiệm hơn nữa, từ chủ tịch, phó chủ tịch, ban thường trực Mặt trận các cấp đến trưởng ban công tác Mặt trận cần bám sát các chương trình của Mặt trận để tổ chức triển khai có hiệu quả; tích cực làm tốt việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực sự là cơ sở chính trị của chính quyền. Tôi cũng mong muốn rằng các đồng chí lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền phải chăm lo hơn nữa đến công tác Mặt trận và hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là trong xây dựng đội ngũ cán bộ. Đồng thời tạo điều kiện kinh phí, vật chất khác cho Mặt trận hoạt động tốt.

VINH ANH

VINH ANH