Hết lòng vì nhân dân
Hôm nay 17.11, nhân Lễ kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức biểu dương 85 gương Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Phóng viên Báo Quảng Nam giới thiệu vài gương mặt tiêu biểu...
Ông Phan Tấn Hùng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường An Xuân (Tam Kỳ) trong chuyến công tác từ thiện tại miền núi. Ảnh: nhận vật cung cấp |
1. Đã là năm thứ 12 làm công tác Mặt trận phường An Xuân (TP.Tam Kỳ), ông Phan Tấn Hùng luôn giữ ngọn lửa đam mê với công việc. Sau khi trải qua hàng loạt cương vị như Bí thư Đoàn thanh niên, quyền Chủ tịch UBND, Phó Bí thư Đảng ủy phường…, đến năm 2003 ông Hùng được phân công làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường cho đến nay. Hiện ông vừa là Trưởng khối Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Từ thiện phường An Xuân. Nhiều năm trên cương vị Chủ tịch Mặt trận, ông là một cán bộ gần gũi với nhân dân trên địa bàn. Khi gặp gỡ, trao đổi với ông, tôi có hỏi vì sao ông gắn bó với công tác Mặt trận trong thời gian khá lâu như vậy. Ông Hùng chỉ cười bảo “làm mặt trận khoái lắm!”. Ông chia sẻ: “Cái “khoái” của người làm mặt trận là được gần dân, được hòa cùng với quần chúng nhân dân”.
Tìm được niềm vui trong công việc, hơn 10 năm qua, ông Hùng luôn nỗ lực hết mình vì công tác Mặt trận. Ông bảo: “Làm mặt trận là làm công tác vận động quần chúng. Muốn vận động tốt, phải có cách làm khoa học. Đặc biệt phải coi trọng thái độ khi tiếp xúc với dân, luôn tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và lắng nghe ý kiến nhân dân, từ đó mới đề ra phương pháp, hình thức vận động phù hợp”. Vì vậy, bản thân ông thường xuyên đi cơ sở để giải quyết công việc đạt hiệu quả. Sự tích cực, nhiệt huyết của ông góp phần cho sự thành công của công tác Mặt trận phường An Xuân. Những phong trào lớn, nhỏ ở phường khi có sự tham gia của Mặt trận đều đạt kết quả tích cực, đặc biệt là các cuộc vận động, phong trào do Mặt trận thực hiện. Trong đó phải kể đến kết quả phối hợp giữa Mặt trận và Công an phường trong thực hiện phong trào “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên ý thức giữ gìn an ninh trật tự của nhân dân phường An Xuân được nâng lên rõ rệt, góp phần giảm thiểu tình hình tội phạm, trộm cắp trong từng khối phố. Bên cạnh đó, các phong trào “Ngày vì người nghèo”, vệ sinh môi trường, xây dựng tuyến phố văn minh, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”… đã đạt những kết quả tích cực. Bản thân ông Hùng nhiều lần được trung ương, tỉnh, thành phố khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận.
2. Gắn bó gần 12 năm với công tác Mặt trận, ông Lê Văn Bảy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Dương (Thăng Bình) luôn trăn trở làm sao để mang lại lợi ích cho nhân dân. “Là cán bộ, dù ở cương vị nào cũng cần suy nghĩ phải làm gì để đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân. Như vậy mới xứng đáng với vai trò, trách nhiệm mà nhân dân đã giao phó. Với người làm Mặt trận còn phải có cái tâm, sự nhiệt huyết và lòng tin ở nhân dân, làm tốt vai trò “cầu nối” giữa Đảng với dân” - ông Bảy nói.
Bình Dương là địa phương có vị trí khá đặc biệt khi vừa giáp sông lại vừa giáp biển, đất đai chủ yếu là cát trắng nên điều kiện canh tác, gieo trồng gặp khó khăn. Trong chiến tranh, vùng đất này thường xuyên chịu bom đạn cày xới, địch đổ quân càn quét, khiến cho số lượng người dân bị thương tật khá lớn. Xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình, nhiều năm qua Mặt trận xã đã cùng với toàn bộ hệ thống chính trị tập trung thực hiện nhiều biện pháp để giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đến năm 2005, Bình Dương đã xóa xong nhà tạm bợ, tranh tre dột nát. Theo báo cáo, từ năm 2008 đến nay, từ nguồn vận động Quỹ vì người nghèo, Mặt trận xã đã hỗ trợ xây dựng 18 nhà đại đoàn kết và giúp đỡ người nghèo bằng nhiều hình thức khác nhau. Riêng năm 2015, Mặt trận xã đã vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ 10 con bò cho các hộ nghèo với tổng trị giá 144 triệu đồng.
3. Ông Trần Duy Năm - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) là người đã vận dụng nhiều cách làm hiệu quả trong cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Kết quả 2 năm (2014 và 2015) thực hiện cuộc vận động đã thể hiện điều đó. Với 13 khu dân cư, 4.532 hộ và gần 20 nghìn nhân khẩu, phường Điện Ngọc được xem là địa phương cấp xã có số hộ, nhân khẩu lớn nhất tỉnh. Trước năm 2014, so với mặt bằng chung của toàn Điện Bàn, tỷ lệ hộ nghèo của Điện Ngọc vẫn còn hơn 5%. Không chấp nhận thực trạng đó khi Điện Ngọc đã lên đô thị, toàn bộ hệ thống chính trị của phường nỗ lực thực hiện các biện pháp giảm nghèo. Trong đó, Mặt trận phường có sự đóng góp quan trọng khi thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, tham gia kêu gọi, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội cùng chung tay giảm nghèo. Để cuộc vận động đi vào thực chất, hiệu quả, ông Năm đã cùng với Mặt trận phường làm tốt “cầu nối” giữa cộng đồng xã hội với người nghèo; nắm rõ điều kiện, nhu cầu của người nghèo qua đó giới thiệu cho các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng. Từ năm 2015 đến nay, Mặt trận phường đã xây dựng 9 nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng, tặng 20 con bò, 60 con heo giống, 11 xe đạp và hơn 1.000 suất quà cho người nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, Mặt trận phường thực hiện có hiệu quả các phong trào phát động nhân dân thu gom rác thải, xây dựng đô thị văn minh, tổ chức tốt các diễn đàn góp ý của nhân dân… Có được những kết quả trên, ông Năm chia sẻ: “Phải luôn xem Mặt trận là tổ chức của dân, gắn bó với dân và bám sát nguyện vọng nhân dân, từ đó người làm Mặt trận mới nỗ lực hết mình vì nhân dân”.
ANH ĐÔNG