Ngày mới ở Phú Bình
Hôm qua 15.11, thôn Phú Bình (xã Quế Xuân 2, Quế Sơn) tổ chức lễ kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (18.11.1930 - 18.11.2015) và tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân. Năm qua, Phú Bình đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên hành trình xây dựng quê hương.
Phú Bình là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Quế Sơn. Trải qua 2 cuộc kháng chiến, toàn thôn Phú Bình có 185 liệt sĩ, 40 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 170 gia đình có công cách mạng. Năm 2015 Phú Bình có 97% số hộ được công nhận gia đình văn hóa; 10 năm liền được công nhận Thôn văn hóa cấp tỉnh; thu nhập bình quân đầu người hơn 26 triệu đồng.
Nỗ lực phát triển kinh tế hộ
Thôn Phú Bình có 5 tổ đoàn kết, 303 hộ dân với 1.015 nhân khẩu, người dân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp. Ông Lê Nho Chín - Trưởng ban Dân chính thôn cho biết, Phú Bình hiện có 49ha đất canh tác lúa, tất cả đều chủ động nước tưới nhờ hệ thống kênh chính Bắc Phú Ninh và đập Bầu Gia. Ông Chín nói: “Nhờ tích cực vận động, đến năm 2012 toàn bộ diện tích đất lúa của thôn đều hoàn thành khâu dồn điền đổi thửa, trước đây diện tích mỗi thửa 250 - 500m2 nay tăng lên 500 - 1.500m2. Nhờ nỗ lực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa nhiều loại giống mới có chất lượng vào gieo sạ đại trà nên năng suất lúa tăng đáng kể, từ 59 tạ/ha (năm 2009) nay đạt 65 tạ/ha. Toàn thôn hiện có 5 máy cày loại vừa và lớn cùng 5 máy gặt đập liên hợp, đảm bảo tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch đạt 97%, tăng 52% so với cách đây 5 năm”. Ngoài cây lúa, những năm qua nhân dân trong thôn cũng mạnh dạn thực hiện các mô hình chuyên canh, xen canh, luân canh nhiều loại rau đậu và cây trồng cạn chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm, với 16ha đất màu, nông dân Phú Bình thu về ít nhất 1,3 tỷ đồng.
Nhân dân thôn Phú Bình sôi nổi tham gia các trò chơi dân gian trong phần hội. Ảnh: VĂN SỰ |
Cùng với trồng trọt, thời gian qua người dân Phú Bình cũng đặc biệt chú trọng phát triển lĩnh vực chăn nuôi gia súc theo hình thức gia trại. Ông Lưu Văn Hai - Phó ban Dân chính thôn cho hay, tính đến giữa tháng 11.2015 toàn thôn đã hình thành hơn 15 gia trại chăn nuôi heo với quy mô từ 50 con heo siêu nạc trở lên và 10 gia trại chăn nuôi bò với số lượng thả nuôi 5 - 10 con/mô hình. Theo ông Hai, bình quân hàng năm mỗi gia trại chăn nuôi heo và bò cho mức lãi ròng 50 - 100 triệu đồng, tiêu biểu như các hộ Lê Thị Nguyện, Lưu Quốc Sơn, Thái Hai, Lê Thị Bảy. Ông Hai chia sẻ: “Tổng đàn gia súc của thôn hiện có gần 1.400 con, trong đó đàn heo chiếm 80%. Những năm qua, nhờ thực hiện tốt công tác phòng dịch nên ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, giúp rất nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, nhờ phần lớn các hộ dân chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, nhất là xây dựng hầm khí biogas nên hạn chế tình trạng ô nhiễm ở khu dân cư, góp phần thực hiện hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới”.
Quê nghèo khởi sắc
Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, 5 năm trở lại đây, nhân dân thôn Phú Bình chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh. Những năm qua ở thôn Phú Bình có hơn 100 hộ dân tự nguyện hiến 4.500m2 đất với tổng trị giá 120 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn. Bà Lê Thị Kim Thu - người dân địa phương cho biết, khi thôn thi công tuyến đường giao thông nông thôn ở tổ đoàn kết số 3, gia đình bà đã tự nguyện hiến 40m2 đất vườn và chặt phá cây cối để làm đường. “Gia đình tôi xung phong hiến đất mở đường cũng vì mong muốn góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho con em đi học, nhân dân trong vùng giao lưu, buôn bán, vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn” - bà Thu chia sẻ.
Đến dự và chia vui cùng cán bộ, nhân dân thôn Phú Bình trong ngày hội đại đoàn kết, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Chín chúc mừng, đánh giá cao những kết quả Phú Bình đạt được, nhất là trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời mong muốn, trong thời gian đến nhân dân địa phương tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, đẩy lùi tệ nạn xã hội để Phú Bình luôn là điểm sáng trong mọi hoạt động, phong trào ở cơ sở. |
Theo ông Lê Nho Chín, ngoài 500m trục đường liên xã được kiên cố hóa, toàn bộ 6km đường liên thôn, liên xóm của Phú Bình cũng đã được đổ bê tông với tổng kinh phí đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 50%. Ngoài ra, cách đây 3 năm, nhân dân trong thôn đã đóng góp gần 200 triệu đồng, 1.000 ngày công lao động để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng và san nền khu thể thao - văn hóa trên diện tích 1.500m2. Bên cạnh đó, cán bộ và nhân dân địa phương cũng cùng góp công, góp của xây dựng mới 5 cổng chào tại các tổ đoàn kết. Mới đây, mỗi hộ dân còn xung phong góp 250 nghìn đồng kéo 2,5km đường dây điện, lắp đặt cả trăm bóng đèn dọc các trục đường liên xóm, liên thôn nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại và đảm bảo an ninh trật tự vào ban đêm…
Sáng 15.11, dạo khắp thôn Phú Bình, đâu cũng thấy những ngôi nhà kiên cố khang trang. Dọc các trục đường là sắc màu của cờ, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận. Trong ngày, ngoài phần lễ ôn lại truyền thống vẻ vang của Mặt trận qua các thời kỳ, Ban công tác Mặt trận thôn Phú Bình còn tổ chức phần hội với nhiều trò chơi dân gian như đập om đất, đá bóng, bịt mắt bắt vịt… tạo không khí sôi nổi và thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm. Sau phần hội, nhân dân trên địa bàn cùng tham dự bữa cơm đoàn kết ấm cúng.
NGUYỄN SỰ