Bài học từ Tam Ngọc

CÔNG TÚ 13/11/2015 11:07

(QNO) - Nhìn từ xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ), không ít bài học nóng hổi cần được các địa phương nghiêm túc rút ra để đưa công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi về đích an toàn.  

  • Tụ tập đông người đòi tăng giá đền bù
  • Khiếu nại bồi thường dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua TP.Tam Kỳ: Chính quyền cam kết giải quyết dứt điểm

Thiếu sâu sát

Được biết, TP.Tam Kỳ đã bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua địa phương mình cho chủ đầu tư (Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC) được gần 2 năm. Vì vậy, thời gian qua các cuộc họp hay làm việc, kiểm tra thực địa về tồn tại bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho dự án do UBND tỉnh triệu tập hoặc địa phương đề xuất đều không có thành phố tham dự. Có lần, một vị lãnh đạo thuộc đơn vị đại diện chủ đầu tư VEC là Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho rằng, Tam Kỳ xứng đáng là hình mẫu về GPMB của Quảng Nam. Thế nhưng, sự việc người dân tụ tập đông người khiếu kiện về vấn đề bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại xã Tam Ngọc lại trở thành "điểm nóng" vừa qua là điều bất ngờ.

Địa điểm thi công đường cao tốc qua xã Tam Ngọc.
Địa điểm thi công đường cao tốc qua xã Tam Ngọc.

Về vấn đề trên, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Tam Kỳ, đơn vị trực tiếp đảm đương nhiệm vụ GPMB dự án cao tốc cũng đã thừa nhận giải quyết quyền lợi cho một số hộ dân còn chậm và thiếu sót. Bà con dần cạn niềm tin vào lời hứa của cán bộ chung quanh việc kéo dài thời gian chi trả các khoản tiền thưởng. Chính lãnh đạo TP.Tam Kỳ khẳng định, UBND xã Tam Ngọc và các cơ quan chức năng còn chậm trong việc thẩm định, xét duyệt một số hồ sơ do nguồn gốc đất phức tạp, đã gây bức xúc nơi người dân. Trong khi đó, cán bộ trung tâm khi đưa văn bản để bà con ký nhận tiền nhưng có trường hợp thiếu thủ tục hồ sơ đóng dấu đỏ của cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo tính pháp lý, dẫn đến nghi ngờ đáng tiếc. Ngoài ra, một bộ phận người dân chưa hiểu rõ giữa số tiền áp giá bồi thường chênh lệch giữa đất ở nông thôn, đất vườn ao theo Quyết định số 3960/QĐ-UBND ngày 4.12.2012 của UBND tỉnh; cấp cơ sở còn chưa sâu sát trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để có hướng dẫn khiếu nại, khiếu kiện phù hợp.    

Nhiều bài học

Tương tự vấn đề ở Tam Ngọc, nhiều người dân trong diện GPMB tại Điện Bàn vẫn còn "vướng" việc áp giá. Họ viện dẫn Quyết định số 3960/QĐ-UBND về phê duyệt đơn giá thay thế áp dụng thực hiện công tác bồi thường GPMB dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua huyện Điện Bàn (nay là thị xã) và TP.Tam Kỳ để chứng minh đất vườn ao, đất ở nông thôn quy định trong văn bản trên là 84 nghìn đồng/m2, thay vì 44 nghìn đồng/m2 như quy định. Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn Lê Thương khẳng định người dân đã nhầm lẫn đáng tiếc. Điều 1, Quyết định số 3960/QĐ-UBND quy định rõ ràng, đất ở nông thôn và đất vườn ao đền bù theo đơn giá thay thế áp dụng cho dự án cao tốc. Cũng ở điều 1, đơn giá đất nông nghiệp được ghi “Thống nhất đơn giá thay thế đất nông nghiệp áp dụng theo đơn giá đất nông nghiệp được quy định trong bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh ban hành và công bố hằng năm”. Thế nào là đất ở, đất vườn ao thì đều được thể hiện rõ ràng tại điều 12, Quyết định số 23/2010/QĐ-UBND ngày 30.9.2010 của UBND tỉnh.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, ông Nguyễn Tiến Thành cho rằng, do khâu giải quyết chưa kịp thời và để quá lâu dẫn đến sự phản ứng đáng tiếc của người dân. Thời gian qua, lãnh đạo Quảng Nam nói chung và các huyện, thị xã, thành phố nói riêng rất tâm huyết và trách nhiệm trong triển khai GPMB cho dự án. Hy vọng rằng, một số ách tắc ở cấp cơ sở sẽ sớm được tháo gỡ, tránh xảy ra "điểm nóng" không đáng. Về phía người dân nếu thấy việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án cao tốc chưa thỏa đáng thì nên gửi đơn khiếu nại, khiếu kiện lên cấp có thẩm quyền, thậm chí đâm đơn ra tòa để được giải quyết thỏa đáng.

Điện Bàn là địa phương làm nhanh GPMB diện tích đất nông nghiệp với số lượng lớn liên quan đến 3 xã, trải dài trên 12,235km. Có được kết quả trên là do thị xã đã triển khai nhiều cách làm phù hợp. Ông Lê Thương cho hay, trước khi tiến hành GPMB, đơn vị và địa phương tổ chức họp dân công bố chủ trương và giải đáp chế độ chính sách có liên quan. Phần nào bà con chưa rõ vì sao bồi thường, hỗ trợ thì giải thích ngay cho họ hiểu. Ở thị xã Điện Bàn, đất lúa nằm vị trí 1 thì đền bù 48 nghìn đồng/m2. Theo điều 29, Quyết định số 23/2010/QĐ-UBND hay sau này là Quyết định số 14/2013/QĐ-UBND, người dân được hỗ trợ thêm gấp 3 lần số tiền bồi thường nhằm ổn định đời sống và sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp. Tổng cộng, một mét vuông họ nhận 192 nghìn đồng. Tiền thưởng cũng chi trả nhanh chóng. Tại huyện Thăng Bình, rút kinh nghiệm từ giải phóng mặt bằng quốc lộ 1, địa phương rà soát, củng cố kỹ lưỡng hồ sơ từng hộ. Sau nhiều lần đối thoại, vận động mà người dân chưa đồng thuận, ngoài trường hợp phải tham mưu cưỡng chế, bảo vệ thi công, hộ nào muốn kiện ra tòa thì đơn vị thực hiện GPMB cũng tận tình hướng dẫn nhằm tránh chuyện cản trở gây phản cảm.

CÔNG TÚ       

CÔNG TÚ