Giảm lây nhiễm HIV từ cai nghiện ma túy
Xác định người nghiện ma túy là một trong những đối tượng nguy cơ cao lây nhiễm HIV trong cộng đồng, thời gian qua Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã tập trung triển khai chương trình điều trị cai nghiện ma túy bằng thuốc methadone. Hiệu quả từ chương trình này là giải pháp tối ưu cho người cai nghiện ma túy, đồng thời góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Hiệu quả cao
Đầu giờ sáng, rất đông người đến Cơ sở điều trị methadone Tam Kỳ (thuộc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Quảng Nam) để uống thuốc theo liệu trình chỉ định của bác sĩ về cai nghiện ma túy. Số người mới được các bác sĩ ở đây tiến hành tư vấn theo nhóm trong thời gian 3 ngày, sau đó họ được tư vấn riêng cũng trong thời gian 3 ngày tiếp theo. Việc này nhằm đảm bảo rằng người nghiện ma túy quyết tâm cao để cai nghiện, giảm thiểu trường hợp bỏ nửa chừng. Theo các bác sĩ, điều đáng mừng là số lượng người đến trung tâm để được tư vấn, điều trị ngày càng tăng. Điều này không có nghĩa là số lượng người nghiện ma túy tăng lên, mà do hiệu quả từ methadone đã xác lập được niềm tin cho người quyết tâm cai nghiện.
Là người nghiện ma túy lâu năm, những lúc tỉnh táo, anh N.V.H. (huyện Đông Giang) luôn cảm thấy day dứt vì con đường nghiện ngập của mình. Vì vướng vào mà túy khiến gia đình H. trở nên kiệt quệ về kinh tế, rạn nứt về tình cảm. Và nỗi lo sợ lớn nhất của anh H. là nhiễm HIV từ các “bạn nghiện” khi không thể làm chủ bản thân trong những lần lên cơn. Sau nhiều lần cai nghiện không thành, nghe tin liệu pháp cai nghiện bằng methadone mang lại hiệu quả cao nên anh H. đã từ Đông Giang xuống TP.Tam Kỳ để được tư vấn. “Tôi đã lầm lỡ rồi, giờ muốn sống, muốn làm lại từ đầu thì chỉ có cách cai nghiện. Không cai được nghiện, sớm muộn gì mình cũng sẽ bị nhiễm HIV, lúc đó càng gây thêm đau khổ cho gia đình, người thân” - anh H. tâm sự.
Người nghiện ma túy được tư vấn, hỗ trợ cai nghiện tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh. Ảnh: T.C |
Bác sĩ Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Quảng Nam cho biết, hỗ trợ cai nghiện bằng methadone là một trong những mục tiêu trọng tâm nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV. Bởi đây là một trOng những nguyên nhân chủ yếu có thể làm gia tăng số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch ban đầu, cơ sở điều trị methadone tại Tam Kỳ sẽ tư vấn, điều trị cho 200 người, tuy nhiên, sau gần một năm hoạt động, đã có gần 300 người được tiếp cận chương trình điều trị cai nghiện bằng phương thức này. Bác sĩ Kiệm giải thích, methadone là một chất dạng thuốc phiện tổng hợp, nhưng không gây nên các kích thích, hưng phấn như ma túy, heroin… Khi dùng methadone, người nghiện không còn vật vã trong những lúc “thèm thuốc”. “Methadone dùng bằng cách uống nên không lo lây nhiễm HIV. Sau khi uống xong, họ trở về nhà và có thể lao động bình thường. Rất nhiều người đã cai nghiện thành công, sức khỏe hồi phục. Trong các đợt xét nghiệm định kỳ cho nhóm đối tượng này, ngoại trừ người đã nhiễm HIV trước khi tham gia điều trị, tuyệt đối không phát sinh thêm ca nhiễm mới HIV nào” - bác sĩ Kiệm cho biết.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Trước hiệu quả từ chương trình này, cuối tuần qua Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Quảng Nam đã đưa vào hoạt động Cơ sở điều trị methadone Tiên Phước. Chỉ mới qua 2 ngày cuối tuần, nhưng cơ sở đã thu nhiều tín hiệu lạc quan khi được chính quyền huyện Tiên Phước quan tâm hỗ trợ hoạt động, nhiều người nghiện ma túy đến tìm hiểu liệu pháp điều trị. Đây sẽ là bệ phóng để trung tâm tiếp tục mở thêm nhiều cơ sở khác trên toàn tỉnh, hướng đến mục tiêu giúp người nghiện ma túy dễ dàng tiếp cận với chương trình cai nghiện bằng methadone, từ đó góp phần vào mục tiêu giảm thiểu số người nhiễm HIV/AIDS do nghiện ma túy.
Theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Quảng Nam, 9 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh phát hiện mới 30 trường hợp nhiễm HIV; 7 trường hợp chuyển sang bệnh AIDS; 6 trường hợp tử vong do AIDS. Tỷ lệ này đều giảm so với cùng kỳ năm 2014. Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2015 sẽ tiếp tục hướng đến mục tiêu chiến lược “90 - 90 - 90” của Liên hiệp quốc. Theo đó, đến năm 2020 có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người nhiễm HIV được điều trị ARV (trước đây điều trị ARV chỉ áp dụng cho những người bị HIV nặng); 90% số người điều trị bằng ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp nhất để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây HIV cho người khác. |
Song song với việc triển khai điều trị cai nghiện bằng methadone, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS còn phối hợp với chính quyền, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS nói chung, chương trình cai nghiện bằng methadone nói riêng xuống tận các thôn, xã. Bác sĩ Trần Văn Kiệm khẳng định, công tác tuyên truyền có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống HIV/AIDS, đồng thời người nghiện ma túy cũng sẽ tự giác đến cơ sở cai nghiện. Để xóa tâm lý “bị kỳ thị”, việc tuyên truyền cho các đối tượng này được triển khai dưới nhiều hình thức riêng, phù hợp với họ. Về công tác tuyên truyền cai nghiện bằng methadone, bác sĩ Trần Văn Kiệm nói thêm: “Hiện tại, kênh tuyên truyền hữu hiệu nhất mà chúng tôi đang áp dụng là 6 “tuyên truyền viên đặc biệt” - những người đã cai nghiện ma túy thành công bằng chương trình này. Họ chính là người hiểu, nắm bắt được tâm lý người nghiện, đồng thời là tấm gương để người nghiện noi theo. Tuy nhiên, vì điều kiện kinh phí hỗ trợ còn hạn hẹp nên đội ngũ này mới chỉ dừng lại ở 6 người. Nếu được hỗ trợ, nhân rộng thì mô hình này sẽ mang lại hiệu quả rất cao”.
Chia sẻ về công tác phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt là các hoạt động đẩy mạnh cai nghiện ma túy và tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS trong cộng đồng, ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống AIDS tỉnh cho biết, thời gian tới ngành y tế sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2015. “Theo kế hoạch của cơ quan thường trực phòng chống AIDS, lần lượt tỉnh, các huyện, thành phố sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo và giám sát các hoạt động nhằm hưởng ứng Tháng hành động phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, đơn vị. Những hoạt động này hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS, nâng cao nhận thức, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị” - ông Hai nói.
THÀNH CÔNG - XUÂN THỌ