Hết lòng với phong trào võ thuật
Lặng lẽ gầy dựng phong trào võ thuật ở vùng trung du, Câu lạc bộ (CLB) Võ cổ truyền Hiệp Đức của võ sư Phan Phước Hoài (SN 1962) đã tạo chỗ đứng vững chắc trong làng võ thuật Quảng Nam.
Vận vào nghiệp võ
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có cha là nhà nho dạy học, làm thuốc và luyện võ tại thôn Phước Đức, xã Quế Châu, Quế Sơn nên từ nhỏ Phan Phước Hoài đã có niềm đam mê võ học. Cha mất sớm, theo gợi ý của mẹ, ông cùng anh trai vào đất võ Bình Định để học võ và học văn hóa. Sau hai năm miệt mài luyện tập, năm 1980 ông nhập ngũ và làm nhiệm vụ ở chiến trường Campuchia. Ròng rã 5 năm nơi chiến trường ác liệt ông trở về và được công nhận thương binh hạng 4/4. Trở lại vùng quê nghèo Quế Sơn, cái đói khổ thời bao cấp không ngăn được tình yêu của ông với võ thuật. Và duyên nợ đã đưa ông đến với thầy Trương Văn Phận, một thầy võ nổi tiếng của vùng. Nhưng cũng phải sau 10 lần xin theo học ông mới chính thức được nhập môn để tiếp tục thỏa mãn niềm khát khao với nghiệp võ của mình.
Võ sư Phan Phước Hoài cùng các học trò nhỏ. Ảnh: M.T |
Thời gian này tại dốc Núi Vàng (Quế Cường, Quế Sơn) thường diễn ra nạn trấn lột người đi đường. Với trách nhiệm người lính và tinh thần thượng võ, ông chọn nơi hẻo lánh này dựng lều sửa xe đạp, xe máy vừa tìm kế mưu sinh nhưng cũng để giúp người bị nạn. Từ khi có ông, người qua đường dần yên tâm và bọn trấn lột cũng lánh đi nơi khác. Năm 1992 ông tiếp quản lò võ của thầy và tiếp tục duy trì hoạt động phát triển. Những năm tiếp theo, mỗi khi tích cóp đủ tiền, ông lại dẫn học trò đến các giải đấu trong và ngoài tỉnh để cọ xát, rút kinh nghiệm. Năm 2009, khi Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cho phép tổ chức thi đấu đối kháng trên sàn đài, võ sư Phan Phước Hoài quyết định đóng một sàn đài thi đấu trị giá gần 30 triệu đồng của hai vợ chồng dành dụm, trở thành sàn đài thi đấu đối kháng võ cổ truyền đúng chuẩn đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Từ khi dựng đài thi đấu, sàn đài của ông đã được nhiều nơi mượn về để tổ chức các trận đấu võ ở địa phương như giải Tứ hùng ở Hội An (8.2010); giải các CLB mở rộng tại Điện Phong, Điện Bàn (7.2011); giải xuân Nhâm Thìn tại Tam Kỳ (1.2012); giải Vô địch võ cổ truyền tỉnh Quảng Nam (8.2012) ở Đại Lộc, giải các CLB huyện Điện Bàn (6.2013)…
Hết lòng với võ thuật
Dịp tết 2015 vừa qua, giải đấu võ đài do CLB của võ sư Phan Phước Hoài tổ chức đã gây tiếng vang lớn khi ông cho mời thành viên nhiều câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh về Hiệp Đức đấu giao lưu để nâng cao kỹ thuật chuyên môn, mang lại không khí sôi động cho phong trào võ thuật huyện nhà. Nhận xét về Phan Phước Hoài, ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Trưởng phòng VHTT Hiệp Đức chia sẻ. “Anh Hoài là một hạt nhân tiêu biểu của thể thao phong trào huyện, từ CLB của anh nhiều vận động viên đã trưởng thành và đóng góp rất lớn cho phong trào võ thuật Hiệp Đức cũng như đóng vai trò nòng cốt trong các đội tuyển võ thuật huyện thi đấu tại các giải võ thuật do tỉnh tổ chức. Vì vậy huyện luôn tạo điều kiện tối đa để CLB Võ thuật cổ truyền Hiệp Đức luyện tập, thi đấu với các CLB và địa phương khác”. Gắn bó với võ thuật và xem võ thuật là nguồn năng lượng sống, võ sư Phan Phước Hoài vẫn ngày ngày miệt mài với tình yêu dành cho bộ môn võ thuật. Với tư cách là một thầy giáo của Trường THCS Lý Thường Kiệt, võ sư Phan Phước Hoài không chỉ dạy võ mà ông còn dạy cho các em đạo đức, lẽ sống ở đời. Tấm lòng của ông được nhiều người dân vùng quê Hiệp Đức nhớ đến như tấm gương sáng cho tinh thần thượng võ; chịu thương chịu khó, luôn sống chan hòa, luôn giúp đỡ mọi người hết lòng.
Với những cố gắng, nỗ lực miệt mài đến nay CLB Võ cổ truyền Hiệp Đức của võ sư Phan Phước Hoài đã đào tạo ra hàng nghìn võ sinh, trong đó có 1 võ sư, 23 huấn luyện viên, 2 trọng tài cấp quốc gia. Gần đây nhất có thể kể đến những cái tên như Hồ Văn Huy, HCV giải toàn tỉnh các năm 2013, 2014; Huỳnh Thị Lài HCB giải vô địch toàn tỉnh 2014; Dương Quốc Cường, HLV do Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam cấp; Nguyễn Văn Hạnh, trọng tài quốc gia…. Ngoài ra, CLB cũng tham gia xuyên suốt các giải võ cổ truyền, Pencak Silat do tỉnh tổ chức từ năm 1995 đến nay, đạt gần 70 huy chương các loại. Ông Nguyễn Thanh - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ thể thao (Sở VH-TT&DL) cho rằng, rất ít ai có niềm đam mê võ thuật như võ sư Phan Phước Hoài. Đó không chỉ lòng tận tâm cống hiến hết mình với võ thuật mà thông qua uy tín và sự nhiệt tình của mình đã khơi dậy phong trào võ thuật ở địa phương phát triển. Những giải đấu do CLB Võ cổ truyền Hiệp Đức tổ chức luôn có chất lượng chuyên môn cao và thu hút được lượng lớn người dân đến xem cổ vũ tạo không khí thể thao địa phương luôn sôi nổi.
Khi nói về những việc làm của mình võ sư Phan Phước Hoài chỉ khiêm tốn nhận là người truyền cảm hứng cho những bạn trẻ đam mê võ thuật… “Thời xưa, mình tập luyện trong điều kiện khó khăn nên cũng có những hạn chế nhất định nhưng bây giờ thì mọi thứ tốt hơn nhiều nên tôi luôn cố gắng tìm những dụng cụ hỗ trợ tốt nhất để các em có cơ hội luyện tập bài bản. Tôi tin rằng với kinh nghiệm của mình tôi sẽ truyền cho các em sự nhiệt huyết và niềm đam mê võ thuật, võ đạo. Đó không chỉ là các thế võ, các bài quyền mà trên hết là đạo đức, lối sống của người học võ, luyện võ để sau này dù làm gì các em cũng sẽ trưởng thành hơn khi bước vào đời” - võ sư Phan Phước Hoài tâm sự.
M.THỨC – V.LỘC