Thi hùng biện pháp luật
Tham gia hội thi hùng biện “Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật” dành cho học sinh THCS TP.Tam Kỳ, các em học sinh không chỉ mang đến những câu chuyện sinh động, mà còn gửi gắm thông điệp pháp luật hết sức gần gũi, thiết thực.
“Hùng được sinh ra trong một gia đình có hai anh em trai, ba mất sớm, một mình mẹ vất vả nuôi anh em Hùng. Thương mẹ, Hùng xin đi bán báo sau giờ học để phụ giúp mẹ. Một ngày đi bán báo, Hùng nhặt được tiền của một bác mua báo, nhưng em đã không trả lại số tiền nhặt được mà mang về đưa cho mẹ đóng tiền học phí cho mình”. Đó là một phần nội dung câu chuyện hùng biện của Huỳnh Viết Nam, lớp 8/2 Trường THCS Lý Tự Trọng. Qua câu chuyện của mình, Nam muốn nhắc nhở các bạn rằng, hành động của Hùng trong câu chuyện không những sai trái về đạo lý mà còn vi phạm pháp luật. Căn cứ tại Khoản 1 Điều 241 Bộ luật Dân sự, khi nhặt được vật của người khác đánh rơi, nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi thì phải giao nộp cho UBND xã, phường hoặc cơ quan công an để thông báo công khai cho chủ sở hữu được biết.
Võ Lê Kỳ Duyên, lớp 8/2 Trường THCS Thái Phiên mang đến một câu chuyện khác. Duyên kể về cậu bé từ một học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ, vì nghe lời bạn bè rủ rê chơi game mà trở thành người trộm cắp, phải vào trại giáo dưỡng. Câu chuyện Duyên đưa ra, đâu đó trong xã hội có rất nhiều. Kỳ Duyên chia sẻ: “Thông qua câu chuyện của mình, em muốn mang đến cho các bạn thông điệp: chơi game để thư giãn, giải trí là việc làm không có gì xấu và sai trái, nhưng cần phải có chừng mực, điều độ, không nên say mê quá độ như bạn trong câu chuyện để rồi hối hận thì đã muộn”.
Dựa trên chủ đề về đạo đức, pháp luật trong chương trình sách giáo khoa hiện hành của môn Giáo dục công dân ở cấp THCS và các vấn đề về đạo đức, pháp luật trong đời sống xã hội, mỗi trường THCS có một học sinh đại diện thể hiện câu chuyện hùng biện của mình. Hội thi đã thu hút sự tham gia sôi nổi của các em học sinh và mang lại hiệu quả thiết thực. Ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng phòng GD-ĐT thành phố nói: “Thông qua các câu chuyện tình huống về đạo đức và pháp luật có liên hệ với thực tiễn, khơi dậy các giá trị tốt đẹp, bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng sống cho các em. Xây dựng hình mẫu học sinh thế hệ mới không chỉ thông minh, sáng tạo mà còn năng động, tự tin”. Bên cạnh mục đích giáo dục pháp luật cho học sinh, hội thi còn góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục trong nhà trường đối với công tác pháp chế. Qua đó, nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Ông Nguyễn Quốc Sử - Phó Trưởng phòng Tư pháp TP.Tam Kỳ chia sẻ: “Tuyên truyền pháp luật qua các cuộc thi hùng biện là cách làm mang tính hiệu quả cao. Mỗi phần thi được lồng ghép các quy định pháp luật cụ thể, từ đó các em dễ dàng tiếp cận và nắm bắt hơn. Hình thức tuyên truyền này trong thời gian tới chúng tôi sẽ nghiên cứu và phối hợp nhân rộng tại tất cả trường học trên địa bàn”.
ĐIỆN NGỌC - PHÚC NGUYÊN