Lẽ sống bình dị
Trong dòng đời hối hả, đôi khi ta lại bắt gặp những con người bình dị, cuộc sống còn muôn nỗi khó khăn, hàng ngày phải ngược xuôi trên con đường mưu sinh nhưng lại có tấm lòng nhân ái bao dung thật đáng trân trọng.
Đến ngã tư thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) vào bất cứ thời điểm nào chúng ta cũng bắt gặp nụ cười, ánh mắt thân thiện cùng những lời chào đón, hỏi han ân cần của các anh “xe ôm” khoác trên mình chiếc áo xanh màu da trời. Đó là những thành viên của “Đội xe ôm sơ cấp cứu” thị trấn Hà Lam. Đội xe ôm này ra đời cách đây chừng 15 năm, với hình thức ban đầu là “Đội xe ôm tự quản”. Cũng vì tính đặc thù của công việc nên thành viên “Đội xe ôm tự quản” hàng ngày phải bôn ba khắp nẻo đường trong vùng. Trên những bước đường mưu sinh, các anh trực tiếp chứng kiến và sẵn sàng ra tay cứu giúp những cảnh đời bất hạnh trong lúc hoạn nạn, số phận rủi ro, kém may mắn. Từ mỗi câu chuyện đời trên những chuyến đi được anh em trong đội chia sẻ với nhau lúc rảnh rỗi chờ đón khách đã hâm nóng trái tim nhân ái đầy thiện tâm. Và khi Hội Chữ thập đỏ thị trấn Hà Lam đến gặp “Đội xe ôm tự quản” đề đạt tâm ý thành lập “Đội xe ôm sơ cấp cứu”, như một cái duyên trùng hợp với những trăn trở nghĩ suy bấy lâu, mọi thành viên trong đội đều đồng tình hưởng ứng. Ngày 26.6.2014 “Đội xe ôm sơ cấp cứu” thị trấn Hà Lam chính thức ra mắt, gồm 34 thành viên.
Một số thành viên “Đội xe ôm sơ cấp cứu” thị trấn Hà Lam, Thăng Bình. Ảnh: B.T.L |
Anh Nguyễn Văn Minh - Đội trưởng “Đội xe ôm sơ cấp cứu” chia sẻ: “Khi thành lập đội xe sơ cấp cứu không chuyên này, tất cả thành viên xác định tư tưởng là dù bất cứ hoàn cảnh nào, điều kiện khó khăn ra sao, cũng phải cố gắng khắc phục để kịp thời vận chuyển người bị nạn, hành khách qua đường bị ốm đau đột xuất đi cấp cứu, không nghĩ đến chuyện thù lao, tiền bạc”. Với trách nhiệm đã nhận lúc thành lập, khi có tin báo tai nạn là có mặt ngay của các thành viên trong đội để kịp thời giúp đỡ người bị nạn. Có những vụ tai nạn giao thông xảy ra giữa đêm khuya mà người bị nạn đã tử vong, anh em trong đội phải chia nhau canh giữ hiện trường, bảo vệ thi thể nạn nhân trong lúc chờ cơ quan chức năng và thân nhân của người xấu số đến. Ngoài hỗ trợ sơ cấp cứu, chuyển cấp cứu người bị tai nạn giao thông, đội xe ôm còn có những hoạt động nhân đạo khác như giúp đỡ hành khách xuống xe bị lạc đường, lạc địa chỉ; giúp khách tìm lại tài sản, hành lý bị đánh rơi, thất lạc; tình nguyện đưa người có hoàn cảnh khó khăn không đủ tiền về quê… Anh Minh cho biết, từ khi thành lập đến nay, thành viên trong đội đã vận chuyển cấp cứu kịp thời 24 vụ tai nạn, ốm đau đến bệnh viện; nhặt và trả lại cho hành khách 9 điện thoại di động, 13 túi xách bị bỏ quên hoặc nhà xe bỏ nhầm, đặc biệt là vụ tìm kiếm hành lý cho một hành khách ở tỉnh Gia Lai xuống, trong đó có 1 điện thoại di động và 12 triệu đồng tiền mặt do hành khách xuống xe lấy nhầm túi…
Hỏi về những mong muốn trong thời gian tới, các anh cũng chẳng nhắc gì cho riêng mình: “Chúng tôi rất muốn được tập huấn các kỹ năng về sơ cấp cứu người bị nạn, được trang bị dụng cụ cứu thương để chăm sóc ban đầu tốt hơn cho nạn nhân”. |
Nói về cuộc sống mưu sinh và tình cảm của thành viên trong đội, các anh vui vẻ chia sẻ, ở đây anh em mỗi người một gia cảnh khác nhau, cuộc sống ai cũng khó khăn, chỉ mong làm sao gia đình ổn định, con cái đủ điều kiện để ăn học là may mắn lắm rồi. Từ khi thành lập “Đội xe ôm tự quản” rồi bây giờ là “Đội xe ôm sơ cấp cứu”, thành viên trong đội lúc nào cũng đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, nhắc nhở nhau chở khách an toàn và có trách nhiệm với khách, đó cũng chính là tạo hình ảnh đẹp về mảnh đất Hà Lam - Thăng Bình trong lòng người từ nơi khác đến. “Cùng hoàn cảnh với nhau nên anh em chúng tôi luôn lấy sự yêu thương, đùm bọc làm trọng. Những khi có thành viên ốm đau hay gặp hoạn nạn, toàn đội cùng chung tay góp sức để chia sẻ, giúp đỡ, động viên nhau kịp thời. Chúng tôi cũng đã tự xây dựng quỹ để mua sắm đồng phục trang bị cho anh em, rồi còn tổ chức họp mặt tổng kết khen thưởng cuối năm, tặng quà mỗi dịp tết đến xuân về” - anh Minh cho hay. Hỏi về những mong muốn trong thời gian tới, các anh cũng chẳng nhắc gì cho riêng mình: “Chúng tôi rất muốn được tập huấn các kỹ năng về sơ cấp cứu người bị nạn, được trang bị dụng cụ cứu thương để chăm sóc ban đầu tốt hơn cho nạn nhân”.
“Thương người như thể thương thân” đã trở thành phương châm hành động của “Đội xe ôm sơ cấp cứu” thị trấn Hà Lam. Hôm nay đến với thị trấn Hà Lam - Thăng Bình, ta không những cảm nhận được sự đổi thay cảnh sắc quê hương, mà ở đấy chúng ta còn nhận ra tấm lòng nhân ái, bao dung từ những con người rất đỗi bình dị. Bởi lẽ, họ luôn biết sẻ chia.
BÙI THẮNG LỢI