Lấp đất trái phép xuống sông Trường

NGUYỄN DƯƠNG 29/10/2015 10:09

Một doanh nghiệp đang thi công công trình đường Nam Quảng Nam đoạn chạy qua xã Trà Sơn, Trà Giang huyện Bắc Trà My đã tự ý thỏa thuận với người dân để san lấp mặt bằng trái phép.

Thỏa thuận với dân

Một khối lượng lớn đất thải từ việc thi công đường Nam Quảng Nam đã bị đổ xuống sông Trường đoạn đầu thôn 4 xã Trà Giang khiến cho người dân ở thượng nguồn cũng như chính quyền địa phương lo lắng bởi nó sẽ làm biến dạng dòng chảy, gây xói lở cho phía bờ bên kia của sông. Điều đáng nói, đơn vị này chỉ thỏa thuận với người dân chứ hoàn toàn không thông qua chính quyền địa phương.

“Khi phát hiện ra sự việc, chúng tôi đã lập tổ kiểm tra xem xét tình hình thì mới được biết họ đã có những thỏa thuận riêng với người dân để đổ đất ra sông Trường. Mục đích là bảo vệ con đường bê tông của thôn 4 xã Trà Giang. Nhưng như vậy là vi phạm pháp luật, làm biến dạng dòng chảy của dòng sông và mất đất sản xuất nông nghiệp của huyện…”- ông Nguyễn Nhuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết.

Ở phía đầu cầu sông Trường, Công ty TNHH MTV Hữu Hay đã đổ một khối lượng lớn đất đá xuống lấp sông. Ảnh: N.D
Ở phía đầu cầu sông Trường, Công ty TNHH MTV Hữu Hay đã đổ một khối lượng lớn đất đá xuống lấp sông. Ảnh: N.D

Theo biên bản làm việc của huyện Bắc Trà My, qua kiểm tra, tổ công tác đã phát hiện tại tổ Mậu Cà, thị trấn Trà My có việc Công ty TNHH MTV Hữu Hay kết nối với các hộ dân để đổ đất san lấp mặt bằng trái phép trên diện tích đất nông nghiệp. Qua làm việc, đại diện phía công ty không xuất trình được các giấy tờ liên quan về việc đổ đất san lấp mặt bằng được cấp có thẩm quyền cho phép. Tổ công tác cũng đã tiến hành kiểm tra các hộ dân tự ý thỏa thuận với doanh nghiệp. Tổng cộng có 8 hộ, trong đó 6 hộ san lấp mặt bằng trên diện tích đất trồng cây lâu năm, cây hàng năm trong cùng thửa đất có nhà ở và 2 hộ san lấp mặt bằng trên đất lúa.

“Thông thường, bất cứ một công trình lớn nhỏ nào cũng có kế hoạch xây dựng bãi thải tập trung đất đá, xà bần khi xây dựng công trình. Tuy nhiên, đối với Công ty Hữu Hay thì hoàn toàn không có”- ông Nguyễn Đức Xuân, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Bắc Trà My cho hay.

Cũng theo ông Xuân, ngay khi phát hiện sự việc, chính quyền huyện đã yêu cầu công ty chấm dứt mọi hoạt động vận chuyển đất thải để san lấp mặt bằng trái phép. Đồng thời yêu cầu công ty khắc phục hậu quả bằng việc múc số đất thải đã đổ ra lấp sông trường để khơi thông lại dòng chảy. “Tuy nhiên, cho đến nay họ chỉ mới làm được một nửa. Trong khi đó, họ lại tiếp tục thỏa thuận với những hộ dân khác tại xã Trà Dương để đổ đất. Lần này, họ đổ ở quy mô nhỏ lẻ. Những hộ nào có nhu cầu san lấp họ sẽ đổ. Điều đáng nói đấy đều là diện tích đất nông nghiệp…”- ông Xuân thông tin thêm.

Lấp sông, mất đất sản xuất

Ông Nguyễn Nhuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, huyện đã có buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Hữu Hay về các vấn đề liên quan, trong đó yêu cầu phía công ty dừng ngay tất cả hoạt động chở đất, san lấp mặt bằng trái phép, khắc phục những hậu quả mà công ty gây ra. “Riêng ở những nơi có hệ thống đường bê tông ở thôn 4 xã Trà Giang, chúng tôi chỉ cho phép công ty đổ một phần đất nhỏ, vừa không ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Trường, vừa có thể bảo vệ đường bê tông của thôn khi mùa mưa lũ đến, còn ngoài ra thì công ty phải đổ vào bãi thải của mình”- ông Nhuần cho hay.

Khối lượng đất ước chừng trên 30 nghìn khối được Công ty TNHH MTV Hữu Hay đổ xuống sông Trường khiến cho dòng sông bị chiếm đến phân nửa. Người dân ở phía thượng nguồn của sông Trường lo lắng: “Trước đây, mỗi mùa mưa lũ nước tràn lên rất cao, có năm vào đến nhà gần nửa mét. Giờ sông bị chặn phân nửa ở hạ du, khi nước đổ về, không thoát được thì sẽ dâng cao hơn phía thượng nguồn. Làm như vậy chẳng khác nào đẩy phần khổ về phía chúng tôi”- ông T.V.N, thôn 5, xã Trà Giang nói.

Cùng nỗi lo lắng, ông Nguyễn Đức Xuân, Trưởng phòng Tài nguyên – môi trường huyện cho rằng, nếu dòng sông Trường bị lấp sẽ ép dòng chảy về phía trung tâm huyện. Khi nước lũ về, do không tràn qua được phía bên kia thì sẽ tập trung về phía bên này. “Như vậy, toàn bộ cơ sở hạ tầng, công trình công cộng của huyện có thể bị xói lở bất cứ khi nào, rất nguy hiểm”- ông Xuân nói.

Đáng nói hơn, việc doanh nghiệp thỏa thuận với dân để đổ đất, san lấp mặt bằng trên diện tích đất nông nghiệp làm mất đi một diện tích không nhỏ đất nông nghiệp vốn không nhiều của huyện Bắc Trà My. Người dân thì đồng ý với doanh nghiệp, bởi họ muốn chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất để ở. “Họ cho rằng, với diện tích nhỏ đất nông nghiệp không mang lại năng suất cao nên muốn chuyển thành đất ở. Khi được đổ đất miễn phí họ đồng ý ngay và nói rằng cải tạo đất. Điều này không đúng. Nếu anh đổ đất hữu cơ thì mới gọi là cải tạo đất. Đằng này đổ đất sét lên thì sao có thể gọi là cải tạo đất được? Những hộ dân vi phạm sẽ bị xử lý…”- ông Xuân thông tin thêm.

NGUYỄN DƯƠNG

NGUYỄN DƯƠNG