Quản lý rủi ro thiên tai
Từ các chương trình tài trợ của những dự án phi chính phủ, cộng đồng dân cư đã tiếp cận, nhận thức và hành động đúng trong quản lý rủi ro thiên tai. Chính nhờ những tác động tích cực này mà thời gian gần đây, thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra ở Quảng Nam giảm rõ rệt.
Đầu tư nhận thức
Không dành vốn lớn xây dựng kiên cố các công trình với chức năng phòng chống bão lụt, 2 năm nay, các dự án nước ngoài hầu như tập trung vào các chương trình nâng cao nhận thức cho cộng đồng và giúp người dân chủ động ứng phó với thiên tai. Từ năm 2011 - 2015, Chính phủ Úc hướng đến đối tượng trẻ em, trường học ở các xã Duy Thu, Duy Tân, Duy Thành, Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Bình Minh, Bình Nam, Bình Hải (Thăng Bình) để đào tạo kỹ năng cơ bản về “sống chung với lũ lụt”. Tại 15 trường học ở các địa phương đã thành lập câu lạc bộ để giao lưu, trao đổi hiểu biết cần thiết về biến đổi khí hậu. Tổ chức Swim Việt Nam đã hỗ trợ tập huấn và dạy bơi cho giáo viên, học sinh các trường tiểu học thuộc 2 huyện Đại Lộc, Điện Bàn.
Sơ tán dân vào trú tránh tại Trường Đại học Quảng Nam trong cơn bão năm 2013. Ảnh: TR.HỮU |
Đặc biệt, thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh, dự án “Giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” triển khai tại các xã Đại Lãnh, Đại Hồng (Đại Lộc), Duy Thu, Duy Thành (Duy Xuyên), Điện Minh, Điện Thọ (Điện Bàn) đã thực sự giúp cho người khuyết tật có kỹ năng xoay xở khi xảy ra lũ lụt. Trong khuôn khổ dự án tầm nhìn thế giới, đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Phước Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Nông Sơn, Bắc Trà My, Đông Giang… cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống nhờ các hoạt động lồng ghép phát triển kinh tế nông nghiệp, y tế, giáo dục, chăm sóc và phát triển trẻ em, phát triển hạ tầng cơ sở, nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai. Ngoài ra, Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung còn tổ chức đào tạo kỹ năng phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn cho lực lượng xung kích các địa phương Đại Lộc, Điện Bàn, Nông Sơn, Duy Xuyên, TP.Hội An, Quế Sơn, Núi Thành. Ngành giáo dục ở một số địa phương ven biển chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai kịp thời các biện pháp phòng tránh đuối nước cho trẻ em, học sinh, sinh viên trong các nhà trường; tổ chức các lớp dạy bơi chính khóa và ngoại khóa; huy động các tổ chức chính trị, đoàn thể của nhà trường cùng tham gia, hạn chế tình trạng trẻ em bị tai nạn đuối nước…
Hiệu quả truyền thông
Từ cuối tháng 12.2014 đến nay, tổ chức Save Children International hỗ trợ cho các địa phương Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Nông Sơn, Quế Sơn và TP.Hội An ứng phó với thiên tai thông qua hoạt động đưa thông tin cảnh báo sớm về nguy cơ thiên tai nói chung và lũ trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn nói riêng. Theo đó, cộng đồng sẽ nhận được các thông tin cảnh báo thông qua hệ thống tin nhắn (SMS) và các phương tiện thông tin liên lạc tại địa phương như bộ đàm, đài phát thanh, kẻng, trống… |
Ông Trương Văn Mười - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết, các đối tượng dễ bị thương tổn như trẻ em, người khuyết tật, khu vực đông dân cư vùng trũng thấp là đối tượng hưởng lợi dự án nhiều nhất. Và nữa, các hình thức truyền thông đa dạng, theo phương châm mưa dầm thấm lâu cũng tác động hiệu quả đến cộng đồng dân cư trong ứng phó với biến đổi khí hậu. UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ chính quyền, đoàn thể các cấp, tập trung cho cấp cơ sở trực tiếp làm công tác phòng chống thiên tai. Qua đó, các địa phương, đơn vị rút kinh nghiệm hoạt động của những năm trước để nhân rộng mô hình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đạt hiệu quả. Kế hoạch gồm 2 hợp phần: hợp phần 1 là nâng cao năng lực cho cán bộ chính quyền địa phương ở các cấp quản lý, triển khai thực hiện các hoạt động quản lý thiên tai cộng đồng; hợp phần 2 là tăng cường truyền thông giáo dục và nâng cao năng lực quản lý thiên tai tại cộng đồng. Tổng kinh phí thực hiện các hợp phần gần 52 tỷ đồng; nguồn vốn thực hiện được sử dụng lồng ghép từ các dự án của trung ương đầu tư, tài trợ của các tổ chức quốc tế, Quỹ phòng chống thiên tai tỉnh và kinh phí đối ứng từ ngân sách các địa phương.
Cùng với chiến dịch truyền thông sâu rộng, các địa phương đã củng cố, thiết lập hệ thống cảnh báo, truyền tin sớm về thiên tai cho cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã lắp đặt hơn 610 điểm đánh dấu vết lũ và bản đồ ngập lụt. Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ đang phối hợp với UBND tỉnh xây dựng thêm các cột mốc cảnh báo lũ và hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, việc ban hành kế hoạch thực hiện đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng giai đoạn 2016 - 2020” là hết sức cấp thiết để các địa phương, cơ quan, đoàn thể và cộng đồng dân cư tham gia tích cực vào hoạt động quản lý giảm nhẹ thiên tai. Trong đó hoạt động truyền thông sẽ tạo nên hiệu ứng tốt, thay đổi nhận thức của người dân về ứng phó biến đổi khí hậu.
TRẦN HỮU