Liên vùng, liên ngành ứng phó biến đổi khí hậu

TRẦN NGUYỄN 29/10/2015 08:23

Trong các giải pháp phòng chống thiên tai, ngoài nâng cao nhận thức của người dân, việc đầu tư xây dựng các dự án mang tính liên vùng, liên ngành để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) là hết sức cần thiết.

Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng đã thẳng thắn thừa nhận những bất cập trong quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Các chuyên gia môi trường từng cảnh báo, nguyên nhân gây ra BĐKH, làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan thời gian qua là vì sự can thiệp thô bạo của con người vào các hoạt động kinh tế, môi trường. Cho nên, cần có những hành động để giảm thiểu, ứng phó với BĐKH. Trong đó, giải pháp cốt yếu là nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư quản lý rủi ro thiên tai. Là “tâm điểm” của thiên tai, Quảng Nam có kinh nghiệm thực tiễn ứng phó, thêm vào đó là tranh thủ các nguồn lực đầu tư bên ngoài. Ở khu vực đồng bằng ven biển đến miền núi, trung du… gần như các dự án lồng ghép với BĐKH luôn tiếp cận, đầu tư. Điển hình như các mô hình nhà đa năng tránh bão lũ; kè, kênh thủy lợi kết hợp đường giao thông nông thôn; mô hình xử lý nước mặn thành nước ngọt; trồng rừng ngập mặn ven biển; trồng rừng phòng hộ đầu nguồn kết hợp các giải pháp sinh kế cho người dân… đã mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Nhận thấy BĐKH đe dọa trực tiếp đến sự phát triển bền vững, Quảng Nam sớm đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ môi trường dài lâu. Điểm sáng là từng ngành, lĩnh vực có kế hoạch tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cộng đồng phòng tránh thiên tai. Đặc biệt, trong mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tầm nhìn quy hoạch vùng, ngành, tỉnh chú trọng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển du lịch, nuôi trồng thủy hải sản lồng ghép với trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ, nâng cấp đê ngăn mặn, hồ chứa nước…

Lễ khánh thành công trình trạm y tế kết hợp nhà đa năng tránh lũ tại xã Bình Đào. Ảnh: TR.NGUYỄN
Lễ khánh thành công trình trạm y tế kết hợp nhà đa năng tránh lũ tại xã Bình Đào. Ảnh: TR.NGUYỄN

Theo ngành nông nghiệp, để chủ động trong ứng phó với BĐKH, cần tăng cường đầu tư từ ngân sách trung ương, tỉnh để ưu tiên triển khai các dự án, công trình trọng điểm cấp bách về BĐKH mang tính liên vùng, liên ngành. Cạnh đó, tranh thủ vận động thu hút đầu tư cho ứng phó với BĐKH thông qua hợp tác song phương và các quỹ đa phương như quỹ thích ứng, quỹ khí hậu xanh, quỹ môi trường toàn cầu… Bộ Tài nguyên môi trường đang xúc tiến đẩy mạnh khâu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách cũng như nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về BĐKH,  giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Giải pháp cần thiết là xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tài chính, chuyển giao công nghệ ứng phó với BĐKH.

TRẦN NGUYỄN

TRẦN NGUYỄN