Trường học điện tử
Sáng kiến xây dựng trường học điện tử thông qua trang điện tử “học giỏi trung học phổ thông” của thầy Nguyễn Tý - giáo viên Trường THPT Trần Văn Dư (Phú Ninh) được đánh giá cao tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh lần thứ VI (năm 2014 - 2015).
Ngoài giờ dạy ở trường, thầy Nguyễn Tý dành thời gian cho trường học điện tử “hocgioithpt.com”. Ảnh: CHÂU NỮ |
Giải pháp xây dựng trường học điện tử (e-school) của thầy Nguyễn Tý được trao giải nhì hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh. Được giải thưởng là mừng, tuy nhiên, thầy Nguyễn Tý cũng chia sẻ, sáng kiến này đã đem lại cho ông nhiều điều đáng vui mừng hơn thế.
Đi vào thực tiễn
Từ khi ra mắt vào tháng 11.2013, rồi chính thức đăng nhập dữ liệu vào tháng 9.2014, trường học điện tử tại địa chỉ “hocgioithpt.com” hàng ngày thu hút nhiều học sinh truy cập. Số lượng đăng ký thành viên cũng như số lần truy cập tăng dần và hiện nay có khoảng 600 lượt học sinh trên toàn quốc theo học mỗi ngày. Điều đó có nghĩa, sáng kiến đã đi vào thực tiễn chứ không nằm trên giấy. Nguyễn Quang Cảnh - học sinh lớp 11/9 Trường THPT Trần Văn Dư (Phú Ninh) chia sẻ: “Từ khi biết đến trang web “hocgioithpt.com” đến nay, thay vì đi học thêm, tôi và nhiều bạn đã vào đây để học. Trang web có nhiều mẫu bài tập để học sinh tự giải và có máy tính chấm điểm. Trang này còn có dạng bài tập mẫu và bài giải kèm theo nên học sinh dễ dàng tham khảo sau khi tự giải”. Còn Thái Ngọc Bảo - học sinh lớp 12 của một trường THPT ở Đà Nẵng chia sẻ, tuy mới tham gia thành viên nhưng đã tham khảo được khá nhiều tài liệu và làm quen với các đề thi, các dạng bài tập từ website này.
Khơi nguồn lòng yêu nước Với mong muốn “Dân ta phải biết sử ta”, thầy Nguyễn Tý sẽ tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử Việt Nam” trên website “hocgioithpt.com” vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10.3 âm lịch năm 2016. Cuộc thi này dành cho mọi công dân Việt Nam, kể cả người Việt Nam đang học tập, làm việc, sinh sống ở nước ngoài, với phương châm: “Hiểu được lịch sử Việt Nam sẽ khơi nguồn lòng yêu nước”. Bước đầu, đã có một số mạnh thường quân đồng ý tài trợ kinh phí tổ chức, trao thưởng và thầy Nguyễn Thành Khoa - Tổ trưởng tổ Sử - Địa (Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) đã nhận lời phản biện đề thi. Trước đó, ngày 26.3.2015, thầy Tý đã tổ chức thi thử môn Tiếng Anh trên website “hocgioithpt.com” cho học sinh các trường THPT khu vực Tam Kỳ để chuẩn bị cho kỳ thi Olympic môn Tiếng Anh THPT. Kỳ thi thu hút khá đông học sinh tham gia và học sinh Nguyễn Thị Thảo Nguyên, lớp 10/3 Trường THPT Trần Cao Vân đã giành giải nhất. |
Nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Bộ GD-ĐT - Quách Tuấn Ngọc đánh giá cao sáng kiến trường học điện tử của thầy Nguyễn Tý. Ông cho rằng, giải pháp này đã đáp ứng phần nào yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong năm học 2015 - 2016 của Bộ GD-ĐT và phù hợp đối với việc xây dựng mô hình giáo dục điện tử, trường học điện tử. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học sẽ làm cho bài học hấp dẫn, hiệu quả, thiết thực, phong phú hơn; đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực đối với học sinh, giáo viên, phụ huynh. Thầy Phạm Đình Ly - Trưởng phòng Giáo dục Trung học Sở GD-ĐT cũng cho rằng, trường học điện tử của thầy Nguyễn Tý là mô hình cần thiết, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin của ngành GD-ĐT trong dạy và học như hiện nay. Thời gian tới, ngành GD-ĐT sẽ tổ chức tham khảo ý kiến của thầy cô giáo trong hội đồng bộ môn tin học để có cơ sở triển khai rộng ra toàn tỉnh.
Đối với những học sinh không có điều kiện học thêm, những học sinh vừa học vừa làm hay học sinh khuyết tật thì trường học điện tử là một giải pháp tiện ích, miễn là có máy tính kết nối internet.
Công trình 20 năm
Để có thể đưa trường học điện tử ứng dụng trong thực tế, thầy Nguyễn Tý đã phải mất 20 năm đọc sách, tự phản biện các nhu cầu của phụ huynh, học sinh, đồng nghiệp, của lãnh đạo ngành giáo dục về hướng phát triển một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại và giảm áp lực học tập cho học sinh và tự học hỏi, nghiên cứu về công nghệ thông tin. Ngoài giờ dạy ở trường, thầy dành hầu hết thời gian cho trường học điện tử của mình. Website “hocgioithpt.com” của thầy có thể được xem là một kho sách điện tử phục vụ giảng dạy, bài giảng điện tử, bài tập trắc nghiệm.
Là giáo viên dạy môn Sinh học nhưng thầy Nguyễn Tý có niềm đam mê với nhiều môn học khác, đặc biệt là Lịch sử, Tiếng Anh và Tin học (thầy Tý đã tốt nghiệp đại học sư phạm khoa Sinh, tốt nghiệp cử nhân Tin học và là thành viên hội đồng chuyên môn tin học của Sở GD-ĐT). Theo thầy Nguyễn Tý, kinh phí đầu tư cho trường học điện tử hoàn thiện (gồm bài giảng điện tử, thí nghiệm ảo, cố vấn chuyên môn, máy móc thiết bị...) phải mất khoảng hơn 2,8 tỷ đồng. Một số tiền quá lớn, phải cần sự hỗ trợ từ nhiều nguồn. Hiện nay, do chưa nhận được sự hỗ trợ, nên thầy Nguyễn Tý chỉ có thể đầu tư từng bước một. Thầy tự bỏ kinh phí để xây dựng trường học điện tử với tên miền quốc tế “hocgioithpt.com” và 2 tên miền trong nước là “hocgioithpt.com.vn” và “hocgioithpt.vn”. Kinh phí để làm công trình khoa học này hoàn toàn do gia đình hỗ trợ để mua trang thiết bị, máy móc và từng bước nâng dung lượng hosting (kho chứa) từ 650MB ban đầu lên 1,2GB và lên 3,2GB như hiện nay để đáp ứng nhu cầu đăng tải dữ liệu và thu hút lượng người truy cập mỗi lúc một nhiều.
Thầy Tý chia sẻ, mô hình trường học điện tử đã giúp học sinh tìm kiếm thông tin, dữ liệu liên quan kiến thức cũ nhanh chóng, trong vòng khoảng vài giây. “Một điều được nhiều người quan tâm là xã hội càng hiện đại, phụ huynh càng khó theo dõi việc học tập của con em mình. Trường học điện tử giúp phụ huynh giải quyết vấn đề này. Chỉ cần cài đặt phần mềm Teamviewer (điều khiển máy tính từ xa) là phụ huynh đã có thể kiểm tra kiến thức của con em mình dù không ở gần con” - thầy Nguyễn Tý nói thêm.
CHÂU NỮ