Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở Nam Giang: Kết quả khả quan
Tuyên truyền mộc mạc, lồng ghép với các hoạt động xây dựng gia đình kiểu mẫu, duy trì các câu lạc bộ không sinh con thứ 3... đã góp phần làm cho công tác dân số ở huyện Nam Giang đạt hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Hiệu quả bước đầu
Xác định mục tiêu nâng cao tính hiệu quả trong công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) gắn với việc nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua huyện Nam Giang đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, xây dựng và nâng cao chất lượng dân số ở địa phương. Theo ông Trần Tấn Tài - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Nam Giang, hiệu quả của công tác dân số ở địa phương trong những năm qua đã tác động tích cực đến đời sống người dân, góp phần vào việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên địa bàn huyện. Nhờ vậy, đến nay nhiều hộ gia đình, thôn bản đã dần thoát nghèo bền vững, đảm bảo theo tiêu chuẩn gia đình văn hóa, kiểu mẫu, trở thành gương sáng cộng đồng miền núi.
Hiệu quả công tác dân số đã giúp phụ nữ Nam Giang có cơ hội phát triển sản xuất, giao lưu trao đổi hàng hóa, nâng cao thu nhập. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Tiêu biểu như hộ ông Đinh Văn Náo ở làng Rô (xã Cà Dy); Coor Dênh (thôn Vinh), Alăng Piêm (thôn 2, xã Tà Pơơ); Arất Vừng (thị trấn Thạnh Mỹ)... với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần tích cực trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa, đưa công tác dân số tại địa phương vững mạnh. Cùng với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nỗ lực không mệt mỏi của những người làm công tác dân số ở cơ sở, đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững. “Hiệu quả bước đầu từ công tác DS-KHHGĐ đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tác động tích cực đến việc giảm tình trạng sinh con thứ 3 trở lên và từng bước góp phần nâng cao chất lượng dân số cho người dân bản địa. Từ đó, đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình hiệu quả, xây dựng làng bản văn hóa, đáp ứng với yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững” - ông Tài nói.
Mặc dù công tác dân số ở các địa phương đã có nhiều chuyển biến, song do trình độ dân trí còn thấp, điều kiện đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, đã dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở miền núi, vùng đồng bào DTTS. Để xóa bỏ tình trạng đó, huyện Nam Giang xây dựng mạng lưới cộng tác viên (CTV) gồm 125 người phụ trách 125 địa bàn thuộc 63 thôn, bản. Theo đó, mỗi CTV quản lý trung bình khoảng 50 hộ dân, chủ yếu lồng ghép CTV là nhân viên y tế thôn bản, phụ nữ, trưởng ban thôn. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” và thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ tuyên truyền trong cuộc sống thường ngày đã từng bước đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác dân số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nhiều gương mặt điển hình trong công tác dân số ở miền núi Nam Giang phải kể đến như Tơ Ngôl Kim, Alăng Im (ở xã Chà Vàl); Hiên Thị Lúp (xã Đắc Pring); Brao Minh (La Dêê)... luôn được đồng bào tin yêu, quý mến.
Nâng cao chất lượng cuộc sống
Không nằm ngoài mục tiêu xây dựng gia đình kiểu mẫu, làng bản văn hóa, những năm qua công tác dân số ở Nam Giang đã cho thấy được vai trò hoạt động, thông qua các chương trình cụ thể nhằm từng bước giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Bà Blúp Dớp - cán bộ Trạm Y tế xã Tà Pơơ cho biết, kết quả từ công tác dân số đã giúp đồng bào tại địa phương có thêm kiến thức và điều kiện trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, đảm bảo phòng tránh thai an toàn. Những năm gần đây, nhiều cặp vợ chồng đã bắt đầu quan tâm đến thăm khám sức khỏe định kỳ cho các bà mẹ và trẻ em, cũng như đưa thai phụ đến sinh tại các trạm y tế địa phương đảm bảo an toàn.
Ông Trần Tấn Tài cho rằng, việc thực hiện công tác dân số ở địa bàn miền núi rất khó khăn, đòi hỏi phải có quá trình lâu dài và chính sách phù hợp với thực tế mới đạt được hiệu quả như mong muốn. Trong đó, việc lồng ghép tuyên truyền các chủ trương luôn được thực hiện đảm bảo theo từng hoạt động cụ thể ở từng thôn, bản và lấy vai trò của già làng, trưởng bản làm trọng tâm trong các buổi tuyên truyền. Từ đó, đẩy mạnh các mô hình “người tốt, việc tốt” để đồng bào noi gương học tập. Riêng tại các xã biên giới, ngành dân số huyện cũng đã xây dựng kế hoạch và phối hợp tốt với lãnh đạo từng địa phương, cùng các đồn biên phòng để tuyên truyền, vận động người dân vùng cao làm tốt công tác dân số ở từng gia đình. Trong đó, chú trọng đến việc ra mắt các câu lạc bộ thôn, bản không sinh con thứ 3 trở lên. “Đến nay, chúng tôi đã cho ra mắt 7 câu lạc bộ thôn, bản không sinh con thứ 3 trở lên ở các xã biên giới. Hiện các câu lạc bộ này vẫn duy trì hoạt động có hiệu quả và luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân ở các thôn, bản” - ông Tài chia sẻ.
Ông Aviết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, đánh giá cao những thành quả mà ngành dân số địa phương đã đạt được trong những năm qua và xem đây là động lực trong việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ổn định và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn huyện. Để công tác dân số tiếp tục có hiệu quả, theo ông Sơn cần có thêm những giải pháp cụ thể trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; lồng ghép các chính sách dân số để nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ thôn không sinh con 3; xóa bỏ tập tục tảo hôn; xây dựng gia đình văn hóa tiêu biểu,... đáp ứng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương miền núi.
ALĂNG NGƯỚC