Chuyện dưới mái gươl…
Dưới mái gươl mới Ganil ở A Xan (Tây Giang), những già làng thở dài kể chuyện "ngủ duông"…
1. Trong hành trình trở về từ Lào, Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bh’riu Liếc quyết định làm một chuyến đi giáp vòng. Không đi ngược từ xã Ch’Ơm trở về A Xan, mà sau khi rời khỏi huyện Kạ Lừm (Lào), chúng tôi qua Ch’Ơm, rồi gập ghềnh trên những con đường của xã Ga Ry. Nhưng vừa mới đến đầu A Xan (thôn Ganil) thì bị “cuốn” vào mái gươl mới ở thôn này. Đồng bào rất hiếu khách. Sau cái bắt tay, cái ôm thân mật là phải “âm lúch’’. “Âm lúch’’ trong tiếng Cơ Tu nghĩa là “uống hết”. Rượu tr’’đin ngon và dễ uống thiệt, nhưng sau gần chục cái “âm lúch’’, đám dưới xuôi chúng tôi đều… chóng mặt! Và đến lúc này, già làng Hốih Nhiếc mới điềm tĩnh kể chuyện làng.
Gươl mới Ganil. |
Ấy là ngày 19.5.2015, nhân kỷ niệm ngày sinh của Bác, dân Ganil họp bàn và đi đến thống nhất làm gươl mới. Cái chuyện làm gươl ở Quảng Nam hay nhà sàn ở các tỉnh Tây Nguyên, đều mặc định một suy nghĩ là hạ gỗ ở rừng. Nhưng với dân Ganil (mà hình như là đặc điểm chung của người Cơ Tu ở Tây Giang), là phải chọn lọc vừa đủ để làm. Có lẽ vì vậy mà sụt giảm về diện tích rừng ở Tây Giang ít biến động. Đúng hai tháng sau, gươl được hoàn thành. Già Nhiếc tươi cười, lại “âm lúch”, mừng gươl mới. Nhưng đây là lý do nụ cười của già viên mãn nhất: “Dân mình đoàn kết lắm, không nhiều hư hỏng như nơi khác’’.
Người Cơ Tu theo lối sống cộng đồng. Việc làng là việc chung. Già làng có tiếng nói tối thượng. Nhưng nhiều nơi, lời già làng đã không còn “trọng lượng’’ nên việc làng lắm kẻ trốn tránh. Điều này, ở A Xan, hình như chưa thấy. Chợt nhớ chuyện hồi xưa xe gắn máy trèo núi lên đây, cảnh ngày tết thanh niên làng chạy xe trong khi người nồng nặc men, ngật ngưỡng như bóng gùi liêu xiêu, chực chờ cái quỵ chân là đổ xuống. Tiên đoán điềm rủi, các già làng ban lệnh, rằng trước tết, nhà nào có xe máy phải đem chìa khóa giao cho già làng. Có việc mới được xin đi. Đám thanh niên choai choai, răm rắp nghe lời. Lệ làng chưa mất thiêng!
Người dân thôn A Rầng 1 vót lồ ô để làm lán trại lễ công nhận cây di sản pơ mu. Ảnh: XUÂN KHÁNH |
2. Trong buổi cúng mừng gươl mới, nhiều già làng ở các thôn khác, thậm chí là thôn ở xã khác cũng được mời dự. Gọi là giữ quan hệ, kiểu đối nội, đối ngoại. Tiệc gần đi về cuối, tôi thấy mấy già làng các thôn A Rầng 1, A Rầng 2 cùng Ganil xích lại gần nhau, lát sau có thêm mấy già đến từ xã Tr’hy. Hóa ra, họ đang nói chuyện về rừng pơ mu. Đôi mắt họ sáng quắc lên khi nhận được thông tin rằng rừng cây ấy được công nhận là cây di sản. Họ mừng. Rồi họ bỗng chốc lo, lo cho sự an nguy của rừng pơ mu. Già Nhiếc quả quyết, rằng không sợ người Cơ Tu mình, mà chỉ sợ người Kinh lên tàn phá. Bởi từ lâu, rừng pơ mu được xem là báu vật của làng.
Khi nghe tin rừng pơ mu sẽ được công nhận cây di sản, người dân 3 thôn A Rầng 1, A Rầng 2 và Ganil đã chia nhau làm các “tiểu ban phục vụ” cho buổi lễ. Tôi nhớ chiều hôm trước, dưới mái gươl A Rầng 1, bắt gặp một nhóm người đang hì hục với công việc. Kẻ thì đan lạt, người vót lồ ô… Trưởng thôn Ganil - Pơloong Zà nói rằng thôn mình lo việc làm lán, chòi ở bìa rừng pơ mu. Mùa này mưa bất chợt nên làm ở gươl làng, xong, mang vào rừng ráp. Ai nấy cũng chăm chỉ. Tôi hỏi đùa: “Chỉ là một buổi lễ, sao phải kỹ và chỉn chu rứa?”. Pơloong Zà cười, thủng thẳng: “Mình phải làm kỹ, cho lâu hư. Phải làm cho đẹp, để hấp dẫn mọi người. Vì sau này, ở đó sẽ làm du lịch…’’.
Cái thông tin sẽ làm du lịch ở rừng pơ mu, chính Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bh’riu Liếc tâm sự hôm chúng tôi rời A Xan sang Lào. Ông nói bằng tất cả hồ hởi và xen lẫn ước mơ. Trong bối cảnh mà người đồng bào khó sống nếu không… phá rừng, thì việc giữ được rừng pơ mu đã quý. Nhưng nếu biết kết hợp giữa giữ rừng pơ mu và giúp họ kiếm sống từ rừng này, tức là làm du lịch, thì càng quý hơn. Hẳn điều này, được ông nghĩ trên thực tế hẳn hoi, mà 2 ví dụ là làng du lịch cộng đồng Cơ Tu tại Tà Bhing ở Nam Giang và Bhơ Hôồng 1 ở Đông Giang. Tôi ướm hỏi anh Zơ Râm Boông về điều ấy, vừa đan lạt, anh cười gọn lỏn: “Thì mình cũng mong thế!”.
3. Khi vui mừng gươl mới qua đi, xôm bàn pơ mu qua đi, sẵn có nhiều già làng, tôi hỏi chuyện "ngủ duông" (lướt ch'roonh). Già Pơloong Jim (thôn A Rầng 1) bảo rằng hết rồi, hết lâu rồi. “Hết”, theo ý của già Jim là hết theo kiểu lệ làng, tức là cho phép. Bởi sự thật, vẫn còn, theo kiểu lén lút. Mà nói nôm na là “sống thử”. Tôi hỏi tiếp: “Vì sao hết”? Già Jim đáp: “hư quá, nên bỏ”. “Vì sao hư’’? “Do người Kinh mình làm hư”. Rồi già Jim trải lòng: “Hồi nớ "ngủ duông" nó hồn nhiên lắm, trai gái hẹn hò nhau, ôm nhau ngủ. Trời sáng thì về, lên rẫy. Còn chừ, đụng tí là “có chuyện”. Cái này, là do người Kinh lên, lợi dụng tập tục của mình, bọn trẻ bắt chước. Nên phải bỏ. Bỏ cũng tiếc, mà không bỏ thì cũng dở. Có quy định phạt, mà bọn nó không sợ nữa, ưng thì rủ nhau bỏ trốn. Rứa đó”.
Tháng 10 A Xan, ngược về những năm trước, khi "ngủ duông" còn, lang bạt núi rừng sẽ bắt gặp những lán trại nhỏ. Đó là cái lán do những đôi trai gái dựng lên, để hẹn hò, để ngủ. Ngủ một cách đúng nghĩa. Tháng 10 A Xan bây giờ, lang thang núi rừng chỉ bắt gặp những lán trại của người làm rẫy.
Nhưng niềm vui gươil mới thì không của riêng ai và “vương quốc’’ pơ mu, phải nhất quyết giữ lấy, và người Cơ Tu đã nguyện với lòng mình như thế…
Ghi chép của XUÂN KHÁNH