Ổn định nhờ chăn nuôi
Nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã Bình Định Nam (huyện Thăng Bình) đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định từ hỗ trợ chăn nuôi.
Nuôi bò thoát nghèo
Khi chúng tôi đến thăm, gia đình ông Nguyễn Tâm (tổ 3, thôn Châu Xuân Tây, xã Bình Định Nam) tất bật làm rơm, cắt cỏ, sửa sang chuồng trại nuôi bò. Ông Tâm cho biết, đầu năm 2011, gia đình ông đã được Trạm Khuyến nông huyện chuyển giao một còn bò lai có giá trị 15 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Hiện tại, đàn bò nhà ông có 6 con. Theo ông Tâm, nuôi bò lai sinh sản không khó, chủ yếu là đúng quy trình, phối giống kịp thời, chăm sóc, vệ sinh kỹ khi bò sinh sản. “Những năm sắp tới, mỗi năm gia đình tôi có thể có thêm được 2 - 3 con bò con. Đàn bò ngày một nhiều thêm đã đem lại sinh kế ổn định cho gia đình chúng tôi” - ông Tâm cho biết. Theo tính toán của gia đình ông Tâm, khi bán mỗi con bò, gia đình sẽ có nguồn thu hơn 20 triệu đồng.
Mô hình chăn nuôi bò ổn định của gia đình ông Nguyễn Tâm. Ảnh: V.Q |
Theo Hội Nông dân xã Bình Định Nam, hiện tại, toàn xã có 753 con bò lai. Đàn bò trên địa bàn không ngừng tăng thêm trong vài năm trở lại đây. Các nông hộ tận dụng bò giống sinh trưởng được chỉ để phát triển đàn bò, tăng thu nhập, tạo sinh kế ổn định. Ngoài 15 con bò lai được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng trong năm 2011, người dân cũng đã tận dụng vai trò “bà đỡ” của Quỹ hỗ trợ nông dân Quảng Nam để vay vốn, phát triển đàn bò. Gia đình ông Lưu Công Điền ở tổ 5, thôn Đồng Đức vay 30 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ nông dân Quảng Nam mua 1 con bò lai về nuôi cách đây 3 năm. “Sau 3 năm vay vốn, chúng tôi bán 1 con bò và hoàn trả được nguồn vốn vay ban đầu cho Quỹ hỗ trợ nông dân Quảng Nam. Chừ thì đàn bò của gia đình được 4 con. Mỗi năm, đàn bò sinh thêm 1 - 2 con bò mới. Khi cần thiết mình bán vẫn có thể làm tăng thêm đàn bò trong những năm tiếp theo. Sinh kế của gia đình đã ổn định hơn nhờ đàn bò phát triển tốt” - ông Điền nói. UBND xã Bình Định Nam cho biết, nhiều hộ nghèo trên địa bàn đã thoát nghèo, có được sinh kế tương đối bền vững nhờ mô hình chăn nuôi bò lai.
Ổn định nhờ chăn nuôi
Người dân ở tổ 3, thôn Thanh Sơn, xã Bình Định Nam khâm phục gia đình ông Trần Hà nhờ có được sinh kế ổn định từ nuôi gà. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay 30 triệu đồng của Quỹ hỗ trợ nông dân Quảng Nam trong vòng 3 năm nay, gia đình ông Hà đã đầu tư mô hình nuôi gà thả vườn. “Đầu năm 2013 được Hội Nông dân xã thông báo có nguồn vốn hỗ trợ nông dân, gia đình bàn bạc kỹ càng và thống nhất đăng ký vay mức 30 triệu đồng/3 năm để nuôi gà. Có nguồn vốn vay hỗ trợ rồi thì chắt chiu, đầu tư hiệu quả. Lứa đầu tiên nuôi 500 con gà kiến thùng cho kết quả khả quan. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, chúng tôi thu được hơn 30 triệu đồng, lãi hơn 10 triệu đồng. Tiếp tục lứa nuôi thứ hai, gia đình đầu tư 700 con gà cũng cho kết quả tốt, gia đình lãi được 15 triệu đồng. Dành dụm sau khi đầu tư các lứa nuôi gà tiếp theo đã giúp chúng tôi trả được nợ trước thời hạn 1,5 năm”- ông Hà cho biết. Đến thời điểm này, 10 hộ nghèo ở xã Bình Định Nam vay vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân Quảng Nam để phát triển kinh tế đều thu được thành quả. Nguồn thu ổn định đã giúp họ thoát nghèo, dần định hình mô hình phát triển kinh tế tương đối bền vững.
Bình Định Nam là xã sở hữu điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Đất đai cằn cỗi, thủy lợi thiếu ổn định. Do đó, xã chú trọng chăn nuôi hơn trồng trọt. Ông Nguyễn Văn Việt, Bí thư Đảng ủy xã Bình Định Nam cho biết, trong vòng 5 năm, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã giảm gần 5%. Điều này có được là nhờ các nông hộ trên địa bàn đã chú trọng đầu tư phát triển kinh tế, các mô hình chăn nuôi đã đem lại hiệu quả, tạo ổn định cho đời sống. “Mỗi khi tỉnh, huyện có cơ chế, chính sách nào hỗ trợ người dân nói chung, người nghèo nói riêng thì chúng tôi rất mừng. Bởi vậy, xã kêu gọi mọi người tận dụng thật tốt các hỗ trợ để phát triển kinh tế. Chăn nuôi là hướng đi chính của xã, các mô hình kinh tế có sức thuyết phục như chăn nuôi bò lai, nuôi gà thả vườn sẽ được nhân rộng. Vấn đề nằm ở cách làm của người dân, các hộ đầu tư kỹ càng sẽ hứa hẹn mang lại hiệu quả lớn” - ông Nguyễn Văn Việt nói.
Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Định Nam cho biết, khó nhất trong phát triển kinh tế chăn nuôi ở xã là người dân yếu huy động vốn để đầu tư. Tuy nhiên cũng có nhiều thuận lợi khi diện tích đất trồng cỏ rộng, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, lượng rơm cũng khá nhiều để vừa làm thức ăn vừa ủ ẩm cho bò trong mùa đông. Địa phương rất mong muốn, sẽ có nhiều hơn nữa những hỗ trợ để các nông hộ nghèo khác tiếp cận, đầu tư phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.
VIỆT QUANG