Tam Kỳ cần cơ chế mới để phát triển
Với những cơ chế của tỉnh cho TP.Tam Kỳ theo Nghị quyết số 191/2011/NQ-HĐND, thành phố đã thực hiện hiệu quả trong việc phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua. Tuy nhiên, ở giai đoạn 2016 - 2020, địa phương cần một cơ chế mới để tạo động lực phát triển.
Động lực từ "cơ chế 191"
Sau khi Nghị quyết số 191/2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về một số cơ chế đối với TP.Tam Kỳ đến năm 2015 có hiệu lực, UBND TP.Tam Kỳ đã tận dụng tối đa mọi nguồn lực cũng như sự hỗ trợ của tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Qua gần 5 năm, diện mạo đô thị Tam Kỳ đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều dự án của tỉnh thực hiện trên địa bàn thành phố đã được đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo được sự phát triển đồng bộ về kết cấu hạ tầng. Có thể kể đến các dự án, công trình như: Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, Bảo tàng tỉnh, cầu Kỳ Phú 1 & 2 và đường dẫn vào cầu, đường Điện Biên Phủ, kè sông Bàn Thạch, đường cứu hộ cứu nạn, đường cao tốc… Các dự án, công trình này đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.Tam Kỳ.
Nhiều dự án của tỉnh thực hiện trên địa bàn TP.Tam Kỳ tạo được sự phát triển đồng bộ về kết cấu hạ tầng cho thành phố. Ảnh: X.TRƯỜNG |
Bên cạnh đó, thực hiện cơ chế tài chính riêng cho TP.Tam Kỳ, UBND tỉnh đã bổ sung nhiều nguồn lực đáng kể cho thành phố. Trong 5 năm qua, tổng nguồn kiến thiết thị chính tỉnh hỗ trợ cho thành phố là 87 tỷ đồng. Tam Kỳ cũng đã sử dụng nguồn kinh phí này để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ như: đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống giao thông đô thị, khớp nối các tuyến giao thông trong các khu dân cư; sửa chữa, nâng cấp vỉa hè, hệ thống thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng đường phố, kiệt hẻm; cải tạo và trồng mới cây xanh đô thị trên các trục đường, các tiểu hoa viên… Từ đó, đã tạo cho TP.Tam Kỳ một hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị ngày một hoàn thiện hơn, xanh - sạch - đẹp hơn.
Ngoài ra, với những cơ chế khác từ tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, tiền sử dụng đất và cơ chế về cân đối ngân sách, TP.Tam Kỳ đã đầu tư xây dựng nhiều công trình quan trọng như Khu công nghiệp Thuận Yên, Quảng trường 24.3, đường N10, khu hạ tầng bãi tắm Hạ Thanh… Các công trình xây dựng đã góp phần tạo cảnh quan đô thị và đạt được một số tiêu chí của đô thị loại II.
Cần cơ chế mới
Theo ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, Nghị quyết số 191/2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã góp phần tạo nguồn lực để Tam Kỳ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hoàn thành một số chỉ tiêu của đô thị loại II. Tuy nhiên, cơ chế của nghị quyết này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về nguồn lực tài chính để thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển mạnh mẽ và thu hút đầu tư. Trong 5 năm qua, tổng kinh phí tỉnh hỗ trợ cho thành phố theo cơ chế của Nghị quyết 191 khoảng 189,6 tỷ đồng, bình quân mỗi năm là 37,9 tỷ đồng. Như vậy là quá thấp so với một thành phố tỉnh lỵ. Hơn nữa, trong 5 năm đến, để phát triển Tam Kỳ trở thành đô thị loại II và hướng đến đô thị loại I thì nhu cầu đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn khá lớn, dự kiến cần khoảng 6.831 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn được tỉnh bố trí dự kiến chỉ khoảng 1.662 tỷ đồng. Nguồn thu ngân sách của thành phố lại chưa thật sự bền vững. Thu phát sinh kinh tế trên địa bàn trong 5 năm qua tăng bình quân 9,7%. Nguồn thu từ quỹ đất chỉ ở mức bình quân 130 tỷ đồng/năm và nguồn thu này trong 5 năm đến có xu hướng giảm dần vì quỹ đất của thành phố giảm. Giai đoạn 2016 - 2020, dự kiến nguồn ngân sách thành phố khoảng 1.185 tỷ đồng. Do vậy, cần có sự điều chỉnh về phân cấp cũng như về quy định tỷ lệ điều tiết giữa các nguồn thu theo hướng tăng lên cho TP.Tam Kỳ để đảm bảo cân đối các nhiệm vụ chi theo yêu cầu phát triển đô thị tỉnh lỵ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, hạn chế về vốn nên việc huy động nguồn lực từ thành phần này để đầu tư trên địa bàn rất khó khăn. Việc vay các quỹ tài chính, tín dụng cũng bị hạn chế vì vướng rào cản của của chính sách tài chính hiện hành nên UBND TP.Tam Kỳ khó tiếp cận được nguồn vốn này. Vì vậy, việc xây dựng lại những cơ chế phát triển cho TP.Tam Kỳ trong giai đoạn 2016 - 2020 (nhất là cơ chế tài chính) hết sức cần thiết. Ông Nguyễn Minh Nam nói: "Chúng tôi đang xây dựng phương án kiến nghị, đề xuất một số cơ chế cho TP.Tam Kỳ (giai đoạn 2016 - 2020) để trình UBND tỉnh xem xét trước khi HĐND tỉnh thông qua. Trong đó, tập trung vào cơ chế hỗ trợ của tỉnh cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trọng điểm và an sinh xã hội, cơ chế về tài chính - ngân sách mà chủ yếu là về phân cấp nguồn thu và tỷ lệ điều tiết các khoản thu, và một số cơ chế khác như: chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, kinh phí kiến thiết thị chính đầu tư… Những cơ chế mới có hiệu lực sẽ tạo điều kiện để thành phố có đủ nguồn lực xây dựng và phát triển, xứng đáng là đô thị tỉnh lỵ trong thời gian tới".
XUÂN TRƯỜNG