Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VI (2014 - 2015): Nhiều mô hình hay, giải pháp thiết thực
Sau nhiều năm tổ chức, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh đã trở thành sân chơi thiết thực, bổ ích, góp phần tôn vinh những gương mặt sáng tạo xứ Quảng.
Chú trọng tính mới, sáng tạo
Sau một năm phát động, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần VI (2014-2015) đã thu hút gần 60 giải pháp/mô hình sáng tạo đăng ký dự thi ở nhiều nhóm lĩnh vực: cơ khí - tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; GD-ĐT; công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; y dược; nông lâm, ngư nghiệp, tài nguyên, môi trường, nông thôn mới; vật liệu hóa chất, năng lượng… Qua chấm chọn, Hội đồng giám khảo đã đề xuất trao giải cho 27 mô hình/giải pháp xuất sắc, có tính mới và sáng tạo tham gia hội thi lần này. Trong đó có những mô hình/giải pháp nhận được sự đánh giá rất cao từ Ban tổ chức, như giải pháp “Chế tạo bạc (Ag) nano sinh học từ cây diệp hạ châu và một số ứng dụng quan trọng” (tác giả: ThS. Nguyễn Văn Thông, ThS. Vũ Phương Anh); “Lấy máu truyền hoàn hồi trong mổ nội soi thai ngoài tử cung vỡ bụng bằng dụng cụ tự chế” (BS-CKII. Phan Văn Toàn)… Ở nhóm lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông xuất hiện nhiều giải pháp sáng tạo đã được ứng dụng và phát huy hiệu quả trong công tác quản lý, giám sát tại các cơ quan, đơn vị, như “Phần mềm giám sát nhiệm vụ được giao” (nhóm tác giả: Trần Thanh Tú, Nguyễn Huy Vũ, Lê Thị Thương); “Ứng dụng công nghệ GIS trong công tác quản lý và phát triển lĩnh vực bưu chính - viễn thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” (ThS. Phạm Thị Ngọc Quyên và cộng sự)… Hội thi còn nhận được nhiều mô hình/giải pháp mới về cải tiến sản xuất ở các làng nghề cũng như trong đời sống. Có thể kể đến mô hình “Máy sản xuất bánh tráng tự động” (tác giả Trương Anh Thùy, Trương Văn Chương, Trương Vũ Bảo, giải nhì)”; “Dây chuyền sản xuất phở sắn bán tự động” (Trương Anh Thùy, Nguyễn Văn Diệp, Trương Vũ Bảo, giải khuyến khích)…
Dây chuyền sản xuất bán tự động đã giúp cải tiến sản xuất ở làng nghề phở sắn Đông Phú (Quế Sơn). Ảnh: BÍCH LIÊN |
“Nhìn chung, 27 giải pháp/mô hình được chọn trao giải là những sản phẩm tiêu biểu, xuất sắc, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Các sản phẩm đã trải qua quá trình chấm chọn sát sao, kỹ lưỡng, với sự làm việc công tâm, minh bạch của Hội đồng giám khảo, để đảm bảo tránh trường hợp mô hình/giải pháp được giải thấp ở cuộc thi cấp tỉnh nhưng lại được chấm giải cao ở trung ương và ngược lại” - ông Nguyễn Văn Diệu, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh nói. Được biết, ở hội thi lần này, Ban tổ chức sẽ chọn ra 2 - 3 mô hình/giải pháp mới, sáng tạo và giàu tính ứng dụng nhất trong các sản phẩm đoạt giải để đề xuất cơ chế hỗ trợ sản xuất, ứng dụng trong thực tiễn. Trước đó, mô hình “Máy cắt xén cỏ” của tác giả Đào Bội Thuyên đã được Ban tổ chức đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng để triển khai sản xuất thành phẩm. “Từ cơ chế hỗ trợ này, sắp tới Liên hiệp hội sẽ làm việc với UBND tỉnh đề xuất xin cơ chế thành lập Quỹ Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh (trung ương có Quỹ Vifotec) từ nguồn xã hội hóa, nhằm tôn vinh tài năng, sáng tạo khoa học kỹ thuật xứ Quảng. Bởi, bên cạnh nguồn hỗ trợ của tỉnh, chỉ có xã hội hóa nguồn quỹ này mới tạo vai trò, động lực thúc đẩy phong trào sáng tạo trong cộng đồng” - ông Diệu nói.
Giàu ứng dụng thực tiễn
“Máy sản xuất bánh tráng tự động” là sản phẩm mang nét mới trong nghiên cứu, ứng dụng tham gia hội thi lần này. Ở các làng nghề bánh tráng truyền thống Đại Lộc, bánh đa nem Phú Chiêm (Điện Bàn)… nhiều hộ có điều kiện cũng đã đầu tư máy tráng bánh bán tự động với giá 40 - 50 triệu đồng/chiếc. Dù máy tráng bánh bán tự động cũng đã giúp ích nhiều trong cải tiến sản xuất, tăng lợi nhuận đáng kể so với tráng bánh truyền thống, song dây chuyền sản xuất vẫn chưa hoàn thiện. Với “Máy sản xuất bánh tráng tự động”, nhóm tác giả đã dựa trên nguyên lý vận hành bằng cơ - điện tử tự động, sử dụng dòng điện một chiều với hiệu điện thế thấp 12 - 18V, thay thế cho chế độ vận hành cơ - điện bán tự động sử dụng dòng điện xoay chiều với hiệu điện thế 220V. Chỉ với bước cải tiến này, quy trình sản xuất tự động sẽ giảm nhân công, tiết kiệm điện năng, lại đảm bảo tính an toàn trong lao động. “Nếu ở máy sản xuất bán tự động, phải cần ít nhất 2 - 3 nhân công, cần một người nạp vỉ, lấy bánh ra, thì máy sản xuất tự động chỉ cần một người có thể đảm đương hết những phần việc trong một dây chuyền sản xuất, kể cả việc đưa bánh ra bên ngoài. Với hệ thống thiết bị điều khiển tự động, sản phẩm ra lò có chất lượng cao, hình thức đẹp, khâu vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn lao động được đảm bảo, công suất gấp 2 lần máy bán tự động và gấp 6 lần sản xuất truyền thống” - tác giả Trương Anh Thùy chia sẻ. Với những tính năng và tiện ích đó, dây chuyền sản xuất bánh tráng tự động này đã được một số hộ dân có điều kiện lắp đặt, phục vụ sản xuất. Ước tính, dây chuyền sản xuất có giá thành 80 - 100 triệu đồng, phù hợp với những cơ sở sản xuất lớn, có sức tiêu thụ cao. Với những làng nghề truyền thống nổi tiếng như: bánh tráng Đại Lộc, bánh đa nem Phú Chiêm, nếu được đầu tư công nghệ này sẽ giúp cải tiến sản xuất, thay đổi diện mạo làng nghề…
Ông Nguyễn Văn Diệu - Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh chia sẻ, so với các kỳ tổ chức trước, hội thi năm nay có nhiều đổi mới, từ công tác chuẩn bị cho tới khâu triển khai, chấm chọn và tôn vinh tác giả sản phẩm. Năm nay, trong chấm chọn, tiêu chí ưu tiên hàng đầu là giải pháp/mô hình phải giàu tính mới, tính sáng tạo bởi khoa học - kỹ thuật luôn luôn đổi mới từng ngày, trong khi các kỳ tổ chức trước đó chỉ chú trọng đến tính ứng dụng của giải pháp/mô hình mà bỏ qua những tiêu chí này. Giải thưởng năm nay sẽ mang tính tôn vinh hơn, thể hiện ở cách thức trao tặng và giá trị giải thưởng, nhất là sự quan tâm của UBND tỉnh, sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các sở ban ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Một nét mới nữa là năm nay, những thành viên thuộc ban tổ chức, thuộc thường trực Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh không trực tiếp tham gia chấm chọn, mà tham gia 6 Hội đồng giám khảo vốn là những chuyên gia ở 6 lĩnh vực chuyên ngành phụ trách. Mỗi chuyên ngành có ít nhất 5 - 7 giám khảo để đảm bảo tính khách quan. |
Giàu tính ứng dụng không kém, mô hình “Dây chuyền sản xuất phở sắn bán tự động” cũng đã được sản xuất thành phẩm, chuyển giao cho nhiều hộ dân tại làng nghề truyền thống phở sắn Đông Phú (Quế Sơn) và Bình Quý (Thăng Bình). Dây chuyền hội tụ nhiều công đoạn: khuấy bột, ép, tạo sợi lưới. Sản phẩm có giá thành 50 - 55 triệu đồng. Hiệu quả đã được chứng minh từ thực tế, có sức lan tỏa trong các hộ dân làng nghề. So với sản xuất truyền thống, dây chuyền giúp rút ngắn 1/3 thời gian, đặc biệt chỉ tính riêng công đoạn ép - tạo sợi đã giúp giảm 50% thời gian và chỉ cần một nhân công vận hành dây chuyền. Hay như “Máy rọc hàng, tỉa, lấp đa năng” của nông dân Lê Tất Dũng (Đại An, Đại Lộc), chỉ một lít xăng vận hành, máy có thể cày được 5 sào ruộng thay cho sức 8 người. Máy gắn bộ phận có thể nâng hoặc hạ lưỡi cày nên có thể cày nông hoặc sâu. Không chỉ ứng dụng trên đồng ruộng, máy rất thuận tiện khi thao tác trên các vùng trồng hoa màu, có thể vừa rọc hàng, vừa tỉa, vừa lấp hạt giống, giúp tiết giảm nhân công. “Máy cày do tôi tạo ra được tận dụng từ những động cơ rẻ tiền, vật liệu cũ như bộ máy xe wave làm động cơ chính, hai chiếc rân xe phía sau hàn các thanh sắt vào chèn xuống đất để có thể đi lại thuận lợi, phía trước là bánh xe rùa. Lưỡi cày, bộ phận gieo hạt được ghép vào thanh sắt sau xe, có thể nâng lên hạ xuống gọn gàng” - ông Dũng chia sẻ... Với thiết kế gọn nhẹ, nhà nông không mấy khó khăn trong điều khiển, giá thành thấp, hiệu quả cao, vừa với túi tiền nhà nông nên từ khi ra đời, mô hình đã được nhiều nhà nông trong và ngoài vùng biết đến.
Mong rằng, từ những cơ chế khuyến khích sáng tạo, những mô hình/giải pháp giàu tính mới mẻ, sáng tạo, ứng dụng tại hội thi lần này sẽ có thêm động lực để đi vào đời sống, thực tiễn.
BÍCH LIÊN