Để mỗi gia đình luôn hạnh phúc
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thế nào để xây dựng gia đình hạnh phúc là mối quan tâm không riêng mỗi gia đình mà là của toàn xã hội. Đó cũng là nội dung chính được thảo luận tại hội thảo do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức vào cuối tuần qua.
Những tác động xấu
Phát biểu đề dẫn hội thảo “Xây dựng gia đình hạnh phúc trong cán bộ, công nhân, viên chức thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa”, ông Phan Minh Á - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh nói, trong thời kỳ mới, đất nước phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, mặt trái của nền kinh tế thị trường. Lối sống thực dụng, ích kỷ, đề cao cá nhân khiến nhiều giá trị đạo đức của gia đình đang bị mai một, xuống cấp. Tệ nạn xã hội đang xâm nhập, len lỏi vào mỗi gia đình đã tác động đến giá trị đạo đức truyền thống và lối sống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Mặt khác, do áp lực công việc, thu nhập thấp, việc làm không ổn định, không đủ điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống… là những nhân tố tác động xấu đến xây dựng gia đình hạnh phúc. Cùng với đó là nhận thức về bình đẳng giới, kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc, giáo dục con cái chưa được quan tâm thường xuyên; báo động tình trạng ly hôn của các cặp vợ chồng công nhân lao động trẻ… là những lý do để chúng ta suy ngẫm và tìm các giải pháp tháo gỡ.
Quang cảnh hội thảo “Xây dựng gia đình hạnh phúc trong cán bộ, công nhân, viên chức thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Ảnh: VINH ANH |
Đồng tình với nhận định trên, ông Lê Bá Vương - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VH-TT&DL cho rằng, xã hội Việt Nam đang trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nguy cơ guồng quay của xã hội công nghiệp sẽ cuốn hút mạnh mẽ mọi thành viên trong gia đình ra khỏi mái ấm. Vì vậy, xây dựng và gìn giữ tổ ấm gia đình trong xã hội công nghiệp hiện đại là khó khăn hơn nhiều so với trước đây. Ông Vương nêu quan điểm: “Trong quan hệ vợ chồng xưa nay luôn dựa trên nền tảng đạo đức thủy chung, với phương châm “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Tuy nhiên, để “thuận vợ thuận chồng” ngày nay khó khăn hơn nhiều so với ngày xưa, vì ngày xưa có sự phân công rõ ràng. “Của chồng công vợ”, ngày nay cả vợ chồng cùng song hành với 2 trách nhiệm: vừa tạo thu nhập, vừa chu toàn việc nhà. Đó là chưa kể đến vợ chồng cùng nâng cao kiến thức, rồi những quan hệ xã hội… dễ dẫn tới xu hướng không ai phục tùng ai. Điều này đòi hỏi vợ chồng phải hết sức cảm thông với nhau, mỗi người phải hy sinh một phần lợi ích cá nhân của mình cho gia đình, vì gia đình”.
Phụ nữ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và giữ gìn hạnh phúc gia đình. TRONG ẢNH: Phụ nữ ở vùng bãi ngang ven biển. Ảnh: M.ĐỨC |
Vai trò người phụ nữ
Bà Nguyễn Thị Kim Loan - Công đoàn giáo dục tỉnh: “Quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái là yếu tố tích cực góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc” Thực tế cho thấy nếu như cha mẹ không quan tâm hoặc không có điều kiện để quan tâm, theo dõi, giáo dục con cái; trong các trường hợp vợ chồng chia tay nhau, hay bận rộn công việc làm ăn, con cái bị bỏ rơi, thiếu dạy dỗ, thiếu tình thương gia đình, các em sẽ dễ dàng bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, sa ngã, vi phạm pháp luật. Hạnh phúc gia đình dưới mỗi nếp nhà mang những sắc thái và nhìn nhận ở mỗi góc độ khác nhau nhưng hạnh phúc vẫn là sự thương yêu, tôn trọng, sẻ chia, là sự trách nhiệm, đồng cảm giữa các thành viên trong gia đình, là sự tiến bộ, phát triển của mỗi gia đình, nơi ấy con cái được chăm sóc, dạy dỗ nên người. Sự trưởng thành, thành đạt của con cái, của thế hệ trẻ là niềm vinh dự, niềm tự hào, hạnh phúc của mỗi gia đình, đất nước. |
Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Ban Nữ công Liên đoàn Lao động huyện Đại Lộc cho biết, mô hình câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” được phát động rộng rãi trong toàn thể công nhân viên chức lao động trên địa bàn huyện đã đạt những kết quả tích cực. Nhiều đơn vị cơ sở đã có cách làm hay, cụ thể như câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” của Tòa án huyện với 13 thành viên, duy trì và tổ chức rất tốt sinh hoạt gặp mặt dâu rể trong đơn vị, qua đó để các gia đình trong cơ quan hiểu nhau hơn. Năm 2015, đã có 5 cặp vợ chồng là cán bộ công chức đưa đơn đến Tòa án xin ly hôn, Ban Nữ công đã kịp thời nắm bắt tình hình, phối hợp với các hội đoàn thể, cơ quan liên quan vào cuộc, gặp từng đối tượng, gia đình, đơn vị công tác để trao đổi tâm tư, tình cảm, giúp giải quyết những vướng mắc, kết quả đã hòa giải thành công. Ban Nữ công Liên đoàn Lao động huyện cũng đã xây dựng thành công mô hình thực hành tiết kiệm chi tiêu trong mỗi gia đình để giúp đỡ trường hợp khó khăn. Từ năm 2010 đến nay, các gia đình đã đóng góp tổng số tiền 270 triệu đồng.
Thời gian qua, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch” đã cụ thể hóa các tiêu chí để hướng dẫn và vận động phụ nữ xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Tại Quảng Nam, để trợ lực cho việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, các cấp hội phụ nữ đã duy trì và xây dựng 525 mô hình, câu lạc bộ như “Gia đình hạnh phúc”, “Phòng chống bạo lực gia đình”, “Địa chỉ tin cậy”… với hơn 20 nghìn gia đình tham gia. Đặc biệt, các cấp hội đã quan tâm, tăng cường hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tăng thu nhập, như hỗ trợ vay vốn, tập huấn chuyển giao khoa học, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm… Qua đó góp phần cùng với địa phương thực hiện công tác xây dựng gia đình, cải thiện địa vị kinh tế cho phụ nữ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. |
Theo bà Nguyễn Thị Phương - Trưởng ban Gia đình xã hội, Hội LHPN tỉnh, mặt trái của cơ chế thị trường đã làm cho truyền thống nhân hậu, thủy chung dần bị mai một, hạnh phúc gia đình bị rạn nứt, tình trạng bạo lực gia đình vẫn âm ỉ diễn ra dưới nhiều hình thức, tệ nạn xã hội có chiều hướng diễn biến phức tạp… là những thách thức cho người phụ nữ khi thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ. Vì vậy, việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống gia đình trong thời đại ngày nay là điều hết sức quan trọng, trong đó phụ nữ giữ vai trò chủ đạo. Bà Phương chia sẻ: “Người xưa có câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” quả không sai, vai trò của người phụ nữ hiện nay trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là hết sức khó khăn. Để tạo dựng một gia đình hòa thuận, mọi thành viên phải có trách nhiệm đóng góp công sức, trong đó người phụ nữ phải khéo léo sắp xếp để làm sao tất cả mọi người trong gia đình đều thấy được trách nhiệm nghĩa vụ của mình”.
Ngày nay, người phụ nữ không chỉ “tề gia nội trợ” mà còn tham gia các hoạt động xã hội, làm việc trong các cơ quan, đơn vị, công ty, xí nghiệp, quản lý nhà nước. Nhiều phụ nữ đã và đang giữ những vị trí quan trọng trong xã hội. Do đó đặt ra yêu cầu đối với người phụ nữ hiện đại phải “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, hoàn thành tốt công việc, nhiệm vụ cơ quan, đơn vị giao phó vừa chăm lo cuộc sống gia đình được tốt đẹp. Ngoài thiên chức làm vợ, làm mẹ, vai trò của người phụ nữ trong xã hội ngày nay không giảm đi mà càng tăng thêm trách nhiệm.
VINH ANH