Thu hút các nhà khoa học nghiên cứu sâm Ngọc Linh
Đoàn công tác của Đại học Huế do PGS-TS. Nguyễn Quang Linh - Phó Giám đốc Đại học Huế dẫn đầu vừa có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Nam Trà My về công tác phát triển cây sâm Ngọc Linh theo hướng khoa học bền vững.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu thông tin đến đoàn công tác về lộ trình đầu tư cũng như thực trạng cây sâm, giống sâm ở Nam Trà My. Ông Hồ Quang Bửu đề xuất tới đây, Đại học Huế cần có sự quan tâm giúp đỡ Nam Trà My trong công tác nhân giống sâm bằng phương pháp nuôi cấy mô hiện đại, tổ chức nghiên cứu để di thực sâm Ngọc Linh tới các huyện miền núi trong tỉnh và ở Huế. Tiến hành nghiên cứu chế biến một số sản phẩm từ sâm Ngọc Linh để quảng bá thương hiệu cho lễ hội sâm năm 2016. Các nhà khoa học Đại học Huế cần nghiên cứu xác định cây di truyền và xây dựng bản đồ di truyền cho sâm Ngọc Linh để bảo tồn giống gốc. Tổ chức thực nghiệm phương pháp trồng và chăm sóc với sự can thiệp của khoa học. PGS-TS. Nguyễn Quang Linh khẳng định, với giá trị cực kỳ quý hiếm của cây sâm cũng như những cơ chế khuyến khích của quốc gia, của tỉnh và huyện Nam Trà My, các nhà khoa học thuộc Đại học Huế rất tâm huyết với cây sâm Ngọc Linh. Tới đây sẽ triển khai ngay việc phối hợp để tập trung áp dụng những công trình nghiên cứu khoa học vào thực tiễn cây sâm Ngọc Linh. Trên cơ sở đó sẽ từng bước chọn lựa và hình thành quy trình bảo tồn, phát triển cây sâm một cách bền vững để tạo nên vùng nguyên liệu cho sản xuất hàng hóa, dược liệu. Đồng thời cũng sẽ hợp tác để phát triển các loại cây dược liệu quý hiếm khác trên địa bàn huyện Nam Trà My như giảo cổ lam, sâm nam, sâm nhung nhằm tạo vùng nguyên liệu phong phú để người dân thoát nghèo bền vững.
HOÀNG THỌ