Không tiếng mối mọt ở nhà cổ Tấn Ký
Tôi chột dạ, khi nghe một chị trong ngôi nhà này nói “bà nội mất mấy năm rồi”. Sớm quá, chưa có khách tham quan. Xin phép mọi người, tôi ngó quanh nội thất, cốt là tìm coi đâu là ghi dấu bước chân của các nguyên thủ nước ngoài, lãnh đạo cao cấp khi về thăm Hội An, đều được đưa đến đây. Khá nhiều ảnh, chỗ lưu niệm họ để lại đó, như là bằng chứng về một sự... đặc biệt của ngôi nhà cổ Tấn Ký. Và còn đó, ảnh ông bà chủ nhà đưa tay đón khách với phong thái dung dị, bình thản mà lịch duyệt, thân ái.
Tôi cốt hỏi bà cụ, bởi lời bạn ở phố nói bà hay lắm. Và còn nữa, ở tôi lâu nay vẫn “mặc định” ý nghĩ, cái nhà muốn gọn muốn bền, không khỏi thoát bàn tay giữ gìn của các bà.
1. “Mẹ tôi mất mấy năm rồi”, ông Lê Dũng, người bây giờ là chủ nhân của nhà, giọng buồn buồn. Ông kể, rằng 40 năm sống và làm việc ở Đà Nẵng, giờ ông phải quay về Hội An để... giữ nhà khi cha mẹ đã về với ông bà. Về để coi sóc ngôi nhà mà ở đó, tiếng vọng của thời gian đã vang qua tâm thức của bao thế hệ gia đình ông, thăng trầm, lo lắng, hoan hỉ và đầy mơ hồ ở tương lai. “Nhà này khác biệt hơn nhà khác, là nó còn hầu như nguyên vẹn, không sửa chi hết - ông Dũng nói - Căn cớ là ông tổ nhà tôi là nhà buôn gỗ, ông đã tích lũy gỗ 10 năm trời, chọn lựa toàn bộ gỗ mít ở nhà trên và 1 gian nhà dưới, mà mít là loại mít vườn ở Quảng Nam, chứ không phải mít rừng, vì mít vườn gỗ tốt hơn. Những loại như kiền kiền, lim, sau 200 năm là chất gỗ mất đi, mở đường cho mục nát, chứ mít có chất đắng, mối mọt không đụng vào. Nhưng quan trọng hơn, là ngôi nhà không đổi chủ, nghĩa là tác động ngược của bàn tay con người ở đó không có, trong suốt quá trình dài mấy trăm năm. Ông tổ, tên ban đầu là Lê Tư Hiên, mất cha mẹ lúc 7 - 8 tuổi. Năm 18 tuổi, ông được cậu ruột cho căn nhà và xây lên. Hiệu của ổng là Tấn Ký, người ta gọi là Lê Tấn Ký. Mộ của ông bây giờ nằm ở đường Hai Bà Trưng, ghi “Cửu phẩm Tấn Ký Lê Công chi mộ”. “Tấn” là tấn tới. Còn “Ký” là gì? Chỗ này, ông Dũng nói rằng, từ điển Đào Duy Anh giải thích cũng không rõ lắm, nhưng thường thấy các hiệu buôn người Hoa hay kèm chữ “ký”.
Nhà cổ Tấn Ký. Ảnh: N.T.V |
“Anh hỏi số phận à? - ông Dũng vẫn chưa dứt giọng buồn buồn - thăng trầm lắm. Người chứng kiến là bà cố tôi. Bà sinh 1822, mất 1946. Chính vì sống thọ vậy, nên đời bà da diết buồn, bởi chứng kiến nhiều cái chết, từ ông tổ đến cháu, cùng tổn thất không thể đo đếm được của tài sản. Năm 1946, chạy giặc Pháp, của cải chất đầy 11 ghe bầu. Đồ quý tích cóp mấy trăm năm, quý lắm, nhưng quý mình mà dở ở người. Bình, gụ, sập, chạy tản cư, ở nhờ nhà người ta, nên chỉ có cách phơi ngoài chuồng heo. Hư nát. Dính bom. Lúc trở về, chỉ còn chở được 2 ghe. Bà về, cho đào 5 hầm tài sản đã cất giấu trước đó, thì không cái nào còn. Mất sạch. Thời điểm đó, ông tổ đã có 20 căn nhà ở Nguyễn Thái Học và Trần Phú. Đau buồn quá, năm sau thì bà mất. Còn ông Tấn Ký, sinh thời, cũng thuộc hạng thê thiếp đầy nhà. Ngoài hai bà chánh thất, ông còn có...18 bà khác! Sự đời vật đổi sao dời. Những biến động của dòng sông đã khiến Thu Bồn nhánh về Hội An bị bồi lấp, khó khăn cho ghe bầu cập bến, dẫn tới buôn bán thua lỗ. Ông mất năm 1895. Một đống nợ sau đó phải giải quyết với 200 mẫu ruộng ở Duy Xuyên. Con trai ông là Tấn Bửu mất năm 1898. Ông nội của ông Dũng là Lê Huynh, mất năm 50 tuổi. Những người đàn ông trong nhà lần lượt ra đi, đã khiến bà cố ông Dũng trở thành người tay hòm chìa khóa, nắm giữ linh hồn ngôi nhà...
2.Suốt mấy năm trăm, phần lớn là tao loạn, mà giữ được nhà, không phải chuyện chơi. Tôi ngỏ ý rằng, thảy là do nếp nhà, gia phong, là sợi chỉ ràng buộc chặt nhất, nếu không có nó, thì tiêu tán hết. Ông Dũng gật, rằng, sau 1975, cha ông là ông Lê Chương kể, bấm bụng giữ đồ không bán dù có lúc quá cực, nhưng rồi quá sức chịu đựng, phải rứt ruột bán đi cái chi đó để mà có cái ăn. Giữa sinh tồn và bảo tồn, giằng co dữ dội. Mệnh đề này, hình như không bao giờ cũ và xem ra trong tương lai, câu chuyện quản lý văn hóa, vẫn phải chênh vênh nương theo nó mà tính, từ chính quyền đến người dân. “Từ năm 1983, hai ông kiến trúc sư Kazic và Hoàng Đạo Kính, trở thành khách quen “ăn dầm nằm dề” ở nhà tôi. Đó là hai trí thức, nói như dân Hà Nội, là người tử tế, bởi quan điểm và hành xử về văn hóa, về vốn cổ, không thể chê trách được. Nhà cổ Tấn Ký lúc đó, là một trong 3 điểm cho thí điểm tham quan, cùng với chùa Cầu và Phúc Kiến. Đây cũng là 5 nhà cổ được xếp hạng đặc biệt”, ông Dũng kể. “Đồ gia bảo à? Chỉ là 1/10 so với trước 1945 thôi anh - ông ngậm ngùi - nhưng giữ được rứa cũng là may mắn lắm rồi. Đến thời cha tôi, vốn là giáo sư trung học dạy trường Trần Quý Cáp, thì sự nghiêm trang gìn giữ càng cao lên. Tôi cũng theo nghiệp nhà giáo. Có lẽ những yếu tố gia đình duy trì đã ràng buộc nghiêm cẩn suy nghĩ về giữ gìn gia phong, “tồn tại hay không tồn tại”, nên ...”.
Ông chậm rãi dừng ở đó. Còn tôi thì... đi lạc sang câu chuyện đã đang và sẽ nói không biết đến bao giờ dứt là giữ gìn hay khai thác du lịch, làm ra sao để mấy trăm năm sau, những ngôi nhà như thế, còn đó. Thật là khó khăn. Ông Dũng bộc bạch: “Ở đây, là tư duy quản trị của người nắm quyền và ý thức giữ gìn nhà cửa của chủ nhân. Nhà hư hại, nên sửa ra sao cho nhanh, gọn, ít tốn kém mà hiệu quả, rồi nhà nước có cần chịu trách nhiệm 60% vốn để sửa không, nhất là với những chủ nhân có khả năng sửa 100%? Bởi thủ tục nhiêu khê đã đành, mà thời gian lê thê hơn nữa nếu nhà nước tham gia tu bổ, thay vì 1 năm là xong, thì kéo dài 5 năm. Giữ làm sao cho ít hư nhất mà không đóng cửa, bất giao với bên ngoài, là chuyện không dễ dàng. Tác động mâu thuẫn giữa giữ bản sắc, nếp sống đô thị cổ và thành phố du lịch là rất sâu sắc. Giữ được nó tránh va chạm là tài năng, tâm đức của người cầm quyền và vai trò người dân, bởi không khéo là biến thành nơi mua bán, cho thuê, chứ không phải nguyên vẹn nữa. “Đây, thế hệ tôi, hồi trước, ở trong phố, hàng xóm đầu trên ngõ dưới biết hết; chừ thì thôi, ở sát là một ông người Ý, sáng ra mình chào nó hello, nó không thèm ngó lại, chưa nói là chào. Trách chi được, bởi người ta cho thuê hết rồi. Rõ ràng, một yếu tố văn hóa truyền thống đã bị gãy đứt. Không biết nói làm sao, bởi bây giờ là cạnh tranh làm ăn. Còn vấn đề này nữa, chính vì cấm xe máy, bên cạnh điểm hay, thì nó làm khổ cư dân trong đó. Đang nấu cơm, hết bình ga, thì ráng chờ đến trưa mới chở ga được, đang trong giờ cấm xe, ai cho đi, không lẽ vác? Sinh hoạt khó khăn đấy. Nhiều người phải ra ngoài ở là vậy, bởi nhu cầu đời sống hiện đại không thể quay lưng, không thể dừng...”.
Phố vẫn chưa sôi động, vì chưa tới 9 giờ sáng, khách tây ngủ chưa dậy, khách trong nước thì không thấy. Im như hơi thở nhẹ trên mái phố, trên viên đá đã mòn dọc vỉa hè. Những cánh cửa sắt và gỗ còn khép chặt. Bỗng nhiên nghĩ vẩn vơ: cửa mở mà lòng người khép, thì răng hè? Nắng dọi từ giếng trời vào nhà, hắt ánh sáng đến chỗ ảnh truyền thần của ông cụ tổ nhà Tấn Ký nhìn khách lặng im, như những cặp liễn đối, những đồng tiền, bình, hũ, im lìm tháng năm mà không bất động. Một trăm năm nữa thì sao? Tôi đã đặt câu hỏi này với ông Dũng, và ông nói rằng, tôi cũng dạy con tôi nối nghiệp nhà!
Ghi chép TRUNG VIỆT