Lên Tr'hy, đánh cá bằng pachác
Đêm Tr’hy. Tôi trằn trọc mãi. Chuyện bắt cá từ vỏ cây pachác cứ vây bủa tâm trí. Thành ra, đêm dài như dãy Trường Sơn. Rồi khi ngồi bên suối, sau hàng giờ trải nghiệm, tôi thấy những Clâu Hiếu, Ploong Bản, Cool Tia bặt tiếng cười. Họ lầm lũi nhìn rặng pachác ngậm ngùi trong cơn mưa đỏng đảnh…
Trong khi ấy, dòng Kaon vẫn miệt mài chảy. Tận lòng sâu của nó, vẫn còn bao vết thương sâu hoắm bởi những trận đãi vàng sa khoáng.
Về làng
Chiều hôm trước. Sau vài tiếng đồng hồ từ trung tâm huyện Tây Giang, chúng tôi có mặt tại nhà của già Clâu Blao ở thôn Voòng, xã Tr’hy. Qua mấy chén tr’đin, già kể chuyện bắt cá bằng vỏ cây pachác. Rằng chỉ cần dùng vỏ của loại cây này, chất độc của nó sẽ khiến cá nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Nhưng khi ăn vào, cơ thể con người vẫn không hề hấn gì. Không đến nỗi bí truyền, nhưng không nhiều người biết chính xác cây pachác. Bởi theo già Blao, đại ngàn Tây Giang còn có một loại cây cũng rất giống cây pachác. Và tất nhiên, nhựa từ vỏ của loại cây này, chẳng có tác dụng gì đối với cá. “Thật ra, việc phân biệt 2 loại cây này cũng không quá khó. Nhưng những già Cơ Tu rất nghiêm khắc trong việc truyền dạy, bởi nếu mình dạy không đúng người, nhất là đối với những người có lòng tham, thì tôm cá dưới sông suối sẽ dễ bị tận diệt” – già Clâu Blao nói thêm.
Chặn đầu dòng chảy nhánh suối Kaon để thuốc cá. |
Bởi vậy, việc bắt cá bằng vỏ cây pachác thường diễn ra khi có hội làng, cúng mừng lúa mới. Còn với những người, muốn dùng phương thức này để bắt cá thì cần phải xin ý kiến già làng, điều này chỉ khi nào thật sự cần thiết. Nhưng thường già làng sẽ kiểm soát số lượng vỏ cây pachác và tuyệt nhiên không được phép có sự xuất hiện của người ngoài. Thậm chí, chỉ có những người đáng tin cậy mới được phép đi lấy vỏ cây pachác, tất nhiên là dưới sự hướng dẫn của một già làng khác. Cái quy định nghiêm ngặt này, tầm 10 năm trở lại đây, được nới lỏng hơn nhiều. Song, với kẻ ngoài cộng đồng người Cơ Tu, vẫn là bất khả. Dẫu vậy, ở một chừng mực nào đấy, khi những kẻ “bên ngoài” có được niềm tin, thì đôi lúc người Cơ Tu sẽ cho phép trải nghiệm cùng họ.
Cool Tia lấy vỏ cây pachác. |
Trong hơi Tr’đin chếnh choáng, tôi trộm nhìn, rồi vụng dại nghĩ tìm cách mở lời với già Blao. Cái con người “kéo đường từ trên… trời xuống” này, như linh hồn của núi rừng tr’hy. Và, bằng một cách nào đó, ông đọc được suy nghĩ của kẻ dưới xuôi. Nên chúng tôi nhanh chóng nhận được cái gật đầu của già, về mong muốn được cùng thanh niên làng bắt cá bằng vỏ cây pachác. Đêm ấy, tôi không ngủ được.
Ra suối
Tr’hy đầu thu. Buổi sớm, sương giăng bảng lảng. Phía bên ngoài nhà Clâu Blao, nhóm 5 - 6 thanh niên làng í ới nhau. Tất cả đều có nhiệm vụ của mình, kẻ mang rựa, người mang lưới… Tầm 30 phút sau, chúng tôi có mặt tại suối Kaon. Và mất thêm chừng ấy thời gian, cả nhóm mới tập kết tại đoạn Pê Nưng. Rất nhanh chóng, chàng trai thủ lĩnh Ploong Bản chỉ huy nhóm bắt tay vào công việc. Nhưng trước hết, bằng con mắt đầy kinh nghiệm của mình, anh chọn một nhánh suối chảy quặp vào sườn núi. Những đoạn như thế này thường có nhiều cá. Chừng như đã quen việc, Cool Tia cùng 3 chàng trai khác vác đá, cây để chặn dòng chảy đầu nhánh. Ở cuối nhánh suối đấy, Clâu Hiếu cùng 1 người bạn đứng chờ sẵn, khi dòng chảy trở nên hiền hòa, cả 2 nhanh chóng giăng lưới, tấm lưới này sẽ hứng cá lúc nổi lên sau khi ngấm độc tố từ vỏ cây pachác.
Đập vỏ cây pachác lấy độc tố để thuốc cá. Ảnh: XUÂN KHÁNH |
Tôi được Cool Tia dắt đi lấy vỏ cây pachác. Vai mang gùi, tay cầm rựa, đôi chân của Tia thoăn thoắt ngược sườn núi. Sương còn ướt đẫm, đôi lúc lại có mưa, khiến đất rất trơn và chúng tôi đôi lần bị trượt. Hồi còn nhỏ, Tia đã được theo người lớn trong những lần lấy vỏ cây pachác. Nên anh biết rất rõ những vùng có loại cây này, và tất nhiên, chỉ cần lướt nhanh là anh biết chính xác đó là cây pachác. Cũng tầm 30 phút sau, Tia đứng lại, gõ nhẹ lưỡi rựa vào thân cây pachác và nói rất gọn: “Là nó”. Rồi anh bắt tay vào công việc tách vỏ khỏi thân cây, chừa một ít vỏ nối liền từ gốc lên ngọn, để cho cây khỏi bị chết. Cũng nhờ đó, 1 - 2 năm sau, vỏ cây sẽ liền sẹo. Đó là cách người Cơ Tu bảo vệ cây pachác.
Sau đó chúng tôi trở ngược xuống đoạn Pê Nưng. Đầu nhánh suối chặn dòng, cả bọn xúm nhau đập vỏ cây pachác. Từ chỗ rã nát, màu vàng vàng của nhựa pachác thoát ra, hòa tan vào dòng nước lững lờ. Tôi không may, chính xác hơn là chưa quen, nên bị nhựa pachác bắn vào mắt, cay xè. Thấy vậy, Clâu Hiếu bảo tôi ra ngoài nhánh suối này để rửa mắt. Ước chừng đủ “liều lượng” để thuốc cá, Tia bảo mọi người thôi đập vỏ cây. Hiếu đi về cuối dòng chặn, kiểm tra lại lưới. Tầm nửa tiếng đồng hồ sau, những con cá ngấm thuốc lần lượt trồi lên mặt nước, yếu ớt, trôi về phía lưới. Chúng tôi há mồm ngạc nhiên, còn những chàng trai Cơ Tu thì nhoẻn miệng cười. Nhưng những nụ cười ấy, không nhiều, không kéo dài. Bởi chúng tôi chỉ bắt được vài con cá. Ngước nhìn, mắt Bản xa xăm…
Hoài niệm
Rồi Bản ra hiệu cho anh em tháo những hòn đá, thân cây chặn dòng để cho dòng nước lưu thông trở lại. Bản bảo, có nhiều cá ở sâu trong hốc đá, hang sâu chắc chắn bị ngấm độc nhưng không bắt được. Khi dòng chảy trở lại bình thường, độc tố sẽ trôi đi và trong làn nước mới, những con cá này sẽ được giải độc và khỏe mạnh trở lại. Đó là cách người Cơ Tu bảo vệ cá khỏi bị tận diệt. Chúng tôi qua bên kia dòng Pê Nưng. Tia nhanh chóng khuất sau những rặng cây. Hiếu nhóm lửa. Bản dẫn tôi đi về hướng 1 lán trại bỏ hoang. Ở đây đầy rau diếp cá và ngò tàu. Khi trở lại, tối thấy lửa đã rực than và Tia đang xâu thịt gà để Hiếu hong trên than hồng.
Lúc bấy giờ, Bản mới rụt rè, rằng chuyện bắt được ít cá đã nằm trong dự liệu của cả nhóm, nên mới “giấu”sẵn một con gà trong rừng để “bù lỗ”. Bên dòng Kaon, cạnh đống than hồng, những Ploong Bản, Clâu Hiếu, Cool Tia lần lượt đưa chúng tôi về những hoài niệm. Trong ký ức chưa xa ấy, mỗi khi bắt cá bằng vỏ cây pachác, là cả làng hầu như ăn không hết, phải phơi khô để dành, thậm chí còn gửi xuống xuôi để làm quà. Bản bảo, nếu không vì chúng tôi, thì các anh cũng không đi thuốc cá ngày hôm nay. Cũng dăm ba năm rồi, dân Tr’hy không đi thuốc cá nữa, từ khi nơi đây có dự án thủy điện vào năm 2007.
Có một dự án, đã 8 năm trôi qua vẫn chưa nên dáng hình. Và không biết chủ dự án làm gì, mà hàng loạt người cùng một loạt máy móc lũ lượt kéo về đây, xúm nhau… khai thác vàng. Những hóa chất đãi vàng, nhất là thủy ngân, đã biến dòng Kaon trù phú trở nên xơ xác, đầy rẫy vết thương. Việc đãi vàng đã ngưng cách đây hơn 3 năm. Nhưng dòng Kaon vẫn chưa thể hồi sinh. Và từ độ ấy, dân Tr’hy như lạ lẫm dần với cá niên, lăng, chình, nheo… Lán trại mà Bản dẫn tôi đi hái rau, là của những người đãi vàng để lại. Tôi đem chuyện đi hỏi ông Coor Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Tr’hy, nhận lại chỉ là những cái lắc đầu. Già Clâu Blao, hình như cũng đang hoài niệm về thời trai trẻ với pachác. Còn bây giờ, ngay lúc này đây, tôi thấy dáng ngồi của những chàng trai Cơ Tu bên dòng Kaon trở nên lầm lũi, như bóng pachác ngậm ngùi.
Phóng sự của XUÂN KHÁNH