Hiệu quả của du lịch cộng đồng Cơ Tu
Với cách làm khác biệt, du lịch cộng đồng Cơ Tu tại xã Ta Bhing, (Nam Giang) đã giúp người dân có thu nhập và bảo tồn tốt hơn các giá trị văn hóa truyền thống.
Khơi dậy niềm tự hào
Dự án du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu tại xã Ta Bhing do Tổ chức Cứu trợ phát triển quốc tế (FIDR) - Nhật Bản hỗ trợ, bắt đầu triển khai từ tháng 4.2012, nhằm hướng đến mục đích tạo thu nhập cho người dân gắn với bảo tồn, phát huy các nguồn lực địa phương cũng như văn hóa truyền thống dân tộc. Tính đến tháng 9.2015, xã Ta Bhing đã đón khoảng 15 đoàn khách, chủ yếu đi về trong ngày, thu hơn 130 triệu đồng, nâng tổng số đoàn khách đến nơi đây lên con số 65 đoàn kể từ khi triển khai dự án đến nay. Trong thời gian một ngày du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động văn hóa cộng đồng Cơ Tu như xem múa tâng tung da dá, thưởng thức các món ăn truyền thống; xem dệt cườm thổ cẩm tại làng Zara; cùng trải nghiệm với cuộc sống người dân… Theo ông Briu Thương - Tổ trưởng tổ du lịch thuộc Ban quản lý dự án Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu, khách đến thăm làng chủ yếu người nước ngoài, đa số là Nhật Bản. Trước những nét văn hóa nguyên sơ của đồng bào hầu hết du khách đều thích thú. Vì vậy dù doanh thu chưa cao nhưng thành công của dự án đã khơi dậy niềm tự hào của người dân về các giá trị văn hóa của dân tộc mình, nhất là với các thế hệ trẻ.
Du khách Nhật Bản thích thú khi trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt, học tập tại làng Ta Bhing. |
Bà Nguyễn Thị Kim Lan - Tổ trưởng tổ dệt làng Zara (xã Ta Bhing, Nam Giang) cho rằng, nhờ du lịch mà làng nghề được hồi sinh, giúp tạo công ăn việc làm cho người dân, nhất là phụ nữ. Năm 2014 doanh thu từ bán sản phẩm thổ cẩm của làng hơn 160 triệu đồng, riêng 9 tháng đầu năm sản phẩm làng nghề bán ra cho du khách đã đạt hơn 90 triệu đồng. Trung bình, mỗi phụ nữ tham gia dệt thổ cẩm tại làng có thêm thu nhập 300 - 600 nghìn đồng/tháng, với những phụ nữ Cơ Tu con số này thật ý nghĩa. Đặc biệt, thông qua hoạt động du lịch thương hiệu dệt thổ cẩm Zara đã được quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến du khách khắp nơi, góp phần giúp làng nghề được gìn giữ phát triển tốt. “Tiền thu được từ bán sản phẩm dù không nhiều nhưng chúng tôi vẫn rất vui vì đã giúp giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc mình” - bà Lan tâm sự.
Xây dựng tính chủ động cộng đồng
Theo bà Phạm Thị Như – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, thành công của dự án thì rất nhiều, tuy nhiên thể hiện rõ nhất chính là đã bảo tồn tốt các giá trị văn hóa địa phương và những sinh hoạt mang tính chất cộng đồng. Ngoài ra, lợi ích từ du lịch mang lại cũng được chia sẻ cho những người tham gia vào hoạt động đón khách bằng cách thành lập quỹ của cộng đồng, vào những dịp tết, lễ lớn người dân thôn trích quỹ ra để tổ chức đâm trâu, lễ hội…. “Hiện nay, trong 7 thôn của xã Ta Bhing đều đã xây dựng các nhóm sáng kiến như nhóm trình diễn múa, nhóm nấu ăn, nhóm đan lát… nên lợi ích được chia cho cả làng bằng cách sử dụng vào những mục đích chung mang tính cộng đồng” - bà Như cho biết. Để giúp dự án vận hành tốt, huyện đã tổ chức kêu gọi sự phối hợp đồng bộ của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực tham gia như ngành văn hóa, thông tin; giao thông; thương mại; công an; y tế… với vai trò và trách nhiệm rõ ràng nhằm hỗ trợ trong việc đón khách. “Tour chỉ đi về trong ngày với số lượng khách đăng ký ít nhất là 6 người để người dân có thể giữ được cuộc sống yên bình, giảm thiểu những tác động tiêu cực từ bên ngoài vào môi trường văn hóa cũng như đời sống của đồng bào” - bà Như cho biết thêm. Ngoài ra, dự án cũng giúp người dân biên soạn quy định cụ thể đối với du khách và các bên liên quan nên làm gì và không nên làm gì khi tham gia tour du lịch đến Ta Bhing.
Bà Nobuko Otsuki – Trưởng đại diện tổ chức FIDR tại Việt Nam khẳng định, mục tiêu của dự án Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu ở huyện Nam Giang được xây dựng và phát triển dựa trên nguyên tắc cơ bản là tất cả giai đoạn phát triển du lịch đều được chủ động bởi người dân địa phương thông qua sự tham gia đông đảo từ các thành phần trong cộng đồng và sự kết nối của người tham gia. Đặc biệt, các nguồn lực địa phương được sử dụng trên nền tảng được tôn trọng, bảo tồn và cộng đồng địa phương là đối tượng hưởng lợi chính từ dự án mang lại. “Hiệu quả tác động từ mô hình du lịch này đến cộng đồng được thể hiện khá rõ trên các mặt đời sống là kinh tế, văn hóa và xã hội. Trong đó, tổng thu nhập từ du lịch của Ta Bhing đã tăng từ 0 đồng năm 2012 (khi dự án bắt đầu triển khai) lên trên 24 nghìn USD (9.2014). Đặc biệt, sự kết nối về văn hóa giữa các thế hệ với nhau cùng kế thừa truyền thống dân tộc nhằm kiến tạo một tương lai cho cộng đồng với sự tham gia tích cực của phụ nữ để mang đến công bằng xã hội” - bà Nobuko Otsuki phân tích.
THÂN VĨNH LỘC