"Ngôi nhà" đồng cảnh
“Khi cuộc sống gia đình vơi bớt khốn khó thì các cháu rời “ngôi nhà chung” này về lại với cha mẹ, nhường chỗ cho những trường hợp khó khăn khác…”.
TRÊN đây là tâm sự của cựu chiến binh Huỳnh Tấn Hùng - người đưa ra ý tưởng rồi vận động thành lập Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn huyện Phú Ninh (đóng chân tại thị trấn Phú Thịnh) từ hồi năm 2008. Tính đến nay, có gần 50 trẻ từng được cưu mang tại trung tâm này.
Nặng tình cưu mang
Chúng tôi ghé thăm trung tâm một ngày đầu tháng 10.2015, trúng dịp chị Lê Thị Thanh (thôn Tú Lâm, xã Tam Vinh, Phú Ninh) dẫn đứa con trai tật nguyền đến nhờ cậy. Dương Văn Hoàng học lớp 8, là con út của chị Thanh bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh. Cha Hoàng mất cách đây hơn nửa năm, chị gái của Hoàng vừa được mổ tim nên gia đình khá khó khăn. “Tui tính gửi con vào trung tâm này một thời gian. Sau khi trả bớt số nợ thì đến đón con về nhà” - chị Thanh tâm sự.
Hiện, 22 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình không đủ điều kiện cho ăn học đang được trung tâm này nuôi dưỡng. Cựu chiến binh Huỳnh Tấn Hùng chia sẻ, có thể trong vòng vài năm, khi kinh tế gia đình các em bớt vất vả thì các em lại quay về sống với gia đình. “Trung tâm chỉ nhận “nuôi giùm” với những gia cảnh thật éo le như mồ côi, khuyết tật. Nếu cháu nào được trung tâm bảo trợ thì được lo toàn bộ việc ăn ở đến chi phí học hành. Ngay cả cháu nào có tiền trợ cấp xã hội thì chúng tôi vẫn không nhận số tiền này. Từ đó phía gia đình các cháu được chia sẻ bớt gánh nặng để tập trung vào những bộn bề khác” - ông Hùng cho hay.
Chị Lê Thị Thanh (xã Tam Vinh) dẫn đứa con bị tật đến trung tâm nhờ ông Hùng giúp đỡ. Ảnh: VĂN HÀO |
Chỉ riêng từ đầu năm 2015 đến nay, có 6 trẻ về lại với tổ ấm gia đình. Đơn cử có trường hợp chị Th. (xã Tam Lộc), vì chồng bỏ nhà đi nên cả ba mẹ con xin vào trung tâm “tạm trú” thời gian dài. Gần đây, chồng cũ chị gửi tiền hàng tháng về lo cho hai đứa con nên mẹ con vừa rời trung tâm về lại quê sinh sống. “Tính từ ngày thành lập đến nay đã có hàng chục trường hợp cha mẹ tới xin đón các cháu về vì gia đình đã thoát nghèo, đủ năng lực nuôi dạy. Vậy chứ, cháu nào cũng luôn xem đây là ngôi nhà thứ hai, rảnh rỗi cuối tuần là đạp xe đến đây chơi cùng với các anh chị em” - ông Hùng tiếp lời.
Cách đây vài hôm, đoàn cựu chiến binh Mỹ có đến thăm hỏi cuộc sống của các em nhỏ và trao tặng trung tâm các linh kiện, máy móc phục hồi chức năng. Ông Hùng chia sẻ, sau khi đề xuất ý kiến và được chấp thuận, trung tâm mở một phòng tập phục hồi chức năng và vận động 20 gia đình ở địa phương có trẻ khuyết tật thường xuyên dẫn các cháu đến tập luyện. “Phòng tập mới mở hơn một tháng, chúng tôi vẫn đang kết nối để tìm kiếm máy móc hỗ trợ. Ngoài được tập luyện miễn phí, khi về các cháu còn được tặng quà, có thể là sách vở hay bánh kẹo” - ông Hùng nói. Dẫn đứa con trai bị liệt tay chân phải đến tập luyện vài ba bữa nay, anh Nguyễn Tấn Chủng (trú thôn Thạnh Hòa 2, xã Tam Đàn) chia sẻ: “Nhận được thông báo của chú Huỳnh Tấn Hùng, ngày nào rảnh là tôi đưa con lên đây tập. Vì có nhiều trẻ cùng tập luyện và đồ chơi phong phú nên con tôi rất thích thú, hơn nữa lại gần nhà nên rất tiện việc đi lại”.
Đồng cảm yêu thương
Huyên náo nhất tại “ngôi nhà chung” này là giờ các em đi học về. Vừa cất cặp sách là đứa tới tủ sách đọc truyện, đứa thì chạy nhảy khắp sân, đứa thì nghịch đồ chơi và tất cả đều chào ông Hùng bằng giọng thân thương “ba Hùng”. Lúc nào cũng vậy, Huỳnh Thị Kim Trung (học lớp 8, quê ở xã Tam Thành) đi học về là xuống bếp phụ các cô bữa trưa. “Con được gia đình gửi vào đây hơn 2 năm nay. Cuối tuần là con về thăm nhà, ba mẹ cũng thường xuyên đến đây hỏi han con việc học hành. Hồi mới vào đây, con nhớ nhà lắm nhưng chừ quen rồi vì mọi thứ trở nên thân thuộc”- Trung nói.
Ông Hùng kể, hồi mới bắt tay vào xây dựng trung tâm, gian khó trăm bề. Cơ duyên gặp sư cô Minh Hạnh (tu tại Thiền viện Thường Chiếu, Đồng Nai) trong một chuyến đi thiện nguyện hồi năm 2007 đã kết nối được những tấm lòng, bằng sự đồng cảm. Rồi tiếp đến nhận được sự quan tâm, động viên của các lãnh đạo huyện Phú Ninh ngày đó và bây giờ đã tạo nên một đòn bẩy để phát triển, hoàn thiện trung tâm. “Một năm tôi ra đây thăm các cháu khoảng 3 - 4 đợt. Tôi chỉ góp sức vào việc kêu gọi nguồn kinh phí, còn công việc ở đây chú Hùng một tay gánh vác. Nhìn lại những ngày đầu, thấy không uổng công sức mình bỏ ra khi giờ đây được nhiều cá nhân, tổ chức biết đến trung tâm. Như những năm trước phải đi mua gạo lo từng bữa cơm cho các cháu thì năm nay, đã có tổ chức đứng ra hỗ trợ phần gạo ăn” - sư cô Minh Hạnh chia sẻ.
Ngoài ông Hùng, trung tâm còn có 1 kế toán và 3 nhân viên phục vụ. Trước nhu cầu về sân chơi giải trí cũng như điều kiện học hành tốt nhất cho trẻ, ông Hùng dự định đề đạt UBND huyện Phú Ninh xin mở rộng không gian. Ông Hùng chia sẻ: “Những năm tháng làm cán bộ quân y phục vụ ở Campuchia, khi giải ngũ về công tác tại Hội Chữ thập đỏ xã Tam Thành (Phú Ninh), quá trình từng trải đã giúp tôi đã chạm đến sâu thẳm của nỗi bất hạnh, mất mát nên nung nấu nên ý tưởng sáng lập ra trung tâm với hình thức bảo trợ ngoài công lập này”.
VĂN HÀO - HẢI CHÂU