Lựa chọn động lực tăng trưởng
Quan điểm của Quảng Nam là chủ động, sáng tạo, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tạo đột phá… để phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh khá của cả nước. Tự mỗi ngành, địa phương đã lựa chọn tiềm lực, lợi thế so sánh để tạo ra động lực tăng trưởng.
Ông Trần Nam Hưng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tam Kỳ:
“Xứng danh thành phố tỉnh lỵ”
Xác định thương mại - dịch vụ là thế mạnh, trọng tâm của kinh tế thành phố. Bên cạnh dịch vụ tài chính, ngân hàng, bưu chính, viễn thông, thông tin, vận tải…, thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với lưu trú, nghỉ dưỡng dựa vào bãi biển Tam Thanh, địa đạo Kỳ Anh, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, các di tích văn hóa, lịch sử và thắng cảnh tự nhiên. Không chỉ mở rộng các siêu thị, trung tâm thương mại, thành phố sẽ đầu tư các chợ đầu mối, khu vực để thúc đẩy giao lưu hàng hóa. Không phải là thế mạnh, nhưng công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giảm thiểu tác động môi trường và nông nghiệp đô thị cũng sẽ là lựa chọn. Cụm công nghiệp Trường Xuân, Khu công nghiệp Thuận Yên, Tam Thăng sẽ được đầu tư cơ sở hạ tầng, chọn lọc nhà đầu tư chất lượng.
Tam Kỳ sẽ quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị theo đúng định hướng “thủ phủ xanh”. Hoàn thiện các dự án cấp thoát nước, kè ven sông Bàn Thạch, đường Điện Biên Phủ từ Nguyễn Hoàng đến đường cứu hộ, cứu nạn ven biển, nâng cấp đường Tam Kỳ - Tam Thanh. Xây dựng các khu phố mới song hành cùng sự chỉnh trang các khu đô thị cũ, thúc đẩy dự án hạ tầng, dịch vụ ở Tam Thanh. Tiến tới quy hoạch trung tâm hành chính ở phường An Phú, phát triển về phía đông và phát huy lợi thế của một thành phố có đủ núi đồi, ruộng vườn, ao hồ, sông, biển để xây dựng nên một đô thị đầy bản sắc, xanh, thân thiện với môi trường.
Tam Kỳ hiểu nhân tố quyết định thành công của địa phương phải bắt đầu từ năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu quả quản lý của chính quyền và chất lượng hơn nữa trong việc tập hợp, vận động nhân dân gắn với phát huy dân chủ, giám sát xã hội. Mỗi cán bộ, công chức phải có đủ năng lực, phẩm chất, ý thức về tư duy phục vụ, tạo sự hài lòng cho mọi công dân. Không thể phủ nhận hiện tại năng lực, tư duy quản lý, xây dựng đô thị của đội ngũ cán bộ thành phố chưa đáp ứng kịp với yêu cầu phát triển. Hạn chế tất yếu là đô thị quá non trẻ so với lịch sử đô thị Việt Nam và quốc tế. Vì vậy, việc tập trung đào tạo về quản lý đô thị, chuyên môn tin học, ngoại ngữ… cho cán bộ là điều phải được quan tâm. Thành phố sẽ mở rộng quan hệ với các trường đại học, tổ chức quốc tế và Việt Nam để đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ, thu hút sinh viên, cán bộ giỏi về công tác tại địa phương.
Kỳ vọng lớn về sự phát triển trong tương lai, nhưng nguồn lực (nhân lực, tài chính) còn hạn chế. Ngoài nội lực bằng cách tạo đồng thuận xã hội, khơi dậy tâm huyết, trách nhiệm để dân chúng góp thêm nguồn lực đầu tư, Tam Kỳ cần sự hỗ trợ đầu tư kinh phí, cơ chế và sự chia sẻ, động viên, góp ý đầy trách nhiệm để tạo nền tảng phát triển, xứng danh là một tỉnh lỵ đúng nghĩa.
Ông Kiều Cư - Bí thư Thành ủy Hội An:
“Phát triển dựa trên nền tảng văn hóa - sinh thái”
Văn hóa - sinh thái luôn được xác định là nền tảng, đòn bẩy bảo đảm cho du lịch Hội An phát biển bền vững. Định hướng mang tầm chiến lược ấy đã được cụ thể hóa liên tiếp qua các kỳ đại hội Đảng bộ Hội An từ năm 2006.
Du lịch - dịch vụ - thương mại sẽ giữ vai trò ngành kinh tế chủ đạo theo hướng tổng hợp, đa ngành, năng động, rộng khắp các tiểu vùng. Phát triển chất lượng du lịch cộng đồng bắt đầu từ năng lực nội sinh của văn hóa, môi trường sinh thái, xã hội, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Ưu thế di sản văn hóa, sinh quyển sẽ đa dạng hóa các loại hình du lịch, quy mô kinh doanh gắn liền với yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng dịch vụ, tạo ra những sản phẩm độc đáo, đặc trưng. Tất cả tiềm năng sẽ được phát huy, khai thác hợp lý, trách nhiệm, không tổn hại đến tài nguyên tự nhiên và văn hóa. Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng ở Hội An đã trở thành một sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn. Loại hình này đã và sẽ được mở rộng không gian phát triển của di sản đến các vùng lân cận, nâng cao mức sống người dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương tích cực và hiệu quả theo hướng tăng trưởng xanh, tạo sự cân đối, hài hòa về kinh tế, văn hóa, xã hội, hướng tới mục tiêu hình thành trung tâm du lịch văn hóa Quảng Nam, miền Trung và của Việt Nam. Không gian làng quê Việt sẽ được bảo tồn cùng với sự phát triển các nghề truyền thống, tạo việc làm, thu hút lao động, cải thiện thu nhập, thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa đô thị với nông thôn ngoại vi, tạo điều kiện công bằng hơn và mọi thành viên trong cộng đồng đều được hưởng lợi từ du lịch.
Sự cộng hưởng của các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, doanh nhân và cộng đồng dân cư chất lượng đã, sẽ góp phần xây dựng thương hiệu Hội An ngày càng nâng cao uy tín. Địa phương đã chọn lựa phương thức quảng bá tại chỗ thông qua cải thiện môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện, xây dựng Hội An thực sự là điểm đến hấp dẫn, uy tín… Từ yếu tố then chốt bảo đảm cho sự phát triển bền vững này đã giúp Hội An vượt qua sức ép, xu thế của đô thị hóa, những biến động về dân cư, nghề nghiệp… để giữ gìn những giá trị nhân văn, sinh thái, cảnh quan, môi trường thiên nhiên, kinh tế và nâng cao năng lực điều hành kinh tế, xã hội của hệ thống chính trị. Khu phố cổ - Di sản văn hóa thế giới với hơn 1.360 di tích kiến trúc nghệ thuật được bảo tồn tốt và kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng đang được chính người dân phố cổ đánh thức, làm giàu cho tri thức bản địa… Đó là động lực để Hội An quyết tâm xây dựng nên thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch.
Ông Nguyễn Văn Nhân - Giám đốc Sở Giao thông vận tải:
“Không để phát sinh nợ đọng, chuyển điều hành vận tải cho doanh nghiệp năng lực”
Kết nối hạ tầng giao thông dù đã được đầu tư khá nhiều, nhưng vẫn còn không ít công trình, dự án dở dang. Hệ thống giao thông chưa đồng bộ, liên hoàn. Mặt đường nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ hẹp. Một số cầu tràn bị ngập lũ, ách tắc giao thông mùa mưa, nhiều tuyến đường huyện thiếu kết cấu mặt đường và tỷ lệ đường giao thông nông thôn bê tông hóa vẫn chưa đạt được nguyện vọng người dân. Khối lượng công trình, dự án tiếp diễn và mới trong 5 năm tới rất lớn, từ kết nối giao thông liên vùng, nội vùng, khớp nối mạng lưới giao thông rộng khắp đường bộ lẫn đường thủy và thúc đẩy phát triển vận tải công cộng… cần rất nhiều nguồn lực đầu tư và những giải pháp phù hợp với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mới đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Với những dự án do trung ương và doanh nghiệp đầu tư sẽ phải phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư trong việc giải phóng mặt bằng, quản lý khai thác, sử dụng vật liệu địa phương, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án, giải quyết việc kết nối giao thông địa phương với mạng lưới giao thông quốc gia, giảm thiểu ảnh hưởng của các dự án đến sản xuất, đời sống người dân. Quản lý chặt việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, kế hoạch, phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng với các dự án, chương trình do Quảng Nam quản lý, triển khai. Đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không để phát sinh thêm nợ đọng, rút ngắn thời gian thi công, sớm đưa công trình vào khai thác. Vấn đề quan trọng là đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP. Bố trí các nguồn vốn phù hợp với tính chất, hiệu quả của dự án. Các dự án lớn, vốn đầu tư cao, có tính chất liên vùng ưu tiên bố trí vốn do trung ương hỗ trợ, vốn ODA. Những dự án phục vụ dân sinh sẽ ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương và tăng cường điều hành, bố trí lồng ghép các nguồn vốn đầu tư các chương trình. Công tác quản lý đầu tư phải được phân cấp hợp lý theo năng lực, tăng cường vai trò quản lý nhà nước về chất lượng, tiến độ, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu xây dựng từ quyết định đầu tư đến quản lý chất lượng, tiến độ, giá thành công trình. Cần một cơ chế khuyến khích đầu tư như trợ giá, hỗ trợ lãi suất… cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, ban hành các quy định, tiêu chuẩn dịch vụ vận tải hành khách để áp dụng vào các tuyến vận tải cụ thể làm công cụ quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đấu thầu công khai các tuyến vận tải đông hành khách, hình thành các tổ chức vận tải lớn, chuyên nghiệp. Khắc phục tình trạng vận tải hành khách nhỏ lẻ, manh mún. Tách rời chức năng quản lý nhà nước về vận tải khỏi chức năng điều hành hoạt động vận tải bằng cách giao chức năng điều hành này cho các doanh nghiệp có năng lực được lựa chọn thông qua đấu thầu.
Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT:
“Tập trung nguồn lực chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp - nông thôn”
Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những năm qua, Quảng Nam chưa thật sự chú trọng công tác thực hiện quy hoạch, dẫn đến một số lĩnh vực, vùng chưa được phát huy như lâm nghiệp và thủy sản. Cạnh đó, chăn nuôi chưa tương xứng với tiềm năng; hạ tầng phục vụ sản xuất tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đồng bộ. Dù đã có nhiều cơ chế khuyến khích phát triển, nhưng do hạn chế về nguồn lực nên vẫn chưa trở thành động lực thúc đẩy mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, chưa tạo sức hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn. Sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp là nguy cơ cao khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do đi vào thực tiễn, trong đó chăn nuôi sẽ gặp khó khăn lớn nhất.
Để đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, phải tiến hành đồng thời hệ thống các giải pháp về chính sách, cơ chế, phát huy tối đa những nguồn lực. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành là nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm trong thời gian đến. Vấn đề đầu tiên là cần nhận thức về định hướng lại sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu thị trường, trước hết phải chuyển mạnh sang nông nghiệp hàng hóa nhằm đáp ứng xu hướng cạnh tranh ngày càng gay gắt. Ưu tiên đẩy nhanh tăng trưởng các lĩnh vực có thế mạnh như thủy sản, lâm nghiệp và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi để nâng cao tỷ trọng trong cơ cấu nội bộ ngành.
Cùng với đó, chuyển mạnh cơ cấu đầu tư trong nông nghiệp - nông thôn thông qua đầu tư có kế hoạch và trọng tâm gắn với xây dựng nông thôn mới bằng các cơ chế mới, đặc thù để phấn đấu đạt mục tiêu hơn 50% số xã về đích năm 2020. Ngoài ra, phải tập trung cao cho sự chỉ đạo xây dựng cánh đồng lớn cả nông nghiệp lẫn lâm nghiệp và chú trọng khâu liên kết trong việc sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Để thu hút đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn trước hết phải đảm bảo an toàn, an tâm cho doanh nghiệp, tạo điều kiện tương tự như đầu tư vào các ngành kinh tế khác và đầu tư ở các khu công nghiệp, nhất là về đất đai, giải phóng mặt bằng, tín dụng, hạ tầng thiết yếu, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại…
Cần nhanh chóng rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch xã nông thôn mới và quy hoạch ngành, trong đó lưu ý điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch trồng rừng phòng hộ ven biển gắn với du lịch và điều chỉnh quy hoạch thủy sản. Tập trung giải quyết việc làm cho lao động và đẩy mạnh phát triển công nghiệp - dịch vụ ở khu vực nông thôn cũng là giải pháp quan trọng của chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn. Đưa công nghiệp may, chế biến nông sản về nông thôn và nhanh chóng khắc phục yếu tố bất lợi cản trở trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Khâu đào tạo nghề phải đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu xã hội phục vụ trở lại cho phát triển công nghiệp, ngành nghề hàng hóa ở nông thôn...
Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước:
“Phát triển thành vùng trọng điểm kinh tế vườn, trang trại”
Kinh tế vườn, trang trại vốn là thế mạnh của Tiên Phước. Mục tiêu phát triển địa phương thành “vùng trọng điểm kinh tế vườn, trang trại của Quảng Nam” sẽ cần đến việc đầu tư giao thông, thủy lợi, nâng cấp hồ đập, khai thác tối đa nguồn nước sông, suối ngầm và đầu tư các công trình tưới bằng hệ thống nước tự chảy, giếng, bể, ao chứa nước. Nguồn lực đầu tư sẽ dựa vào ngân sách nhà nước, nội lực nhân dân và xã hội hóa. Một quy hoạch tổng thể, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch chi tiết, phân vùng sản xuất đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi sẽ được rà soát. Nhà vườn xanh, sạch, đẹp sẽ được tôn tạo, chỉnh trang, liên kết vườn, trang trại chất lượng hình thành vùng sản xuất tập trung cây ăn quả sạch, sản lượng lớn để phát triển du lịch sinh thái đồng quê. Tiên Phước sẽ vận dụng các cơ chế, chính sách mới của trung ương, tỉnh, thu hút các doanh nghiệp hợp tác đầu tư giống, vật tư, công nghệ và bao tiêu sản phẩm, xây dựng và nhân rộng điển hình mô hình liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp) trong phát triển kinh tế vườn, trang trại. Cuộc cách mạng phát triển này sẽ dựa trên nền tảng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, bảo quản, sơ chế sau thu hoạch. Hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân, nông hộ, trang trại bằng nhiều hình thức tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn. Xây dựng các mô hình sản xuất áp dụng kỹ thuật mới. Quản lý chặt chẽ dịch bệnh cây trồng; tập trung cải tạo, chọn lọc, xây dựng các vườn ươm giống cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác cùng đầu tư liên doanh, liên kết với nông dân tham gia sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tạo thuận lợi cho kinh tế hộ, các chủ trang trại tiếp cận, tham gia các chương trình, dự án hợp tác, hội chợ triển lãm.
Tiên Phước sẽ chủ động khai thác, huy động các nguồn lực, tiếp tục thực hiện các cơ chế hỗ trợ hiện hành, xây dựng, đề xuất cấp thẩm quyền ban hành cơ chế mới hỗ trợ phát triển cây ăn quả đặc sản, khôi phục phát triển cây dược liệu, keo nguyên liệu, dó bầu, quế... Ngân sách huyện sẽ tăng mức hỗ trợ kinh tế vườn, trang trại gấp 2 lần so với giai đoạn 2010 - 2015. Tuy nhiên, Tiên Phước cũng đã xác định sự thành công của chương trình này phụ thuộc rất lớn vào tín hiệu của thị trường, sức năng động của doanh nghiệp và cơ chế chính sách nhà nước. Vì vậy, địa phương sẽ tăng cường tiếp cận thị trường để giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư trang thiết bị, máy móc sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản để tăng giá trị sản phẩm hàng hóa. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hạt tiêu Tiên Phước, lòn bon, thanh trà. Vận động doanh nghiệp, trang trại xây dựng các trang website để giới thiệu sản phẩm; xúc tiến mạnh trong việc quảng bá, ký gửi sản phẩm đặc sản vào các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, hội chợ và các tour du lịch trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện cho nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm đặc hữu của địa phương.
Ông Nguyễn Tri Ấn - Bí thư Huyện ủy Núi Thành:
“Khai thác lợi thế, tiếp sức ngư dân”
Để tạo cú hích cho kinh tế biển nói chung, ngành khai thác thủy sản nói riêng, cần phải làm tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế biển, đảo gắn với tổng thể chiến lược phát triển kinh tế đất liền, tận dụng ưu thế tạo thành những động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của từng khu vực và cả nước. Trong đó, kinh tế thủy sản phải khai thác lợi thế sẵn có, trở thành ngành mũi nhọn, là động lực thúc đẩy kinh tế biển phát triển.
Bằng những chủ trương, chính sách và nhiều nguồn lực, nhanh chóng hiện đại hóa ngành khai thác thủy sản, nhất là chú trọng đến việc tổ chức sắp xếp lại, chuyển đổi các nghề khai thác thủy sản ven bờ. Tập trung xây dựng các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại tại những địa bàn trọng điểm để hỗ trợ cho nghề cá phát triển. Đồng thời chú trọng công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản để phát triển bền vững, hạn chế và từng bước xóa bỏ các nghề có tính hủy diệt; xây dựng các trung tâm bảo tồn sinh thái biển; điều tra và bảo vệ các bãi đẻ tự nhiên trong vùng nội thủy. Đặc biệt, cần mở rộng thị trường đầu ra của sản phẩm thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, ổn định thị trường xuất khẩu truyền thống và mở rộng các thị trường mà nước ta mới gia nhập. Mặt khác, cần chú ý đến thị trường nội địa, đây là thị trường tiềm năng nhưng chưa được quan tâm đúng mức...
Riêng đối với Núi Thành, chúng tôi kiến nghị cấp trên tiếp tục duy trì thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho ngư dân hiện hành. Đồng thời điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện cho ngư dân được tiếp cận và hưởng các chính sách. Nên có chính sách hỗ trợ ngư dân thực hiện chủ trương chuyển đổi nghề, sắp xếp tổ chức lại nghề cá ven bờ và trên sông nhằm điều chỉnh mật độ khai thác hợp lý, góp phần bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Cùng với các chính sách đầu tư đóng mới, nâng cấp các vỏ tàu cá bằng sắt, thép và vật liệu mới, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ trang bị thiết bị hàng hải, tầm ngư, máy lọc nước biển thành nước ngọt để giúp ngư dân an toàn trên biển và tăng năng suất sản xuất. Cũng cần hỗ trợ ngư dân trang bị hầm bảo quản sản phẩm trên tàu bằng các vật liệu mới, cách nhiệt tốt hoặc hệ thống máy lạnh bảo quản sản phẩm trên tàu cá để giúp cho sản phẩm không giảm chất lượng khi vào bờ.
Ngoài những vấn đề nêu trên, Núi Thành mong muốn được tập trung đầu tư, hỗ trợ để trở thành trung tâm thủy sản của tỉnh và khu vực, với việc chuyển đổi cảng Kỳ Hà hiện nay thành cảng cá có dịch vụ hậu cần đồng bộ. Đồng thời nâng cấp chợ Tam Quang thành chợ đầu mối thủy sản và nâng cấp khu neo đậu An Hòa đảm bảo tránh trú bão cho mọi tàu cá. Bên cạnh đó, xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng các xã ven biển kết hợp với phát triển du lịch - dịch vụ để làm cơ sở phát triển khu vực này về mọi mặt, nâng cao đời sống ngư dân ven biển, giảm áp lực cho khai thác thủy sản ven bờ.
TRỊNH DŨNG - NGUYỄN SỰ (ghi)