Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Hội Nông dân (14.10): Đổi mới tư duy làm nông

NGUYỄN DƯƠNG (thực hiện) 14/10/2015 10:04

Trong 5 năm trở lại đây, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, họ đã biết liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất - điều trước đây rất hiếm. Nhiều hộ nông dân sản xuất đơn lẻ liên kết hình thành mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác sản xuất; liên kết sản xuất như nhóm hộ nông dân sản xuất rau an toàn tại Hội An, Duy Xuyên, Đại Lộc... hỗ trợ vốn, kiến thức, vật tư đầu vào, thị trường đầu ra, hạn chế thấp nhất bị tư thương ép giá để nông dân có lãi trong sản xuất kinh doanh.

PV: Nông dân Quảng Nam đã kịp thích nghi trong giai đoạn hội nhập này chưa, thưa ông?

Ông Vũ Văn Thẩm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.
Ông Vũ Văn Thẩm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.

- Ông Vũ Văn Thẩm: Rõ ràng, những lối mòn tư hữu ích kỷ của nông dân đang từng bước  loại bỏ. Họ nhận ra nếu một mình chống chọi với thị trường thiên biến là điều không thể khi ở đó đòi hỏi rất cao về chất lượng, giá cả và nhãn hiệu. Chỉ có liên kết tạo thành khối vững chắc hỗ trợ nhau thì mới có thể tồn tại. Minh chứng rõ nhất thông qua phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi (SX-KDG) Hội Nông dân phát động những năm qua, ngày càng có nhiều nông dân tham gia. Điều đáng nói là phong trào đi vào thực chất chứ không theo thành tích. Phong trào nông dân SX-KDG các cấp giải quyết hàng nghìn lao động có việc làm, thu nhập ổn định, hàng trăm hộ thoát nghèo bền vững vươn lên làm giàu chính đáng. Nhiều hộ nông dân SX-KDG đóng góp hàng trăm triệu đồng, hỗ trợ vốn, cây, con giống, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, giúp nông dân nghèo biết cách làm ăn, cải thiện cuộc sống…

PV: Vậy vai trò của Hội Nông dân trong việc giúp nông dân hội nhập với nền kinh tế thị trường được thể hiện như thế nào?

- Ông Vũ Văn Thẩm: Hội Nông dân định hướng, hỗ trợ, động viên cho người nông dân là chính. Tuy nhiên, Hội luôn nỗ lực hết mình và là người bạn đồng hành với nông dân trong mọi khó khăn, thách thức. Trong thời gian qua, cùng với cả tỉnh, hội tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả: đầu tư, hỗ trợ vốn, giống cây trồng, con vật nuôi, kiến thức kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất… Trong 6 tháng đầu năm, hội trực tiếp giúp 232 hộ nông dân thoát nghèo, đạt 58% kế hoạch, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như Hội Nông dân huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn, Tam Kỳ, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My... đã tặng 35 con bò giống, 200 con heo giống, 1.000 con gà giống. Chúng tôi đặt chỉ tiêu cho mỗi chi hội/xã của đồng bằng phải giúp được 1 hộ nông dân thoát nghèo, còn ở miền núi thì 2 xã giúp 1 hộ. Như vậy sẽ hỗ trợ thiết thực nhất, đúng với tiêu chí của hội là nông dân cùng giúp nhau giảm nghèo.

Nông dân hiện nay đang từng bước thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của mình để mang lại những hiệu quả cao. Ảnh: NG.DƯƠNG
Nông dân hiện nay đang từng bước thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của mình để mang lại những hiệu quả cao. Ảnh: NG.DƯƠNG

Nguồn vốn hỗ trợ nông dân cũng đang ngày càng được chú trọng. Bởi muốn phát triển, mở rộng quy mô sản xuất mà không có vốn thì cũng bằng thừa. Tuy chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn, nhưng nhìn chung, Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) ra đời đã giúp nông dân trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ hội cải thiện tình hình kinh tế. Tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt hơn 21 tỷ đồng. Trong đó cấp tỉnh hơn 12 tỷ đồng, cấp huyện gần 3 tỷ đồng. Vốn ủy thác cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 1.116 tỷ đồng, giúp 53.083 lượt hộ nông dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, hội đã vận động phát triển Quỹ HTND gần 4 tỷ đồng; thẩm định giải ngân cho 10 dự án, 116 hộ vay với số tiền 3,8 tỷ đồng, thu hồi vốn đến hạn 4,857 tỷ đồng của 238 hộ vay…

PV: Tuy vậy nông dân Quảng Nam nói riêng vẫn có những điểm yếu trong tư duy tổ chức sản xuất, Hội Nông dân có giúp họ tìm ra những điểm yếu đó để dần khắc phục?

-  Ông Vũ Văn Thẩm: Như đã nói, dù hội nỗ lực cố gắng hỗ trợ mà nông dân không chịu thay đổi cũng đành chịu. Chính bản thân nông dân là nòng cốt quyết định sự thành công của những mô hình sản xuất, phong trào hoạt động, xây dựng nếp sống mới. Một số bộ phận không nhỏ vẫn còn tâm lý ỷ lại quá nhiều vào các chính sách hỗ trợ. Chính suy nghĩ đó làm cho họ không thoát ra được tư duy theo lối mòn cũ. Một phần là hạn chế trong tuyên truyền, vận động người dân hiện nay. Một khi không truyền đạt hết đường lối chính sách, không làm người dân hiểu gốc rễ của vấn đề thì khó đạt hiệu quả. Phải làm thế nào để nông dân hiểu được rằng, phải bằng tự nỗ lực mới giúp được mình thoát nghèo khó. Bản thân Hội Nông dân hay các chính sách HTND chỉ có chức năng kích thích, cổ động, góp phần tác động chứ không quyết định người dân thoát nghèo hay không. Cứ trao “cần câu” cho họ rồi phó mặc như thế là không đúng, mà phải chỉ dẫn cho họ “cách câu” như thế nào, làm sao. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, vận động hiện nay vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Hơn nữa, cấp hội nhiều nơi hoạt động còn rất sơ sài. Họ không quan tâm, thậm chí có nơi bỏ trống việc HTND phát triển kinh tế. Cứ chạy theo công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng có những địa phương không thích hợp. Nông nghiệp vẫn đang là gốc giúp kinh tế phát triển. Khi người dân đã đủ vững mạnh, khi đó phát triển công nghiệp chưa muộn.

PV: Vậy ông có kiến giải gì không?

Để HTND cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy, giúp họ thay đổi nhận thức, hỗ trợ họ phát triển. Lâu nay cứ hô hào “liên kết 4 nhà” nhưng đã có nơi nào thực sự làm được điều này? Khi doanh nghiệp muốn liên kết phát triển với nông dân nhưng không được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương thì cũng đành chịu. Khi nhà khoa học hướng dẫn kỹ thuật mới nhưng nông dân không thay đổi cũng khó. Bản thân kinh tế nông nghiệp cần được đối xử đúng mức. Lâu nay người ta cứ cho rằng, không làm được việc gì thì về làm nông. Đó là cách nghĩ hoàn toàn sai lầm. Làm nông, phải có kiến thức mới làm nông được.

Người nông dân cần tính toán bài toán tổng thể chứ không phải chạy theo phong trào, mùa vụ cần chuẩn bị tâm lý cho rủi ro. Ví dụ năm đầu lỗ, năm sau lãi, đừng mang tâm lý thấy lỗ là phá bỏ, hoặc làm theo người khác trong khi không phù hợp. Tư tưởng “dễ làm, khó bỏ” cần được loại ngay. Nếu không có “khiếu” làm nông, có thể nhượng đất cho người khác làm. Thực chất, việc dồn đất ruộng cho  người có năng lực sản xuất này ở đồng bằng Sông Cửu Long đã làm từ rất lâu. Họ làm như kiểu một hợp tác xã kiểu mới. Người nhượng đất không sợ bị mất đất, không tốn công sức nhưng vẫn có thể thu lợi như trước khi mình làm. Nếu có thể, nông dân trên địa bàn tỉnh cần nghiên cứu hướng đi này.

Nói tóm lại, trong thời kỳ mới, chiến lược kinh tế nông nghiệp cần phải được nhìn nhận và đầu tư đúng mức, cả về phía chính quyền lẫn người dân. Không phải cứ nông nghiệp là lãi suất thấp, ngược lại, nông dân có thể làm tiền tỷ hàng năm là chuyện bình thường!

PV: Xin cám ơn ông!

 NGUYỄN DƯƠNG (thực hiện)

NGUYỄN DƯƠNG (thực hiện)