Di sản với du lịch và bảo tồn:Thách thức từ nhiều phía
Sau gần 16 năm kể từ ngày Đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn được công nhận Di sản văn hóa thế giới (1999) đã mở ra giai đoạn mới trong phát triển du lịch Quảng Nam. Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề cần giải quyết.
Áp lực
Sở hữu 2 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn cùng Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm nên áp lực bảo tồn đặt lên vai chính quyền địa phương khá lớn. Dày dặn văn hóa nhưng là tỉnh nghèo nên việc khai thác lợi thế văn hóa để làm du lịch không phải dễ dàng. Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ: “Chuyện bảo tồn di sản không phải đặt nặng vấn đề thu lợi. Trách nhiệm của ngành văn hóa cũng như địa phương là phải làm sao giữ tốt nhất các giá trị văn hóa được bồi đắp từ nhiều đời”. Biết vậy, nhưng quá trình phát triển cũng khiến di sản văn hóa thường xuyên đứng trước những thách thức và nguy cơ bị hủy hoại do tác động của thiên nhiên và con người. Trong đó, đô thị hóa và sự phát triển du lịch thiếu bền vững đã và đang làm ô nhiễm, hủy hoại môi trường cũng như không gian tồn tại của di sản.
Hiện tượng rạn nứt, ẩm mốc trên các tường tháp ảnh hưởng từ tình trạng du khách leo trèo lên tháp... là một trong những thách thức của Mỹ Sơn. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG |
Tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, sự quá tải không chỉ biểu hiện ở cảnh dồn ứ, chen chúc trong một không gian nhỏ hẹp của các nhóm tháp B, C, D mà còn thể hiện rõ trong việc trung chuyển khách từ cầu Khe Thẻ vào di tích. Theo đánh giá của các nhà bảo tồn, việc mỗi ngày Mỹ Sơn đón hàng trăm lượt khách ra vào chắc chắn sẽ ảnh hưởng, tác động không nhỏ lên di tích vì đây là những công trình kiến trúc bằng gạch, đá; hiện tượng rạn nứt, ẩm mốc trên các tường tháp do sự dẫm đạp của khách, ảnh hưởng từ mồ hôi, ánh sáng đèn flash, khách leo trèo lên tháp… là điều không thể tránh khỏi. Với Đô thị cổ Hội An, tuy chưa có những công trình nghiên cứu khoa học cụ thể về tác động tiêu cực của du lịch đến di tích, nhưng từ nhiều năm nay vấn đề này đã được các nhà nghiên cứu không ngừng cảnh báo. Đặc biệt, ảnh hưởng từ phát triển du lịch đến di sản cũng được thể hiện rõ nét trong việc chuyển dịch và thay đổi cơ cấu dân cư khi nhiều hộ dân trong phố cổ đã chuyển nhượng, cho thuê hoặc biến ngôi nhà của mình thành điểm buôn bán. Cùng với đó, những công năng, sinh hoạt truyền thống trong ngôi nhà cũng bị thay đổi để phục vụ mục đích kinh doanh. Các chuyên gia quốc tế về phố cổ Hội An cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng, trong quá trình phát triển du lịch, hình thức sử dụng nhà làm nơi kinh doanh, không còn là nơi ở của cư dân gốc, thì việc phố cổ bị mai một giá trị là điều đương nhiên. Và dĩ nhiên, Hội An đứng trước nguy cơ mất đi phần hồn của mình.
Hướng đến sự hài hòa
Tìm ra phương án bảo tồn những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tiền nhân để lại, đồng thời duy trì tính đa dạng văn hóa hiện có của dân tộc là yêu cầu cấp thiết trong tình hình mới. Thực tế, mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển du lịch luôn thể hiện trên hai mặt tích cực và tiêu cực. Nhờ có du lịch sẽ giúp địa phương và người dân có nguồn thu để thay đổi cuộc sống, từ đó nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản. Ngược lại, nguồn thu từ bán vé tham quan cũng sẽ đóng góp lại cho việc quản lý và bảo tồn tốt hơn các di sản… Theo ông Đinh Hài, nếu xét trên khả năng tiếp nhận khách, du lịch Quảng Nam vẫn còn dưới ngưỡng, lượng khách cũng chưa quá đông đến mức tạo ra thách thức cho di sản nên chưa phải là vấn đề đáng báo động. Ngoài ra, quy chế dành cho khách tham quan, hướng dẫn viên và người dân trong vùng di sản cũng đã được ban hành sẽ giúp điều chỉnh những hành vi liên quan đến di sản, điều này đã phần nào đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. “Vài năm trước sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh ra một chiến lược lồng ghép văn hóa với du lịch và đã được UBND tỉnh thông qua. Tất nhiên trong quá trình vận hành vẫn còn những vấn đề nảy sinh do nhận thức hoặc do khuynh hướng đặt nặng phát triển, nhưng nhìn chung những năm qua cơ bản là tốt. Dù vậy, chúng ta cũng nên thống nhất rằng, tuy không khuyến khích sự phát triển ồ ạt dẫn đến chạy theo mà quên đi bảo tồn, nhưng cũng không phải vì quá bảo tồn mà chậm chạp trong phát triển, hai cái này phải hài hòa với nhau. Bảo tồn để làm cơ sở cho phát triển và phát triển để tạo điều kiện cho bảo tồn” - ông Đinh Hài nói.
Không phủ nhận các dự án hỗ trợ về phát triển du lịch bước đầu đã mang lại một số kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định như chưa được tổng kết, rút kinh nghiệm và định hướng phát huy hiệu quả trong những năm đến. Bên cạnh đó, chất lượng xây dựng và quản lý quy hoạch, thương hiệu, sản phẩm, nhân lực… của ngành du lịch Quảng Nam còn yếu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín cho rằng, bên cạnh yêu cầu bảo tồn di sản, vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế địa phương cũng cần có những điều chỉnh phù hợp. “Qua thực tiễn, chúng tôi nhận thấy ngành du lịch có thể là một hướng đi tốt để vừa phát triển kinh tế, đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường. Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, du lịch cũng có thể mang lại nhiều tác động tiêu cực cả về kinh tế, văn hóa, và môi trường nếu không có sự quản lý đúng đắn. Do đó, phương thức phát triển du lịch một cách bền vững và chuyên nghiệp cũng trở thành một thách thức quan trọng của tỉnh Quảng Nam trong bài toán về bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín nhấn mạnh.
Góp ý cho Quảng Nam
Du lịch bền vững là khái niệm còn khá mới mẻ, tuy nhiên, đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách nên hướng đến điều này. Phát triển du lịch để bổ trợ cho văn hóa, chứ không phải khai thác triệt để mọi lợi thế và giá trị văn hóa mà không đối ứng lại cho thứ vốn liếng vô giá này.
PGS-TS. Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia:
“Phát triển du lịch có kiểm soát”
Phát triển du lịch bền vững là khai thác các giá trị của di sản cả vật thể và phi vật thể nhưng vẫn bảo vệ được nó. Vấn đề ở đây là làm sao phải tổ chức khai thác tốt. Cụ thể, số lượng khách du lịch tăng lên phải tương ứng với sự bảo vệ của các di sản, chứ đừng để khách tăng lên nhưng lại phá vỡ môi trường, ảnh hưởng đến giá trị vật chất hiện còn của các di tích. Ví dụ người ta vẽ viết bậy trên đá, lên gạch ở Mỹ Sơn, người ta làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của gỗ ở Hội An… Tất cả chuyện đó phải được lường trước.
Nếu phân tích rõ hơn chúng ta sẽ thấy, Hội An có đặc điểm của một đô thị sống, còn Mỹ Sơn mang đặc điểm của một di tích phế tích. Mỗi di sản có những yêu cầu riêng, vì vậy công tác quản lý từng nơi phải phù hợp với đặc điểm của khu di sản. Ở Quảng Nam hiện nay, bên cạnh việc bảo tồn, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa, cũng cần chú ý đến các di tích lịch sử cách mạng (Nước Oa, Nước Là, Căn cứ Khu ủy khu 5…). Như thế mới tạo sự phong phú đa dạng các di sản nói chung; nếu chỉ nghĩ đến các di sản kiến trúc nghệ thuật của thời kỳ cổ là chưa đầy đủ, chưa toàn diện.
Nguy cơ và thách thức lớn nhất hiện nay mà di sản Quảng Nam đối mặt đó là du lịch phát triển thiếu kiểm soát và thiếu bền vững. Ví dụ, hướng dẫn viên phải am tường nội dung các giá trị di sản từ phong tục tập quán, kiến trúc nghệ thuật… mới có thể chuyển tải được nội dung, giá trị đó đến với du khách, từ đó họ mới hiểu được và tham gia việc vừa bảo vệ vừa phát huy giá trị di sản. Rồi tổ chức các tour như thế nào, tuyến như thế nào cho phù hợp là điều các nhà quản lý du lịch cần phải tính đến. Hoặc phải có sự liên kết giữa Hội An và Mỹ Sơn, giữa Hội An và Cù Lao Chàm, giữa Quảng Nam với Thừa Thiên Huế và với các tỉnh miền Trung, giữa du lịch Quảng Nam và liên kết vùng như thế nào… cũng cần phải tính đến.
Bà Dương Bích Hạnh - Trưởng ban Văn hóa UNESCO tại Việt Nam:
“Đa dạng sản phẩm du lịch để thu hút khách”
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín: “Phát triển du lịch dựa trên nền tảng văn hóa” Xu hướng của du lịch và phát triển bền vững là dựa trên nền tảng văn hóa, lịch sử và sinh thái. Đối với Quảng Nam, qua kinh nghiệm và các tài nguyên thiên nhiên, nhân văn chúng tôi nhận thấy đây là những di sản rất phong phú. Như vậy, chủ thể trong tương lai của các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đó chính là người dân. Phát triển du lịch, nâng cao mức sống người dân sẽ là đường hướng chủ đạo của tỉnh hiện nay. Triển vọng rằng trong quá trình phát triển như vậy, số lượng khách, đặc biệt là khách quốc tế sẽ đến với Quảng Nam nhiều hơn, mang đến những kỳ vọng về doanh thu từ du lịch, không chỉ giúp nâng cao đời sống người dân tại các vùng di sản mà còn tạo điều kiện để di sản được đầu tư, bảo tồn tốt hơn. |
Không chỉ Quảng Nam mà rất nhiều khu di sản khác khi có du lịch đều vấp phải những thách thức. Hội An ngoài lượng du khách tăng nhanh và tập trung rất nhiều vào các ngày nhất định như rằm, lễ tết… còn có một thách thức khác mà tôi nghĩ UBND tỉnh cũng đã thấy. Đó là rất nhiều du khách trong nước họ đến ở lại tại Đà Nẵng và chỉ vào Hội An dạo chơi, ngắm phố nên Hội An không thu được tiền lưu trú hay ăn uống. Với Mỹ Sơn cũng có những thách thức, đó là khách đến chưa nhiều (khoảng 200 - 250 nghìn khách) thì việc lôi kéo khách từ Hội An đến Mỹ Sơn cũng còn khó khăn. Vấn đề khác là rất nhiều du khách đến Mỹ Sơn chỉ tập trung vào buổi sáng, còn buổi chiều rất vắng. Còn ở phía tây của tỉnh, thách thức chính là đường sá xa sôi, hiểm trở. Sản phẩm du lịch ở đó cũng chưa đủ mạnh để kéo khách đến…
Mỗi vùng đều có những thách thức riêng, trong khi đó sản phẩm du lịch Quảng Nam cũng chưa thật sự là đa dạng, phong phú. Giải quyết vấn đề này, có rất nhiều việc cần phải làm. Nếu chỉ đưa ra quy hoạch du lịch cho các khu di sản, vùng miền thì chưa đủ, cái chính là Quảng Nam phải đầu tư tiền của thực hiện các kế hoạch phát triển du lịch đó. phải làm sao đa dạng sản phẩm lên, chứ không nhất thiết cứ phải là đèn lồng Hội An, hay gốm tại Khu đền tháp Mỹ Sơn. Thời gian qua, các tổ chức quốc tế cũng đã phối hợp với Quảng Nam để đưa ra tem xác thực thương hiệu hàng lưu niệm Quảng Nam. Hy vọng việc làm này sẽ được nhiều người đăng ký để khách du lịch có thêm sự lựa chọn sản phẩm mới.
Nói chung, du lịch tác động đến di sản là điều có thể, nhưng không phải vì thế mà UNESCO không khuyến khích phát triển du lịch. UNESCO chỉ khuyến cáo du lịch phải có sự quản lý để phát triển bền vững chứ không phải có cái gì cũng mang ra bán hết, đừng để 10 năm hoặc 20 năm nữa Hội An trở thành quá nhàm và không còn gì hấp dẫn. Hội An, Mỹ Sơn phải điều tiết như thế nào để luôn có cái mới, đặc sắc.
Dung hòa sẽ tạo nên đòn bẩy
Di sản văn hóa được ví như không gian nghệ thuật, ở đó, mỗi con người là một chủ thể giữ gìn và làm nên những sáng tạo…
Sức hút từ nghệ thuật công cộng
Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, hiệu quả nổi bật của danh hiệu “di sản” là đã nâng cao được ý thức, hành động của người dân và chính quyền trong công tác bảo tồn giá trị di sản. Thông qua việc bảo tồn tính nguyên gốc phố cổ, Hội An đã biết phát huy đúng hướng để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế du lịch nhằm mang lại lợi ích cho nhân dân, nhất là các chủ di tích. “Từ những giá trị di sản của mình, Hội An đã biết khơi dậy và phát huy hiệu quả để có được những kết quả như hôm nay. Vì vậy, di sản vừa là động lực phát triển du lịch vừa là điều kiện để giữ gìn truyền thống văn hóa của Hội An. Điều này đã được minh chứng rõ nét trong những năm qua tại Hội An không chỉ với tư cách là một điểm đến hấp dẫn cho du khách mà còn thu hút các nhà nghiên cứu, khoa học từ đó giúp kêu gọi các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài vào công tác bảo tồn di sản dễ dàng và hiệu quả hơn” - ông Dũng phân tích.
Nhiều dự án hỗ trợ phát triển du lịch dựa vào khai thác các giá trị văn hóa địa phương góp phần cải thiện sinh kế cho cư dân khu vực nông thôn, miền núi. Ảnh: A.B |
Hội An lâu nay, trong suy nghĩ nhiều người, mặc nhiên trở thành không gian nghệ thuật công cộng, trong đó, mỗi góc phố, con hẻm, đều có thể là chỗ để làm nghệ thuật. “Hội An luôn hấp dẫn không chỉ ở giá trị lịch sử hay kiến trúc đáng gìn giữ, mà trên hết ở cái hồn của một thành phố xứng đáng là một “bảo tàng sống” độc nhất vô nhị tại Việt Nam, nơi tạo rất nhiều cảm hứng và cơ hội cho văn hóa - nghệ thuật, từ đó là cơ hội cho phát triển du lịch. Đó là thế mạnh và điểm đặc biệt nhất của thành phố bên sông Hoài hiện nay” - nghệ sĩ Trần Thùy Linh, Hội Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ. Dựa trên sự khác biệt này để phát triển, là một giải pháp khôn ngoan trong thời thế ranh giới giữa việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa và phá vỡ cấu trúc truyền thống rất mong manh. Từ rất nhiều người yêu quý phố cổ, chúng tôi làm một cuộc khảo sát nho nhỏ về những góp ý cho đô thị văn hóa này, một ý kiến chung từ các kiến trúc sư, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, chính là làm sao để Hội An vẫn giữ được phần hồn của mình, nhưng vẫn đem lại lợi ích kinh tế từ khai thác du lịch. “Người ta đến Hội An để mua sự tĩnh lặng”, xem chừng đã quá cũ với Hội An hiện tại. Biến Hội An thành một trung tâm nghệ thuật và sáng tạo, trong đó đầu tư cho nghệ thuật, không gian cho nghệ sĩ sáng tác, không gian triển lãm và biểu diễn… một cách chuyên nghiệp, là điều có lẽ cần cho nay mai. Đã có một “công viên gốm Thanh Hà” đang đi theo hướng phát triển như vậy. Và Hội An, xung quanh khu vực phố cổ, còn rất nhiều vùng đệm để tạo đà phát triển thiên về các giá trị nghệ thuật.
Lan tỏa các giá trị
Khác với hướng “bảo tàng sống” như Hội An, Mỹ Sơn cùng với hệ thống tháp Chăm trên địa bàn tỉnh lại là những di tích cần sự bảo tồn, trùng tu nhiều hơn tính kế thừa phát triển. Tuy nhiên, phát huy giá trị văn hóa của những ngôi đền tháp ngàn năm này sẽ đi theo chiều hướng văn minh, nếu chịu khó đầu tư tâm huyết. Ngay ở việc phân cấp quản lý di tích, khi hệ thống tháp Chăm Mỹ Sơn do Ban Quản lý di tích Mỹ Sơn chịu trách nhiệm, lại thuộc về quản lý hành chính cấp huyện, e rằng tấm áo này đã khá chật. Chưa kể những hạng mục trùng tu tháp lâu nay đều phải nhờ vào hợp tác quốc tế, liệu rằng cơ chế hành chính này đã phù hợp? Tuy vẫn còn khúc mắc trong việc phân cấp quản lý, nhưng công tác trùng tu các nhóm tháp tại Mỹ Sơn hiện nay đang ở mức độ ổn định. Hệ thống tháp Chăm vẫn giữ những giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc trưng.
Cộng đồng hưởng lợi Chiến lược phát triển du lịch Quảng Nam trở nên rõ ràng hơn nhờ sự giúp sức của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là UNESCO. Sản phẩm thủ công địa phương được xây dựng thương hiệu và tiếp cận thị trường. Người dân ở nông thôn, miền núi bắt đầu hưởng lợi từ du lịch thông qua mô hình du lịch cộng đồng tại Zara, Bhơ Hôồng, Đhrôồng, Mỹ Sơn, Trà Nhiêu, Triêm Tây… qua đó góp phần thúc đẩy lượng khách đến Quảng Nam tăng hơn 12 lần trong giai đoạn 1999 - 2014, từ hơn 300.000 lượt khách (1999) lên hơn 3.680.000 lượt khách (2014). Quảng Nam đã nhận được nhiều giải thưởng về du lịch và môi trường, tiêu biểu năm 2013, Tạp chí du lịch nổi tiếng Conde Nast Traveler của Mỹ bình chọn Hội An là điểm du lịch yêu thích thứ hai ở châu Á (sau thành phố Kyoto - Nhật Bản), Tạp chí Huffington Post (Mỹ) cũng giới thiệu Hội An là một trong 7 điểm đến đặc sắc và thu hút khách du lịch nhất khi tới Việt Nam, Tổ chức Định cư con người Liên hiệp quốc tại châu Á (UN Habitat) bình chọn Hội An là thành phố cảnh quan châu Á... |
Chọn phương cách đưa giáo dục di sản vào trường học, ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, cùng với vận động cộng đồng và các tổ chức quốc tế tham gia trùng tu các di tích văn hóa, việc đưa chương trình văn hóa địa phương vào trường học là cách hay để phần nào lan tỏa giá trị di sản. Không chỉ tập trung vào 2 di sản văn hóa thế giới, thông qua các dự án hướng về cộng đồng, những năm qua nguồn lực cũng được phân bổ đến nhiều vùng miền trong tỉnh. Thống kê trong 5 năm gần đây (2009 - 2014), Quảng Nam tiếp tục nhận được khá nhiều dự án hỗ trợ phát triển du lịch bền vững, chủ yếu dựa vào khai thác các giá trị văn hóa địa phương, qua đó cải thiện sinh kế cho cư dân khu vực nông thôn, miền núi. Đó là những trợ giúp về xây dựng chiến lược, phát triển loại hình du lịch cộng đồng, xây dựng và quảng bá thương hiệu, phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Tiêu biểu là các dự án tài trợ thông qua các tổ chức UNESCO, ILO, FIDR như: “Xây dựng chiến lược lồng ghép văn hóa và du lịch nhằm phát triển bền vững tỉnh Quảng Nam”, “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền ở tỉnh Quảng Nam”, “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu”.
Trong hội thảo xúc tiến hợp tác quốc tế về “Bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Huỳnh Vĩnh Ái - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL khẳng định, trong xu thế hiện nay, phát triển du lịch là một trong những phương thức góp phần đưa di sản văn hóa không chỉ được lưu giữ mà còn trở thành những di sản sống, góp phần thúc đẩy kinh tế. Vì vậy, dung hòa giữa 2 yếu tố này sẽ tạo nên những đòn bẩy mới góp phần bảo tồn và khai thác tốt các giá trị của di sản nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. “Hai cái này phải gắn chặt với nhau mới phát triển. Hay đúng hơn là bảo tồn di sản văn hóa cũng chính là một phương thức để phát triển du lịch bền vững” - ông Ái nói.
Hướng tới sự phát triển bền vững của một địa phương, việc chú trọng vào văn hóa, sau đó hướng đến kinh tế du lịch, là hướng đi được cho là tốt nhất hiện nay.
KHÁNH LINH - LÊ QUÂN