Ý Đảng, lòng dân
Trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Báo Quảng Nam tiếp tục ghi nhận nhiều ý kiến của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân gửi đến đại hội với niềm tin và hy vọng.
Ông Nguyễn Xuân An - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh:
“Xây dựng lòng tin của nhân dân với Đảng”
Không chỉ riêng cán bộ, hội viên Hội Cựu chiến binh mà tôi nghĩ toàn thể nhân dân trong tỉnh đều rất trông chờ vào Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI. Mong rằng, qua đại hội lần này sẽ tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của cấp ủy, nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị, cùng với toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ đảng viên phải thực sự trong sạch vững mạnh và tiên phong, không để thoái hóa, biến chất do việc tham ô, tham nhũng. Qua đó xây dựng lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Bởi vì mất lòng dân là mất tất cả. Làm thế nào đó trong nhiệm kỳ đến Quảng Nam vẫn giữ vững được tinh thần đoàn kết, cán bộ đảng viên nâng cao trách nhiệm, hạn chế thấp nhất vi phạm những điều đảng viên không được làm.
Ông Nguyễn Văn Nạ - thôn La Thọ 3, xã Điện Hòa, Điện Bàn:
“Đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc”
Không biết nơi khác thế nào chứ ở thôn La Thọ 3 mấy năm nay đời sống người dân rất tốt, hầu như không còn ai đói nghèo nữa. Rồi đường sá giao thông cũng khang trang sạch đẹp hơn; an ninh trật tự được đảm bảo, mấy chuyện trộm cắp đã không còn xảy ra. Đặc biệt, thôn đã được tỉnh công nhận danh hiệu 14 năm liên tục đạt thôn văn hóa. Trong nhiệm kỳ tới, là một nông dân, tôi gửi gắm niềm tin tưởng và kỳ vọng vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ tới sẽ tiếp tục đề ra nhiều sáng kiến, chủ trương tốt lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công các kế hoạch đã đặt ra, giúp đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, càng ấm no, hạnh phúc. Với các thôn đạt danh hiệu văn hóa nhiều năm như La Thọ 3, Đảng, Nhà nước cũng nên có những chính sách hỗ trợ thiết thực để người dân phấn khởi nỗ lực nhằm tiếp tục giữ vững danh hiệu thôn văn hóa.
Ông Hoàng Bài - thôn Mông Nghệ Bắc, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn:
Nhà nông cần được tiếp sức
Những năm qua, lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi của tỉnh đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đầu ra của sản phẩm hết sức khó khăn, nhà nông phải liên tục đối mặt với cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Chính vì thế, hiệu quả kinh tế từ việc sản xuất mang lại không cao, thậm chí là thua lỗ.
Tôi hy vọng rằng, trong kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI này, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm giúp người dân yên tâm phát triển sản xuất nông nghiệp, qua đó tạo động lực xây dựng thành công mô hình nông thôn mới. Theo tôi, ngoài việc chú trọng công tác dồn điền đổi thửa để xây dựng cánh đồng mẫu, các cấp, các ngành cần tập trung nguồn lực thi công hoàn thiện kết cấu hạ tầng thủy lợi. Đặc biệt, những cơ quan có trách nhiệm từ tỉnh đến cơ sở cần làm cầu nối vững chắc để nhà nông liên kết với doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra, như thế mới có thể hạn chế tình trạng tư thương định đoạt giá như hàng chục năm nay. Bên cạnh đó, nông dân chúng tôi cũng rất cần Nhà nước hỗ trợ trong vấn đề định hướng thị trường để không xảy ra chuyện khủng hoảng thừa và khủng hoảng thiếu các loại nông sản chủ lực.
Ông Hà Sáu - đảng viên Chi bộ thôn Phong Ngũ Tây, xã Điện Thắng Nam, Điện Bàn:
“Tiếp tục thực hiện các mũi đột phá”
Theo tôi, thành công nhất của nhiệm kỳ qua là phát triển cơ sở hạ tầng và giảm nghèo bền vững. Đó là nhìn nhận chung, còn riêng với chương trình xây dựng nông thôn mới, là thành quả nổi bật, đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, kéo khoảng cách giữa nông thôn và thành thị lại gần hơn. Ở Điện Bàn đã có 3 xã được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới là Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang và nay tiếp tục là các xã của Điện Thắng và Điện Hòa, điều này đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân kể cả vật chất cũng như tinh thần nên ai cũng phấn khởi.
Nhiệm kỳ tới tôi kỳ vọng các cấp lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 mũi đột phá về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, và thêm 1 mũi đột phá về giảm nghèo bền vững. Trong đó, phải ưu tiên hàng đầu cho nguồn nhân lực để hình thành nên đội ngũ lao động vững vàng, được đào tạo có hệ thống, bài bản. Giải quyết được 4 cái này thì hàng loạt vấn đề khác cũng sẽ được giải quyết, hướng đến thay đổi toàn diện bộ mặt kinh tế - xã hội, thuận lợi đưa Quảng Nam phát triển theo hướng công nghiệp và hiện đại. Đối với công tác xây dựng Đảng, cán bộ, đảng viên phải đi vào thực chất việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để dân tin, dân phục. Việc nâng cao chất lượng của các tổ chức cơ sở đảng, nhất là ở nông thôn, cũng phải được quan tâm chú trọng hơn trong nhiệm kỳ tới vì đây là nơi trực tiếp và gần dân nhất..NHÓM PV (ghi)
Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh:
Mặt trận sẽ hiện thực hóa vai trò giám sát và phản biện xã hội
Trong nhiệm kỳ qua, khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục được củng cố, tăng cường và phát huy thông qua vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Mặt trận các cấp đã thông qua nhiều hoạt động, phong trào thi đua và nhiều cuộc vận động lớn để tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. Hệ thống Mặt trận các cấp tiếp tục được mở rộng bằng việc kết nạp nhiều thành viên vào Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đại diện cho đầy đủ các tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Trong 5 năm đến, nhiệm vụ của các cấp ủy đảng, chính quyền và Mặt trận là quán triệt, thực hiện thành công nghị quyết Đại hội XXI của Đảng bộ tỉnh đề ra; quán triệt và thực hiện tốt những nhiệm vụ mới được Hiến pháp năm 2013 và Luật Mặt trận năm 2015 quy định. Ngoài việc tiếp tục thực hiện và nâng cao chất lượng các cuộc vận động, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới và đô thị văn minh” gắn với giảm nghèo bền vững. Mặt trận tiếp tục tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền bằng việc thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị. Đồng thời chủ động thể hiện rõ hơn vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Để làm tốt nhiệm vụ phản biện và giám sát, Mặt trận sẽ chọn những nội dung gắn liền với quyền và nghĩa vụ hợp pháp chính đáng của nhân dân. Đặc biệt là giám sát đến nội dung 2 chương trình mục tiêu quốc gia lớn của Chính phủ; đó là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Tham gia phản biện những dự thảo, văn bản của cấp ủy, chính quyền khi yêu cầu liên quan đến việc phát triển kinh tế xã hội 5 năm đến, liên quan đến trách nhiệm quyền hạn của Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội, để đảm bảo cho các văn bản sau khi ban hành được phù hợp, sát thực tiễn và có tính khả thi cao.ANH ĐÔNG (ghi)
Nguyễn Hợi - Phó Bí thư Đoàn khối Doanh nghiệp:
Văn hóa phải được đặt ngang với kinh tế, chính trị và xã hội
Sau khi nghiên cứu Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, tôi hoàn toàn tán thành và nhất trí cao với nội dung dự thảo. Tuy nhiên, trong phần phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2015 - 2020, tôi đề nghị cần có mục dành riêng cho chỉ tiêu về phát triển văn hóa. Trong đó cần tập trung một số giải pháp như: Với 244 xã, phường, thị trấn phải có thiết chế văn hóa phù hợp để phát huy những giá trị văn hóa và không gian văn hóa bản địa. Định hướng xây dựng các câu lạc bộ với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú, đặc biệt phát huy chủ thể nhân dân trong giữ gìn bản sắc văn hóa, các lễ hội văn hóa mang đặc trưng. Xây dựng một thương hiệu văn hóa là xây dựng hình ảnh con người Quảng Nam thời đại mới, là động lực phát triển kinh tế - xã hội và là chìa khóa để ngoại giao hội nhập sâu rộng hơn với vùng miền cả nước, khu vực và thế giới, thông qua ngoại giao văn hóa là cầu nối thu hút đầu tư kinh tế. Đẩy mạnh xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp, kết hợp văn hóa hiện đại và văn hóa truyền thống, đặc biệt là các doanh nghiệp bản địa thiên về truyền thống như: dệt lụa, thủ công mỹ nghệ, du lịch - dịch vụ, sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.
Xét cho cùng, bản chất của văn hóa là sự sáng tạo hướng tới các giá trị nhân văn, hướng tới cái đúng, cái tốt, cái đẹp để nâng đỡ hạnh phúc của con người, thúc đẩy sự tiến bộ xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ ra: nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là nền kinh tế nhân văn, nền kinh tế vì sự phát triển bền vững của con người. Vì vậy bản chất của văn hóa thống nhất với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà chúng ta hướng tới.
Vùng đất Quảng Nam được biết đến là đất mở, năng động với sự giao thoa các nền văn hóa lớn của khu vực và thế giới. Từ nền văn hóa bản địa vốn đã có những tiếp biến với nhiều nền văn hóa, tri thức và tự làm phong phú thêm nền văn hóa thống nhất trong đa dạng. Từ giao thoa văn hóa thông qua giao thương buôn bán, trao đổi hàng hóa... những sản phẩm truyền thống như đồ trang sức, mỹ nghệ, sản vật từ thiên nhiên đến các mặt hàng như lụa tơ tằm, thông qua nghệ nhân địa phương đã làm nên dấu ấn riêng, sự nổi tiếng của các mặt hàng mang thương hiệu xứ Quảng... được thế giới biết đến. Đó cũng chính là động lực phát triển.
Ngày nay Quảng Nam được biết đến trong nước và thế giới là vùng đất năng động đang thay da đổi thịt từ những vùng kinh tế động lực như Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, có khu liên hợp cơ khí ô tô lớn nhất cả nước, có cảng biển Kỳ Hà, có sân bay Chu Lai... Quảng Nam cũng được biết đến là vùng đất văn hóa di sản, với các Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Hội An, với hình ảnh con người đất Quảng qua truyền thống khoa bảng hiếu học, kiên cường bất khuất, qua những con người giản dị, mộc mạc đã làm nên những món ăn ẩm thực, những câu hò, điệu hát mạng đậm văn hóa vùng đất…
Bởi vậy, trong chặng đường quan trọng để Quảng Nam đột phá phát triển toàn diện, đại hội cần đưa việc phát triển văn hóa làm một trong những thế mạnh của nội lực để phát huy tối đa các nguồn lực trong nhân dân và tranh thủ ngoại lực hỗ trợ từ trung ương, đặc biệt thu hút nguồn đầu tư bên ngoài hình thành nguồn lực tổng hợp phát triển. Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Đồng thời phải khắc phục xu hướng chạy theo tăng trưởng kinh tế, coi nhẹ hoặc hy sinh văn hóa, làm tha hóa con người. Quá trình phát triển nền kinh tế đất nước và Quảng Nam hiện nay đang đi theo hướng phát triển nhanh và bền vững, đề cao chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng cũng chính là nhằm vào mục tiêu văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người và môi trường xã hội. Do đó, các giá trị của con người phải được đặt vào vị trí trung tâm của sự phát triển kinh tế - xã hội.VINH ANH (ghi)