Hội làng Triêm Tây
Một tour du lịch cộng đồng vừa được làng Triêm Tây (Điện Phương, Điện Bàn) đưa vào thử nghiệm với sự tham gia của các hãng lữ hành và các cơ quan truyền thông báo chí. Cảnh sắc làng quê cùng những dịch vụ bình dân đã thực sự mang đến cho khách nhiều cảm xúc thú vị.
Ấn tượng làng quê
Triêm Tây không chỉ hấp dẫn khách ở khung cảnh làng quê mà còn ấn tượng với những con đường bình yên nở đầy hoa tím. Đó còn là lăng Ngũ hành, nhà cổ Xã Mùi, là những vết tích kiến trúc gắn liền lịch sử làng cùng lở bồi theo năm tháng. Trải nghiệm Triêm Tây, du khách như lạc vào một thế giới vừa quen vừa lạ của tuổi thơ nơi cánh diều giấy chấp chới chao nghiêng trên thảm cỏ mịn màng và tiếng í ới gọi nhau kiếm củi, hái rau trong buổi chiều tà, những điều từ lâu tưởng chỉ còn trong ký ức. Cảnh sắc càng nên thơ hơn khi hoàng hôn trải dài trên dòng lạch Quế cũng là lúc ghe thuyền nhộn nhịp vãi chài giăng lưới giữa tiếng hò khoan của các chị các bà trên bến nước ven sông. Tất cả chân thực như cuộc sống người dân làng hàng bao đời nay vốn vậy.
Du khách thích thú với những trải nghiệm du lịch cộng đồng tại làng Triêm Tây. |
Trải nghiệm Triêm Tây cũng chính là sống với những con người hiền hòa, chất phác, họ háo hức chào đón khách như những người thân lâu ngày trở về; đãi khách bằng các món ăn “đặc sản” của làng với khoai nướng, bắp nướng, bắp luộc; là cá bống dưới sông và rau muống sau vườn. Với họ làm du lịch không phải để kiếm tiền mà chính là thể hiện sự hiếu khách và khoe vẻ đẹp của làng đến với mọi người. Ngày mở tour thử nghiệm ai cũng bồn chồn, lo lắng như chính chuyện nhà mình. Câu cửa miệng của các bà các chị gặp nhau trên đường chỉ mong sao trời nắng để niềm vui của làng được trọn vẹn. “Mừng lắm, mấy hôm nay cứ vái trời vái Phật trông cho đừng mưa, mong mau tới ngày đón khách. Lo còn hơn đám cưới con mình. Bây giờ thấy khách vui vẻ hài lòng thì phấn khởi lắm” - bà Nguyễn Thị Lựu tâm sự.
Đêm hô hát bài chòi cả làng kéo về nhà văn hóa thôn ken kín, không khí văn nghệ đã không còn là màn “trình diễn” phục vụ khách du lịch như kịch bản ban đầu mà đã thật sự là buổi sinh hoạt cộng đồng. Các cụ bà ngồi bệt trên đất nghe cháu con hát hò, đối đáp giữa những tràng vỗ tay và tiếng xôn xao nói cười hồn nhiên của các cô cậu trai làng. Có lẽ, lâu lắm rồi Triêm Tây mới vui đến vậy, những “nghệ sĩ” đã vượt qua vẻ nhút nhát ngày thường để thay vào đó là niềm say mê hết mình. Niềm vui phút chốc đã lan đến cả những nhà lữ hành đóng vai làm khách khi tham gia tour trải nghiệm du lịch cộng đồng. “Rất tuyệt vời, có lẽ sản phẩm du lịch quý nhất của Triêm Tây chính là những con người nơi đây, họ đón khách với niềm tự hào và sự chân chất, mộc mạc, những điều ngày nay rất khó tìm thấy ở các điểm du lịch khác”, ông Dương Minh Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đầu tư tư vấn phát triển du lịch cộng đồng (TP.Hồ Chí Minh) nói.
Kỳ vọng Triêm Tây
Dù được đánh giá khá cao, nhưng theo lãnh đạo thị xã Điện Bàn và các nhà tổ chức, Triêm Tây vẫn chưa cần vội đón khách. Bà Phan Thái Hoa – Tổ trưởng tổ xúc tiến du lịch Điện Bàn cho rằng, tour thử nghiệm chỉ nhằm mục đích tranh thủ ý kiến đóng góp của các nhà lữ hành về sản phẩm, dịch vụ, giá cả, tour tuyến… trước khi chào bán khách. Đặc biệt, sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế tổ chức nhằm đảm bảo phân chia lợi ích công bằng cho mỗi thành viên cộng đồng tham gia, nhất là người dân trong 7 tổ dịch vụ của hợp tác xã nông nghiệp làng. “Du lịch Triêm Tây được xây dựng bởi sự tham gia đầy đủ và trách nhiệm của chính người dân, cùng hướng tới những mục tiêu và xác định các thông điệp dựa trên các tài nguyên sinh thái nhân văn của làng, góp phần thúc đẩy không chỉ về mặt kinh tế thông qua nâng cao thu nhập bổ sung, mà còn giúp gắn kết các thành viên trong cộng đồng cùng nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn tài nguyên sinh thái, môi trường thiên nhiên, hướng tới sự phát triển bền vững” - bà Hoa chia sẻ.
Tuy chưa đón khách tham quan nhưng thực tế Triêm Tây đã trở thành điểm đến thu hút nhiều sinh viên, tình nguyện viên trong nước và quốc tế, với nhiều hoạt động ý nghĩa như tổ chức khám bệnh miễn phí, hướng dẫn thực hành nông nghiệp hữu cơ, các chương trình học ngoài giảng đường và các lớp tiếng Anh dành cho mọi lứa tuổi trong cộng đồng. Còn với những nhà lữ hành, Triêm Tây như cô gái quê đầy quyến rũ, sẽ mang đến sức hút cho làng. “Sự khác biệt là quan trọng và Triêm Tây phải tìm sự khác biệt đó. Theo tôi, có thể biến nơi đây thành ngôi làng của các loài hoa hay một thứ gì đó phải thật độc đáo. Còn lại những vấn đề như nhân lực hay các sản phẩm phụ kèm không đáng lo, chỉ cần qua thời gian sẽ từng bước hoàn thiện” - ông Dương Bình Minh góp ý. Ông Minh cũng cho rằng, lợi thế của Triêm Tây chính là gần phố cổ Hội An, đây là điều khá thuận lợi cho việc thiết kế một tour trải nghiệm vừa tiết kiệm chi phí nhưng cũng sẽ rất ấn tượng nhằm tận dụng điều kiện sẵn có, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. “Tôi thấy khoảng cách từ bến đò Cẩm Kim vào Triêm Tây chỉ khoảng 2,5km nên khách từ Hội An đi thuyền qua Kim Bồng hoàn toàn có thể đi bộ hoặc đi xe đạp vào Triêm Tây. Sau đó người dân sẽ dùng thuyền hoặc bè tre đưa khách từ lạch Quế ra lại bến đò Cẩm Kim về Hội An. Đây sẽ là một tour rất lạ và hấp dẫn” - ông Minh phác họa.
Không phủ nhận, vẫn còn nhiều điều cần hoàn thiện nhưng có thể thấy bức tranh du lịch Triêm Tây đã bắt đầu định hình rõ nét, hứa hẹn mở ra triển vọng thay đổi cuộc sống người dân, và trên hết chính là giúp kết nối cộng đồng cùng hướng về một tương lai tốt đẹp hơn.
THÂN VĨNH LỘC