Huy động tổng lực

DIỄM LỆ 12/10/2015 09:17

Tốc độ giảm nghèo toàn tỉnh đến thời điểm này đã đạt mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra. Nhưng vẫn còn đó những thách thức cho công cuộc giảm nghèo mang tính bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

Cuối năm 2010, kết quả điều tra hộ nghèo toàn tỉnh còn đến 90.109 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 24,18%), cao hơn tỷ lệ chung của cả nước (14,20%). Những khó khăn, thách thức đối với công cuộc giảm nghèo trong nhiệm kỳ 2011 - 2015 đòi hỏi cả xã hội cùng vào cuộc. Xác định được mục tiêu giảm nghèo là ưu tiên hàng đầu, nhiều nguồn lực đầu tư từ trung ương, tỉnh và nguồn xã hội hóa đã được tập trung cho công cuộc giảm nghèo, đặc biệt là những khu vực miền núi, hải đảo, đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Chung tay vì người nghèo

Theo ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, điều đáng mừng là mục tiêu đặt ra giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 3% (từ 2011 - 2015) đã đạt được, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh ước còn 9% vào cuối năm 2015. Bên cạnh đó, tình hình đời sống của người dân nói chung, của người nghèo, cận nghèo nói riêng cũng đã được cải thiện rõ rệt, nhất là về y tế, giáo dục và nhà ở. Có 100% người nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; 100% học sinh, sinh viên nghèo được hỗ trợ chi phí học tập, cấp bù học phí, trẻ em 3 - 5 tuổi được hỗ trợ tiền ăn trưa...

Trao bò sinh sản cho hộ nghèo vùng đồng bằng là cách làm đang được hưởng ứng tích cực. Ảnh: D.LỆ
Trao bò sinh sản cho hộ nghèo vùng đồng bằng là cách làm đang được hưởng ứng tích cực. Ảnh: D.LỆ

Tổng nguồn lực đầu tư của cả giai đoạn 2011 - 2015 cho chương trình giảm nghèo là hơn 22.845 tỷ đồng trong đó 9 huyện khu vực miền núi được đầu tư 6.920 tỷ đồng, chủ yếu là vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương. Ngoài ra, nguồn vốn huy động thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo trên địa bàn tỉnh được hơn 7.183 tỷ đồng. Với nguồn lực này, hơn 61 nghìn lượt hộ nghèo và cận nghèo được vay vốn phát triển sản xuất; gần 46 nghìn lượt học sinh, sinh viên được vay vốn đi học. Hộ nghèo còn được hỗ trợ làm nhà ở từ nhiều chương trình 134, 135, Quyết định 167, được cấp bù học phí, cấp thẻ BHYT miễn phí, hỗ trợ sinh kế bằng các phương tiện sản xuất trao tay...

Công cuộc giảm nghèo không còn là của riêng ai, mà cả xã hội cùng chung tay góp sức. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phát động cuộc vận động gây Quỹ ngày vì người nghèo, xây dựng nhà đại đoàn kết; Liên đoàn Lao động tỉnh với phong trào công nhân viên chức lao động góp 1 ngày lương ủng hộ Quỹ ngày vì người nghèo và phong trào xây dựng Quỹ mái ấm công đoàn; Hội Nông dân tỉnh kêu gọi nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng; Tỉnh đoàn giúp đỡ thanh niên lập nghiệp; Hội Cựu chiến binh tích cực trong công tác điều tra, phân loại hội viên nghèo để xây dựng giải pháp hỗ trợ hội viên nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo... Ngoài ra, Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh có chương trình vận động hỗ trợ mổ tim, đục thủy tinh thể cho người nghèo; Hội Khuyến học vận động thực hiện chương trình học bổng đất Quảng cho sinh viên nghèo đã góp phần rất lớn trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh. Cách làm đa dạng nhưng tựu trung đều chung mục đích hỗ trợ hộ nghèo trên mọi lĩnh vực, giúp hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Chú trọng tính bền vững

Có thể nói, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đạt được mục tiêu đề ra là một tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhưng nhanh có bền vững không là vấn đề được đặt ra. Ông Nguyễn Dương Triều, Trưởng ban Văn hóa - xã hội (HĐND tỉnh) cho biết: “Qua thực tế giám sát của HĐND tỉnh, có thể nói các địa phương trong toàn tỉnh đã tích cực, có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công cuộc giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, tuy nhiên chưa thực sự bền vững. Đây là vấn đề tỉnh cần quan tâm hàng đầu trong chặng đường sắp tới. Bởi nhiệm kỳ tới sẽ bắt đầu cách đánh giá hộ nghèo theo hướng đa chiều, chuẩn hộ nghèo cũng sẽ thay đổi, và sẽ kéo theo nhiều hộ cận nghèo rớt vào lại hộ nghèo”.

Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Khắc Tưởng - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh nhận định: “Bây giờ, đến miền núi ai cũng cảm nhận được sự khác biệt rõ ràng so với 5 năm về trước. Đó là sự khác biệt ở cơ sở hạ tầng, đời sống nhân dân. So với bức tranh toàn tỉnh thì tỷ lệ hộ nghèo ở 9 huyện miền núi giảm đáng kể, nhưng khoảng cách với đồng bằng vẫn còn cao lắm. Hơn nữa, sự giảm nghèo ở miền núi tính bền vững không cao. Vì vậy giai đoạn tới cần phải tiếp tục đầu tư các chính sách, đặc biệt là về giáo dục, y tế, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ, bằng cách kêu gọi đầu tư lên miền núi với nhiều đãi ngộ cho doanh nghiệp”. Theo ông Tưởng, lằn ranh giữa nghèo - cận nghèo ở khu vực miền núi rất mong manh, hộ cận nghèo chỉ cần một mùa không có lúa ăn do thiên tai hoặc đau ốm, hỏa hoạn, bão lũ thì sẽ rơi lại vào hộ nghèo ngay. Vì vậy các chính sách đầu tư phải hướng đến tính bền vững đối với hộ nghèo.

Trong giai đoạn mới, theo Sở LĐ-TB&XH, công cuộc giảm nghèo cần tập trung vào giải pháp hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và các vấn đề an sinh xã hội cho hộ nghèo phù hợp với từng vùng, khu vực và từng nhóm dân cư. Đặc biệt, từ cuối năm 2015 sẽ áp dụng phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều, nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc của hộ nghèo theo từng nguyên nhân nghèo, như: thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, phương tiện sản xuất, kinh doanh, chưa có nghề... Từ đó sẽ có chính sách tác động phù hợp xóa hộ nghèo. Và hộ nghèo sẽ được phân thành nhóm hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội và nhóm hộ nghèo thuộc chính sách giảm nghèo, có phương pháp tác động, giúp đỡ hiệu quả hơn. Nguồn lực xã hội hóa cho công cuộc giảm nghèo cũng được đề cao theo hướng đa dạng hơn, nhằm huy động sự vào cuộc của toàn xã hội.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ