Cần tạo sự đồng thuận
Câu chuyện di dời chợ Kế Xuyên (xã Bình Trung, huyện Thăng Bình) thời gian gần đây gây nên những ồn ào được - mất giữa người đi kẻ ở...
Chủ trương đúng
Theo quy hoạch phát triển ngành thương mại Quảng Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 của UBND tỉnh thì chợ Kế Xuyên thuộc diện cần di dời trong thời gian sớm nhất. Tức là từ 2011 - 2015, bởi nhiều lý do khá bức thiết. Theo đánh giá của Công an tỉnh, đoạn quốc lộ 1 qua khu vực chợ Kế Xuyên là một trong những điểm đen về giao thông trong nhiều năm nay. Tình trạng này người dân khu vực gần chợ hiểu rõ nhất. Bên cạnh đó, chợ cũ Kế Xuyên được xây dựng trước năm 1975, đến năm 2009 xã Bình Trung có nâng cấp ít nhiều nhưng vẫn khó kiểm soát do tình trạng ô nhiễm môi trường tăng cao, không có hệ thống thoát nước. Nguy cơ cháy nổ luôn chực chờ bất cứ lúc nào do đường dây điện chằng chịt xen lẫn với nhà dân. “Tất cả hạng mục đều xuống cấp trầm trọng, nguy hiểm luôn chực chờ đe dọa tính mạng người dân và tiểu thương nên nhu cầu phải di dời sớm bức thiết hơn bao giờ hết. Thế nên, sau khi khảo sát, Sở Công Thương, UBND huyện Thăng Bình tham mưu UBND tỉnh thống nhất khu vực xây dựng chợ và dân cư quanh chợ tại Thông báo số 283/TB-UBND ngày 10.9.2012, Thông báo số 320/TB-UBND ngày 10.9.2013, Quyết định số 2720/QĐ-UBND ngày 8.9.2014 và được UBND huyện Thăng Bình ra Quyết định thu hồi đất số 757/QĐ-UBND ngày 28.11.2014” - ông Lê Thành Lưu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết.
Một góc chợ Kế Xuyên mới. Ảnh: T.A |
Trong Quyết định 2720 của UBND tỉnh có chủ trương thu hồi 29.899m2 đất giao thông, thủy lợi và 5% đất do UBND xã Bình Trung quản lý giao cho Công ty TNHH MTV Tân Phước Toàn xây dựng chợ Kế Xuyên và khai thác quỹ đất khu dân cư quanh chợ. Trong đó, đất ở là 14.683m2, đất thương mại 604m2, đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật là 9.605m2, đất xây dựng công trình chợ là 5.007m2. Cũng theo Sở Công Thương, UBND huyện Thăng Bình, UBND xã Bình Trung, quá trình di dời chợ cũng được địa phương tổ chức thực hiện công khai. Theo kế hoạch ngày 14.9, UBND xã sẽ tiến hành di dời chợ nhưng do tình hình mưa bão và một số hộ dân xung quanh không đồng ý nên công tác di dời chợ tạm hoãn. UBND xã Bình Trung tiếp tục ra Thông báo 39/TB-UBND ngày 16.9 về việc di dời chợ đến địa điểm mới và tháo dỡ chợ cũ vào ngày 28.9. Tuy nhiên, chiều 28.9, trong lúc phá dỡ chợ cũ, một chiến sĩ công an đã bị thương do bà con tiểu thương quá khích cản trở và tấn công nên việc phá dỡ phải tạm thời hoãn lại lần nữa.
Ý kiến trái chiều
Đến nay đã có 107 hộ (trong tổng số 115 hộ) thống nhất chủ trương đăng ký và nộp tiền để kinh doanh tại chợ mới. Trong khi đó, ông Trần Văn Thịnh (trú tổ 2, thôn Kế Xuyên 2) cho rằng, khi tiến hành quy hoạch, xây dựng chợ, các cơ quan chức năng không tổ chức lấy ý kiến của người dân, tiểu thương nên không được sự đồng tình, ủng hộ. Việc chọn địa điểm xây dựng chợ mới còn nhiều bất cập như quá gần với Trường Tiểu học Nguyễn Du nên sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường sư phạm cũng như chất lượng dạy, học của giáo viên và học sinh. Ngoài ra, Công ty TPT còn tự ý san lấp, lấn chiếm hơn 3.000m3 đất nông nghiệp để phân lô bán đất làm nhà... Trước những luồng ý kiến trái chiều của một số hộ dân mà đại diện là ông Trần Văn Thịnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương kiểm tra và có ý kiến phản hồi để người dân được rõ. “Về kiến nghị khi xây dựng chợ Kế Xuyên gần Trường Tiểu học Nguyễn Du, theo thiết kế đối diện khuôn viên trường là khu dân cư, cổng trường cách chợ về phía tây là 60m, từ cổng chợ đến lồng chợ hơn 100m nên không ảnh hưởng đến hoạt động của trường tiểu học” - ông Lê Thành Lưu cho biết. Được biết, dự án được phê duyệt có tổng mức đầu tư khoảng 22 tỷ đồng, trên diện tích gần 3ha, thời gian thực hiện 18 tháng. UBND huyện Thăng Bình cũng phản bác ý kiến rằng chính quyền lấy 5,6ha đất lúa, làm chợ chỉ có 800m2 còn bao nhiêu bán nền nhà là không đúng. Bởi, UBND huyện đã chỉ đạo cho Phòng Tài nguyên môi trường phối hợp với UBND xã Bình Trung tiến hành đo đạc, thực tế cho thấy, diện tích xây dựng có phát sinh 502m2. Tuy nhiên, đó là diện tích xây dựng phát sinh các taluy bảo vệ xung quanh chợ, kiểm tra cho thấy không có tình trạng phân lô bán đất để lấy lời như phản ảnh của người dân.
Trong quá trình tìm hiểu việc di dời chợ Kế Xuyên, chúng tôi cũng nhận được ý kiến của một số tiểu thương cho rằng giá cho thuê mặt bằng tại chợ mới cao hơn chợ cũ rất nhiều. Bà Võ Thị Thanh (tiểu thương bán trái cây tại chợ) cho biết, ở chợ cũ, gian hàng trái cây của bà chỉ phải trả khoảng 2.000 đồng/ngày cho chủ nhà, các hộ bán trái cây khác có hộ chỉ trả 1.000 đồng/ngày/gian hàng. Khi chuyển qua chợ mới, với mặt bằng có khu vực bề ngang 2m với đơn giá 4.000 đồng/m/ngày thì bà phải trả 8.000 đồng/ngày/gian, gấp 4 lần giá cũ. Tuy nhiên, bà Thanh cũng như nhiều hộ tiểu thương khác cũng đồng ý di dời sang chợ mới nhưng mong muốn ban quản lý chợ xem xét mức giá cho thuê mặt bằng. Qua tìm hiểu, mức giá cho thuê mặt bằng ở chợ Kế Xuyên mới được xây dựng trên khung giá do UBND tỉnh quy định. Như vậy, các hoạt động để thực hiện di dời chợ theo cơ quan chức năng là hoàn toàn hợp lý, đa số tiểu thương cũng đã đồng tình. Tuy nhiên, để tạo sự thoải mái trong tư tưởng cho người dân sinh sống và hưởng lợi từ chợ Kế Xuyên, chính quyền cần có những hành xử, giải thích cặn kẽ để người dân hiểu rõ đây là chủ trương đúng góp phần giải quyết những vướng mắc tại chợ cũ.
THỤC ANH