Xác định chỉ tiêu cụ thể về mức độ phổ cập giáo dục
Góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng, ông Nguyễn Tấn Ngọc - Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn đóng góp một số ý kiến trong lĩnh vực giáo dục.
|
“Trước hết là việc sử dụng thuật ngữ về giáo dục. Bây giờ người ta không gọi là phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi nữa mà gọi là Phổ cập giáo dục tiểu học mức độ (gồm mức độ 1, 2, 3). Tương tự, là phổ cập giáo dục THCS mức độ 1,2,3. Vì vậy, trong báo cáo dự thảo không nên dùng là giáo dục đúng độ tuổi vì Chính phủ đã đưa ra đánh giá phổ cập ở mức độ rồi nên phải đánh giá hiện nay đạt mức độ nào, nhiệm kỳ tới là mức độ nào. Thứ hai là trong báo cáo không xác định được tỉnh đã đạt được phổ cập mầm non chưa nên đưa tỷ lệ phần trăm như báo cáo là mập mờ. Rồi trẻ 5 tuổi ra lớp đạt chỉ tiêu 100% cũng cần điều chỉnh lại là phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi.
Một vấn đề cần quan tâm nữa là hiện nay giáo dục công lập nhà nước không thực hiện cho trẻ dưới 36 tháng tuổi trừ cơ sở trường mầm non, nhưng toàn thị xã Điện Bàn hiện chỉ có một trường mầm non còn lại là trường mẫu giáo, mà trường mẫu giáo thì không thực hiện nghĩa vụ giáo dục cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, đồng nghĩa số trẻ dưới 36 tháng tuổi phải vào các trường tư thục nên Nhà nước phải có cơ chế hỗ trợ, giúp đỡ để cơ sở mầm non tư thục phát triển. Với Điện Bàn, vấn đề này càng đặc biệt cấp thiết hơn ở vùng đông nơi có Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc tập trung rất nhiều công nhân (chủ yếu trong độ tuổi sinh đẻ và có con nhỏ). Vì vậy, ở những vùng năng động có khu công nghiệp tập trung thu hút lượng công nhân nhiều thì tỉnh nên có một cơ chế hỗ trợ cho địa phương để họ phát triển giáo dục nói chung trong đó ưu tiên mầm non và tiểu học.
Riêng ở mục phương hướng với “Tỷ lệ học sinh nhập học đúng độ tuổi, tiểu học 100%, THCS 95%, THPT 75%...”. Theo tôi, nên xác định rõ trong 5 năm đến đạt phổ cập tiểu học, mức độ nào, THCS mức độ nào… Nếu lấy phần trăm người đi học sẽ không giải thích được là đối tượng đó học trong điều kiện nào, học như thế nào. Ví dụ, nếu 100% đi học mà học ngày một buổi hay học 5 buổi/ tuần, chưa nói học sinh chỉ học mấy môn văn hóa mà không được học tin học, ngoại ngữ, âm nhạc… Trong khi xu hướng bây giờ là học sinh phải được đào tạo toàn diện về văn hóa, thể chất, nhân cách… Những mục này chỉ nói một phía trong khi mục tiêu phát triển của Đảng ta hiện nay là phát triển dân trí, nhân lực và nhân tài. Vì vậy phải lấy phổ cập làm đích hướng tới trong 5 năm đến”.
VĨNH LỘC (ghi)